Hướng dẫn của WHO về “Những cân nhắc và khuyến nghị thiết thực cho những người đứng đầu các tôn giáo và các cộng đồng có đức tin trong bối cảnh đại dịch Covid-19” (Tiếp theo)

14/04/2020
Trong thời gian diễn ra dịch bệnh, những hoạt động thực hành tín ngưỡng, tôn giáo từ xa, sử dụng công nghệ, thực hành nghi lễ, chôn cất an toàn, liên kết cộng đồng, ứng phó với các tình huống bạo lực gia đình, giúp đỡ người khác, cầu nguyện đặc biệt cho người bệnh bằng những thông điệp về hy vọng và sự an ủi… đã được WHO đưa ra với những khuyến nghị cụ thể.
Khu vực Nhà thờ Chính tòa, hay còn gọi là Nhà thờ Lớn (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) hàng ngày vẫn tấp nập người qua lại. Sau lệnh cách ly xã hội của Thủ tướng Chính phủ, khu vực này trở nên vắng vẻ. (nguồn ảnh: https://giaoducthoidai.vn/)

Bài 2: 

Tiến hành các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng từ xa/trực tuyến (trong suốt thời gian được yêu cầu)

Có vẻ như, hầu hết các nhà lãnh đạo tôn giáo và các cộng đồng tín ngưỡng đều sẽ phải quyết định huỷ bỏ một số buổi hành lễ hoặc tụ họp trong bối cảnh đại dịch COVID- 19. Nhiều quốc gia đã tiến hành cấm hoặc không khuyến khích các cuộc tụ họp quy mô lớn. Các nhà lãnh đạo tôn giáo chính là những người đóng vai trò nêu gương quan trọng đối với cộng đồng tôn giáo trong tuân thủ các khuyến cáo và hướng dẫn tín đồ duy trì kết nối thông qua hình thức từ xa/trực tuyến. Những gợi ý sau đây đã được nhiều nhà lãnh đạo tôn giáo thực hiện để duy trì mối liên hệ của họ với tín đồ và giữa các tín đồ với nhau thông qua các phương tiện công nghệ cao hoặc công nghệ thấp. Tại những nơi có sử dụng công nghệ trực tuyến, các nhà lãnh đạo tôn giáo có thể cung cấp thông tin về các rủi ro an ninh mạng tiềm ẩn, đặc biệt ở những lĩnh vực liên quan đến trẻ em và những nhóm đối tượng dễ bị tổn thương

Sử dụng công nghệ để duy trì cộng đồng và tiếp tục thờ phụng

Xem xét khả năng tổ chức, tín đồ của mình có thể sử dụng công nghệ như thế nào để tổ chức hành lễ hoặc tiến hành các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trực tuyến. Có thể cân nhắc việc hợp tác với các tổ chức khác để tận dụng khai thác các kênh trực tuyến. Ví dụ:

- Hành lễ và thực hiện nghi thức thờ cúng bằng video hoặc băng âm thanh và phát hoặc đăng chúng trên các phương tiện truyền thông xã hội.

- Thực hiện các chuyến thăm mục vụ và chăm sóc cá nhân qua điện thoại hoặc thông qua các nền tảng trò chuyện video và phương tiện truyền thông xã hội.

- Sử dụng một nền tảng họp từ xa hoặc trực tuyến hoặc viễn thông cho các cuộc họp hoặc cầu nguyện tương tác nhóm nhỏ.

- Mở rộng sử dụng các kênh truyền hình và đài phát thanh.

Sử dụng phương tiện công nghệ thấp để duy trì các thực hành tín ngưỡng  trong cộng đồng

Không phải mọi tổ chức tôn giáo, tín ngưỡng đều có khả năng thu hút sự tham gia của các tín đồ bằng công nghệ tiên tiến. Mặc dù vậy, cộng đồng vẫn có thể tiếp tục kết nối với nhau thông qua các hoạt động như:

- Các cuộc gọi điện thoại giữa các tín đồ để cầu nguyện theo từng cặp hoặc sử dụng dịch vụ trò chuyện trên điện thoại.

- Quy định thời gian giao tiếp khi các tín đồ có thể cùng tham dự và quan sát thực hành tôn giáo, tín ngưỡng từ xa (cầu nguyện, phụng vụ cụ thể, v.v.) vào cùng một thời điểm nào đó mỗi ngày hoặc mỗi tuần, bất chấp khoảng cách địa lý.

- Khuyến khích việc tuân thủ cầu nguyện và các thực hành tâm linh khác của cá nhân và hộ gia đình.

- Biên soạn và phát hành các yêu cầu về việc cầu nguyện đối với các tín đồ. Các yêu cầu này nên được tất cả các tín đồ thống nhất và ủng hộ.

Nghi lễ an toàn

Nhiều nghi lễ tôn giáo lớn do các nhà lãnh đạo tôn giáo thực hiện tại các cơ sở thờ tự cần được điều chỉnh trong bối cảnh đại dịch COVID-19.

