Hưng Yên: Tạo chuyển biến nhận thức và hành động bảo vệ môi trường

22/04/2020
Những tuyến đường hoa do phụ nữ trồng, chăm sóc, dùng làn đi chợ, thu gom phế liệu giúp đỡ phụ nữ nghèo, xây dựng mô hình xử lý rác tại gia đình, mô hình “5 không 3 sạch”, quét dọn đường làng, ngõ xóm là những hoạt động thiết thực mà các cấp hội liên hiệp phụ nữ trên địa bàn tỉnh đang thực hiện nhằm chung tay góp sức bảo vệ môi trường tại địa phương.
Hướng dẫn hội viên phụ nữ huyện Tiên Lữ xử lý rác tại hộ gia đình

Từ năm 2018 đến nay, mỗi ngày đi chợ, bà Ngô Thị Lan ở xã Ngô Quyền (Tiên Lữ) đều mang theo chiếc làn nhỏ và một số hộp nhựa để đựng thực phẩm. Nếu như trước kia, trung bình mỗi ngày, gia đình bà vứt bỏ từ 5 đến 7 chiếc túi nilon đủ loại nhưng từ khi mang làn đi chợ, số lượng túi nilon thải ra môi trường giảm 2/3. Không chỉ có bà Lan mà rất nhiều hội viên, phụ nữ ở thôn Đại Nại, xã Ngô Quyền khi tham gia mô hình Câu lạc bộ phụ nữ hạn chế sử dụng túi nilon đều có chuyển biến tích cực từ nhận thức đến hành động trong việc sử dụng túi nilon. Mô hình Câu lạc bộ phụ nữ hạn chế sử dụng túi nilon tại thôn Đại Nại thành lập năm 2018 gồm 50 thành viên. Tham gia câu lạc bộ, các thành viên được tìm hiểu về tác hại của túi nilon và kinh nghiệm sử dụng các vật dụng thay thế túi nilon. Mỗi thành viên trong câu lạc bộ có nhiệm vụ tuyên truyền cho mọi người, từ những người thân trong gia đình đến hàng xóm hạn chế sử dụng túi nilon, thay vào đó là dùng làn nhựa, hộp nhựa mỗi khi đi chợ.

Chị Lương Thị Nhinh, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã cho biết: Với phương châm “Mưa dầm thấm lâu”, các thành viên trong Câu lạc bộ phụ nữ hạn chế sử dụng túi nilon đã tích cực tuyên truyền, vận động từ những người thân trong gia đình đến họ hàng, làng xóm thay đổi thói quen sử dụng túi nilon hàng ngày bằng cách tặng họ các làn nhựa và hướng dẫn mọi người tích cực phân loại và xử lý rác thải sinh hoạt ngay tại gia đình. Sự tham gia tích cực của các thành viên trong câu lạc bộ đã giúp một bộ phận người dân thay đổi thói quen sử dụng túi nilon. Hiện nay, trên địa bàn xã đã có nhiều hội viên, phụ nữ khi đi chợ đều mang theo làn nhựa hoặc khi đi mua thức ăn sẵn đều mang theo bát hoặc hộp nhựa. Từ đó, số lượng túi nilon thải ra trong sinh hoạt hàng ngày của các gia đình trên địa bàn xã đã giảm hẳn.

Xuất phát từ thực tế trong sinh hoạt hàng ngày, gia đình nào cũng có phế liệu như túi nilon, vỏ lon, vỏ hộp nhưng sau khi sử dụng, thường được vứt bừa bãi, vừa lãng phí, vừa ảnh hưởng đến môi trường, đầu năm 2018, Chi hội phụ nữ thôn Vân Nghệ, xã Mai Động (Kim Động) đã xây dựng mô hình phế liệu sạch. Sau 2 năm triển khai, mô hình đã đạt được những kết quả khả quan, không chỉ góp phần làm xanh – sạch – đẹp môi trường mà còn tạo được nguồn quỹ để hỗ trợ các hội viên nghèo ổn định cuộc sống. Chị Lê Thị Oanh ở thôn Vân Nghệ, xã Mai Động cho biết: Hoạt động của mô hình phế liệu sạch đã làm thay đổi sâu sắc nhận thức của phụ nữ trong thôn về công tác thu gom, xử lý và phân loại rác thải, hạn chế sử dụng túi nilon và sản phẩm nhựa sử dụng 1 lần, giúp “sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ”, hạn chế tình trạng xả rác thải sinh hoạt bừa bãi trong các khu dân cư. Đặc biệt, thông qua nguồn quỹ thu được từ việc bán phế liệu đã hỗ trợ, động viên các hội viên phụ nữ nghèo vượt khó vươn lên ổn định cuộc sống. Hiện nay, mô hình phế liệu sạch có sự tham gia tích cực của 300 hội viên, phụ nữ trong thôn. Từ khi xây dựng đến nay mô hình đã giúp đỡ được 20 lượt hội viên, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn ổn định cuộc sống.

Với phương châm “ở đâu có cỏ, rác ở đó thay bằng trồng hoa”, Hội liên hiệp phụ nữ xã Ông Đình (Khoái Châu) đã vận động hội viên, phụ nữ trồng những đoạn đường hoa, góp phần xây dựng cảnh quan nông thôn mới sạch đẹp, phong quang. Từ khi có các đoạn đường hoa, những điểm tập kết rác thải dần biến mất, thói quen vứt rác bừa bãi của một số người dân không còn nữa. Người dân địa phương đều thấy phấn khởi, tự hào, thêm yêu quê hương mình, nhiều du khách đi qua thấy đường hoa đẹp trầm trồ khen ngợi.

Chung tay cùng các cấp, ngành và chính quyền địa phương bảo vệ môi trường, những năm qua, các cấp hội liên hiệp phụ nữ trên địa bàn tỉnh đã có nhiều cách làm hay, mang lại hiệu quả thiết thực. Toàn tỉnh đã thành lập và duy trì có hiệu quả gần 900 tổ phụ nữ thu gom rác thải, tự quản vệ sinh môi trường; xây dựng 170 mô hình phế liệu sạch; 815 chi hội phụ nữ “Xanh, sạch, đẹp”; duy trì hoạt động 82 câu lạc bộ phụ nữ hạn chế sử dụng túi nilon; 144 cơ sở hội thực hiện mô hình phân loại rác tại hộ gia đình; 100% số chi hội phụ nữ trên địa bàn tỉnh tổ chức ngày chủ nhật ra quân tổng vệ sinh môi trường và đảm nhận trên 1 nghìn tuyến đường phụ nữ tự quản về vệ sinh môi trường. Qua đó, Hội liên hiệp phụ nữ các cấp trên địa bàn tỉnh đã thành công trong việc tạo nên sự chuyển biến tích cực từ nhận thức đến hành động trong công tác bảo vệ môi trường của các hội viên phụ nữ cũng như của cộng đồng xã hội.

 

baohungyen.vn

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video