Kết nối thúc đẩy tiêu thụ nông sản an toàn- cách hữu hiệu để ngăn chặn thực phẩm bẩn

17/12/2018
Đó là giải pháp được Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Trần Thị Hương đề cập đến tại Hội nghị hỗ trợ xây dựng, kết nối cơ sở sản xuất nông sản thực phẩm an toàn với nhà phân phối, tiêu thụ sản phẩm do Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Hội Nông dân, Bộ Công thương tổ chức tại Hà Nội sáng 17/12.

Đây là hoạt động nằm trong chương trình phối hợp giữa Chính phủ, Hội LHPN Việt Nam và Hội Nông dân Việt Nam về tuyên tuyền, vận động sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn vì sức khỏe cộng đồng giai đoạn 2017-2020.

Tham gia hội nghị có đông đảo các đại biểu đại diện TW Hội LHPN, Hội LHPN một số tỉnh, thành khu vực phía Bắc, các bộ ngành liên quan, tổ chức, đoàn thể, chuyên gia và gần 20 doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác có phụ nữ tham gia quản lý.

Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Trần Thị Hương cho biết, thời gian qua, Hội LHPN Việt Nam đã tích cực vào cuộc, tăng cường công tác tuyên truyền vận động với phương pháp đổi mới theo hướng tiếp cận trực tiếp đến nhiều đối tượng với nhiều hình thức phong phú, qua đó nhận thức, thực hành về an toàn thực phẩm của người dân nói chung, cán bộ, hội viên phụ nữ nói riêng đã được nâng lên.

Nhiều mô hình, hoạt động về đảm bảo an toàn thực phẩm của Hội với nhiều cách làm sáng tạo, thu hút được đông đảo hội viên tham gia như: Hội Phụ nữ với Cuộc vận động Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch, trong đó nội dung về an toàn thực phẩm được đưa vào tiêu chí “Bếp sạch”; các mô hình tổ phụ nữ trồng rau an toàn, sản xuất sạch, chế biến sạch; CLB Phụ nữ kinh doanh thực phẩm tươi sống an toàn, Nói không với thực phẩm bẩn. Hàng năm, hàng trăm HTX, tổ hợp tác do phụ nữ quản lý được các cấp Hội hỗ trợ thành lập, trong đó có nhiều hợp tác xã, tổ hợp tác về lĩnh vực sản xuất, chế biến, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn... đã góp phần cung cấp cho người tiêu dùng những sản phẩm an toàn, bảo đảm dinh dưỡng.

 Ảnh minh họa
 

Tuy nhiên, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm còn nhiều vấn đề đặt ra: nhiều nơi còn lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, hóa chất, kháng sinh trong sản xuất nông sản, thủy sản; nhiều cơ sở giết mổ không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; nhiều người sản xuất nông sản an toàn gặp khó khăn trong kết nối, tiêu thụ sản phẩm; nhiều hộ sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ chưa liên kết, hợp tác để có những sản phẩm có chất lượng, có thương hiệu để tiêu thụ với giá trị cao...

Theo số liệu tại hội nghị, năm 2017 đã phát hiện 123.914 cơ sở vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm, xử lý hành chính 35.759 cơ sở với số tiền phạt lên tới trên 61 tỷ đồng.

Giải quyết những vấn đề này, theo Phó Chủ tịch Trần Thị Hương cần trách nhiệm vào cuộc của các cấp, các ngành, các địa phương và cả cộng đồng, trong đó có vai trò quan trọng của hội viên phụ nữ, những người có mặt trong tất cả các khâu từ sản xuất, chế biến, kinh doanh, đến tiêu dùng. Trong đó, việc kết nối giữa người sản xuất- người phân phối - người tiêu dùng nhằm thúc đẩy tiêu thụ nông sản an toàn được coi là một giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn thực phẩm bẩn.

Tại hội nghị, đại diện người sản xuất, các doanh nghiệp đã thẳng thắn trao đổi thông tin, chia sẻ về những khó khăn của người sản xuất thực phẩm sạch, thực phẩm an toàn đang gặp phải hiện nay; đồng thời đề xuất những mong muốn, nhu cầu, điều kiện hỗ trợ để họ tiếp tục duy trì, phát triển bền vững các mô hình, tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất thực phẩm chất lượng, an toàn.

Các chuyên gia, các nhà quản lý cũng nhiệt huyết chia sẻ kinh nghiệm, đưa ra những gợi ý đối với người sản xuất, người phân phối, người tiêu dùng để thúc đẩy tiêu thụ các mặt hàng bảo đảm an toàn thực phẩm.