- Khi các cơ quan chức năng cho phép tổ chức các cuộc tụ họp, các nhà lãnh đạo tôn giáo có thể thực hiện các nghi lễ như đám cưới, đám tang nếu họ tuân thhướng dẫn về giãn cách tiếp xúc như được nêu trong phần “Tụ họp an toàn” trong tài liệu này, đồng thời cũng phải tuân thủ quy định của các cơ quan chức năng về số lượng người được phép tham dự.

- Khi các cuộc tụ họp trực tiếp không thể tuân thủ theo đúng hướng dẫn của các cơ quan chức năng về bảo đảm sức khỏe cộng đồng, các nghi lễ vẫn có thể được thực hiện. Chỉ số ít những thành viên chủ chốt tham gia, những người còn lại, tín đồ, quan khách thể tham gia trực tuyến, thông qua các công nghệ từ xa, phát trực tiếp và video.

- Nếu/khi cơ quan chức năng ban hành hướng dẫn hạn chế số lượng người dự đám tang, họ hàng và bạn bè có thể cầu nguyện/tưởng niệm vắng mặt.

Thực hành chôn cất an toàn

Các nhà lãnh đạo tôn giáo có thể giúp các gia đình có nguời mất tin tưởng rằng, người thân của họ nhận được sự tôn trọng và được an táng một cách phù hợp cho dù đang trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Xây dựng kế hoạch đảm bảo sự an toàn trong thực hiện tang lễ vừa có thể bảo vệ và an ủi gia quyến, vừa thể hiện sự tôn trọng với những người đã khuất mà không gây ra bất kỳ rủi ro truyền nhiễm nào cho những người tham dự.

1. Tuỳ vào truyền thống tín ngưỡng và sự lựa chọn khác nhau, người chết vì COVID- 19 có thể được ướp xác, chôn cất hay hoả táng.

2. Các nhà lãnh đạo tôn giáo và cộng đồng tôn giáo địa phương có thể làm việc với gia đình người quá cố, thống nhất phương án tang lễ và chôn cất sao cho phù hợp với truyền thống văn hoá, tín ngưỡng và giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm. Ví dụ:

- Nếu phải tắm rửa hoặc khâm liệm cơ thể người đã chết theo truyền thống tôn giáo, cần điều chỉnh một vài điểm để bảo vệ người thân:

- Ít người tham gia nhất có thể, những người tiến hành các thủ tục này nên đeo găng tay dùng một lần.

- Nếu cơ thể người chết có nguy cơ văng ra các chất dịch, cần thiết phải có thêm thiết bị bảo vệ cá nhân cho những người tham gia làm lễ (như áo bảo hộ, tấm che mặt, kính bảo hộ và khẩu trang y tế).

- Nếu gia đình của người quá cố mong muốn được nhìn thấy người thân của mình được đưa ra khỏi cơ sở y tế nơi họ mất, họ được phép làm như vậy nhưng cần đảm bảo tuân thủ theo các quy định về giữ khoảng cách, không chạm hoặc hôn vào cơ thể người chết, rửa tay thật kỹ trước và sau khi xem.

- Khi điều chỉnh các nghi thức chôn cất và tang lễ, cần đặc biệt lưu ý để bảo vệ trẻ em và người lớn tuổi tham dự.

Tăng cường sức khỏe tinh thần và khả năng ứng phó với dịch bệnh

 

Các nhà lãnh đạo tôn giáo và cộng đồng tín ngưỡng đóng vai trò đặc biệt trong việc tạo mối quan hệ và kết nối mọi người trong các nhóm tuổi, ngành nghề, và khu dân. Ngoài ra, các nhà lãnh đạo tôn giáo thường có mối quan hệ với các tổ chức khác thông qua vai trò chuyên môn và mục vụ của mình. Do đó, họ có vị trí đặc biệt trong củng cố mối liên kết giữa những người có thể bị cô lập trong thời gian cách ly. Duy trì và củng cố mối quan hệ giữa mọi người trong thời gian khó khăn này có thể giúp cải thiện trạng thái tinh thần cho các tín đồ và góp phần làm tăng khả năng ứng phó với dịch bệnh của toàn xã hội. Các nhà lãnh đạo tôn giáo cũng có thể giúp cộng đồng của họ ứng phó với COVID-19 bằng việc ứng xử và hành động phù hợp với sứ mệnh hoặc truyền thống tín ngưỡng của tổ chức mình.  Việc cầu nguyện, đọc cảm hứng và tổ chức hành lễ an toàn có thể giúp tín đồ cảm thấy tự tin và bình tĩnh hơn. Dưới đây là các bước có thể giúp đạt được điều đó:

Giữ mối liên kết giữa mọi người trong cộng đồng

Các nhà lãnh đạo tôn giáo và các tổ chức tôn giáo, tín ngưỡng có thể củng cố cộng đồng của mình, giảm bớt cảm giác cô độc của các tín đồ bằng việc thường xuyên liên hệ với họ, tốt nhất là qua điện thoại. Điều này đặc biệt quan trọng đối với những người đơn thân, người già, người khuyết tật hoặc người thuộc nhóm dễ bị tổn thương. Cần đảm bảo thông tin của các tín đồ được cập nhật và có thể liên lạc đuợc với họ. Các tổ chức tôn giáo có thể hình thành các nhóm gồm một số thành viên tình nguyện chịu trách nhiệm thường xuyên gọi điện liên lạc, trao đổi, nắm tình hình hình sức khoẻ của các thành viên khác. Nếu có thể, nên tránh tiếp xúc trực tiếp. Khi cần thiết phải gặp gỡ thì cần giữ khoảng cách an toàn và sử dụng thiết bị bảo hộ. Ngoài ra, các nhà lãnh đạo tôn giáo nên ngăn chặn các trường hợp phải chia tách các thành viên trong gia đình. Trong tình huống trẻ em bị tách khỏi gia đình của chúng thì nên đề xuất phương án để các thành viên gia đình được chăm sóc cùng với nhau.

Giúp đỡ người khác

Giúp đỡ những người khác có thể mang lại lợi ích cho cả người giúp đỡ cũng như người được nhận sự giúp đỡ. Các cộng đồng tôn giáo có thể xác định cách thức các tín đồ của mình có thể giúp đỡ người khác, tùy thuộc vào các mức độ rủi ro cá nhân (ví dụ như, liên lạc với người già, người khuyết tật và những người hàng xóm thuộc nhóm người dễ bị tổn thương qua điện thoại hoặc giúp mua hộ nhu yếu phẩm, v.v.). Các nhà lãnh đạo tôn giáo và cộng đồng tín ngưỡng có thể vận động chia sẻ vật chất với những người gặp khó khăn do bị tạm ngừng thu nhập, những người không thể cung cấp các nhu cầu thiết yếu cho bản thân và gia đình họ. Đặc biệt quan trọng là chăm sóc cho nhân viên y tế, nhân viên thực thi pháp luật và lao động trong các dịch vụ thiết yếu vẫn đang phải tiếp tục làm việc, đôi khi xa gia đình của họ. Các nhà lãnh đạo tôn giáo có thể khuyến khích những người có điều kiện vật chất hỗ trợ giúp đỡ những người bị ảnh hưởng trực tiếp về thu nhập do đại dịch gây ra. Khi các thành viên cộng đồng cùng sát cánh với nhau, họ sẽ tạo ra môi trường đoàn kết và tăng cường khả nămg ứng phó.

Giúp các tín đồ kiểm soát tốt cảm xúc khi tiếp nhận các thông tin đáng lo ngại về dịch bệnh nhận.

Các nhà lãnh đạo tôn giáo có thể khuyến khích cộng đồng của mình thực hiện các bước để kiểm soát căng thẳng và giữ tinh thần lạc quan trong những thời điểm bị cô lập, hoảng sợ và bất an. Những thông tin về đại dịch COVID-19 có thể khiến bất cứ ai đều cảm thấy lo lắng. Nhưng, các nhà lãnh đạo tôn giáo có thể khuyên tín đồ của mình chỉ nên đọc các thông tin về dịch bệnh vào một số thời điểm trong ngày, hướng các thành viên tìm đến các nguồn thông tin đáng tin cậy và duy trì tinh thần lạc quan bằng cách đọc các tài liệu về niềm tin tôn giáo mà mình đang theo.

Ứng phó với các tình huống bạo lực gia đình

Ở những nơi bị hạn chế di chuyển, bạo lực gia đình có khả năng gia tăng, đặc biệt là đối với phụ nữ, trẻ em và những người yếu thế khác. Các yếu tố liên quan đến tuổi tác, tôn giáo, tình trạng di cư, giới tính và dân tộc có thể bị nhiều nguy cơ bạo lực hơn. Các nhà lãnh đạo tôn giáo có thể chủ động lên tiếng chống lại bạo lực, hỗ trợ hoặc khuyến khích nạn nhân tìm kiếm sự giúp đỡ. Nếu bạo lực có liên quan đến trẻ em, các nhà lãnh đạo tôn giáo cần biết về các quy định liên quan đến chính sách bảo vệ trẻ em, bao gồm hướng dẫn về nội dung báo cáo phản ánh, phản ánh cho ai và như thế nào.

Cầu nguyện đặc biệt cho người bệnh bằng những thông điệp về hy vọng và sự an ủi

Các nhà lãnh đạo tôn giáo có thể cầu nguyện cho tín đồ của mình bằng những lời cầu nguyện phù hợp, tư tưởng thần học hoặc những thông điệp về hy vọng. Tạo cơ hội để các thành viên trong gia đình cùng chia sẻ, hưởng ứng và cùng cầu nguyện.

Nguồn dịch: WHO, toàn văn tiếng Anh: https://drive.google.com/open?id=1RH27MyVyLFxTn7JYg7F5HWeVsFSFqXl-

Ban Dân tộc Tôn giáo TW Hội LHPN Việt Nam

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video