PGS.TS Phạm Thị Vượng, Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật bảo vệ thực vật Việt Nam trăn trở, hiện nay, lượng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón vô cơ ở Việt Nam mỗi năm vẫn tăng lên từ 1 đến 1,3 lần, cao gấp mấy chục lần so với các nước trong khu vực. Và mặc dù đã có sự vào cuộc của các ngành nhưng dường như người sản xuất vẫn lãng quên việc sản xuất thực phẩm an toàn. Điều đó đang đặt ra cho chúng ta những câu hỏi lớn, những mối lo ngại và sự băn khoăn phải làm sao để người dân và cộng đồng có thể thay đổi nhận thức, hành vi của mình trong sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ thực phẩm, đảm bảo an toàn.

 Ảnh minh họa

 PGS.TS Phạm Thị Vượng, Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật bảo vệ thực vật Việt Nam bày tỏ mong muốn được lắng nghe tiếng nói từ chính những người sản xuất về những khó khăn họ đang gặp phải trong quá trình sản xuất sạch


Chị Trịnh Thùy Nguyên, HTX rau hữu cơ Trác Văn, Hà Nam chia sẻ, HTX đã thành lập được hơn 1 năm, gồm hơn 70 hộ tham gia, đang trồng rau sạch trên diện tích 7ha. Tuy nhiên trong hoạt động, HTX gặp nhiều khó khăn do nông sản sạch thường không đẹp, không bắt mắt, giá thành lại cao hơn, phạm vi tiêu thụ hẹp, Hiện tại, HTX mới chỉ tìm được nguồn tiêu thụ ở một số cửa hàng rau sạch ở Hà Nội, không bao tiêu hết được sản phẩm trồng ra. Người dân và phụ nữ nông thôn kinh tế còn hạn hẹp, chưa thích ứng với thói quen sử dụng sản phẩm sạch. Cùng với đó, quá trình sản xuất an toàn phải tuân thủ những quy trình rất nghiêm ngặt, sử dụng phân bón hữu cơ đúng theo quy trình, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật từ hóa chất mà chỉ sử dụng các thuốc bảo vệ tự chế từ tỏi, gừng, thuốc lào hoặc bắt sâu thủ công… điều này đã dẫn đến giá thành của nông sản an toàn cao hơn, khó tiêu thụ hơn.

 Ảnh minh họa

 Chị Trịnh Thùy Nguyên, HTX rau hữu cơ Trác Văn, Hà Nam chia sẻ tại hội nghị


Chị Tô Thị Tần đến từ HTX Hoa quả Việt, tỉnh Hưng Yên cho biết, HTX mới thành lập, diện tích trồng còn khiêm tốn với 6 ha, trồng các loại cây ăn quả như: chuối tiêu hồng, bưởi Diễn, cam Vinh, ổi Đài Loan, thanh long ruột đỏ. Các thành viên HTX đang sản xuất chủ yếu dựa vào kinh nghiệm tự có, mặc dù quá trình trồng cây cũng đã chú trọng an toàn thực phẩm như không dùng hóa chất, phân bón dùng đậu, cá ủ, dọn cỏ theo phương thức thủ công..., tuy nhiên sản phẩm của HTX hiện chưa được cấp giấy chứng nhận. Chị Tần mong muốn được sự hỗ trợ các cơ quan chức năng, đến thẩm định, cấp giấy phép cho sản phẩm của HTX để tạo điều kiện cho HTX có cơ hội mở rộng thị trường, tìm nguồn tiêu thụ trong các hệ thống siêu thị.

 Ảnh minh họa

 Gian hàng trưng bày sản phẩm của HTX Hoa quả Việt, tỉnh Hưng Yên tại hội nghị 


Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Trần Thị Hương đề nghị trong thời gian tới, các HTX, THT do phụ nữ quản lý, các hộ gia đình, sản xuất kinh doanh cần chủ động áp dụng khoa học kỹ thuật, mở rộng liên kết, quy mô sản xuất để nâng cao chất lượng, giá trị của sản phẩm an toàn, chiếm lĩnh thị trường tiêu thụ ổn định.

Hội LHPN các cấp cần tiếp tục tuyên truyền, vận động, hỗ trợ phụ nữ xây dựng các mô hình sản xuất kinh doanh an toàn thực phẩm, tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ sản phẩm cho các mô hình.

Cần có sự vào cuộc quyết liệt, thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm của các nhà quản lý trong công tác quản lý an toàn thực phẩm. Các doanh nghiệp quan tâm, tìm hiểu thông tin, quảng bá, tiêu thụ các sản phẩm an toàn nói chung và sản phẩm của các cơ sở do phụ nữ quản lý sản xuất, kinh doanh nói riêng.

VH

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video