Hưng Yên: Phụ nữ Nghĩa Trai làm giàu từ dược liệu hoa kim cúc sạch

26/12/2019
Thôn Nghĩa Trai, xã Tân Quang, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên vốn nổi tiếng với nghề trồng và chế biến dược liệu, đặc biệt là từ hoa kim cúc (còn có tên khác là cúc chi). Hoa cúc chi đã trở thành cây thuốc đặc trưng riêng của thôn Nghĩa Trai.

Nhẹ tay hái những bông cúc vàng vừa chớm nở, cô Đỗ Hoài Phương (54 tuổi) cho biết: “Nhà tôi trồng 5 sào cúc chi. Năm nay, cúc cho năng suất cao ước tính khoảng trung bình mỗi sào cho thu hoạch từ 4,5 – 5 tạ và được giá, dao động từ 40.000 – 60.000 đồng/kg hoa tươi, 400.000 – 600.000 đồng/kg hoa khô. Với giá bán như hiện nay, trừ chi phí mỗi sào cúc chi cũng cho thu nhập từ 20 - 24 triệu đồng/sào/năm”. Cô cũng nhẩm tính sau thu hoạch xuất bán toàn bộ sản phẩm, đã thu được hơn 154 triệu đồng, trừ hết các hạng mục đầu tư, còn “bỏ ống” được trên 100 triệu đồng.

Ở ruộng bên cạnh, chị Nguyễn Thị Phiu đang hái hoa cho biết thêm: “Hoa cúc ở Nghĩa Trai được trồng từ tháng 7 đến tháng 8 dương lịch, thu hoạch vào đầu tháng 12. Thời gian thu hoạch kéo dài từ 1 – 1,5 tháng, mỗi độ hoa nở kéo dài chừng 2 - 3 tuần, hết đợt này lại đến đợt hoa khác đua nhau khoe sắc. Người trồng hoa ở Nghĩa Trai ví chăm hoa cúc chi như “chăm con mọn”. Vì trồng hoa cúc ngoài kỹ thuật vun xới, chăm bón còn phụ thuộc khá nhiều vào thời tiết. Đặc biệt sau mỗi trận mưa phải ra ruộng xới đất, vun gốc. Sang tháng 9 âm lịch khi gió heo may thổi phải bấm ngọn để cây ra nhiều nụ…”. 

Chị em phụ nữ đang thu hoạch cúc chi

Trồng cúc dược liệu chủ yếu tốn công chăm sóc và thu hoạch, còn đầu tư giống vốn và phân bón không tốn kém. Đặc biệt hoa cúc chi ở đây được bà con trồng hầu như không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Để sản xuất cúc hoa đạt hiệu quả cao, các gia đình thường phải thuê mượn thêm một số công lao động thời vụ, tùy theo diện tích trồng. Cô Nguyễn Thị Ngọc cho biết gia đình chỉ trồng 3 sào cúc chi những vẫn cần thuê mượn thêm 60 ngày công lao động, chủ yếu cho khâu thu hoạch. Vì thu hái cúc không kịp thời sẽ ảnh hưởng tới chất lượng sản phẩm, giảm giá trị sản lượng. Cô cũng cho biết thêm: “Thu hái hoa là công việc nhẹ nhàng, người hết tuổi lao động, các cháu thiếu niên, đều có thể tham gia thu hoạch cúc, ngày công có thể đạt 150.000 - 250.000 đồng/người, tùy theo năng suất lao động”.

Cúc chi có thể được sử dụng trực tiếp như trà thảo dược hoặc trở thành một vị trong các bài thuốc nam, thuốc bắc. Chính vì vậy, không chỉ đảm bảo an toàn khâu trồng dược liệu, trong chế biến, chị em phụ nữ Nghĩa Trai cũng luôn ý thức đảm bảo an toàn vệ sinh. Phương pháp chế biến dược liệu từ cúc chi được chị em phụ nữ áp dụng là sấy chế làm khô kiệt hoa bằng nhiệt nhân tạo, bảo quản sản phẩm trong các bao gói hút chân không. Không còn tình trạng sử dụng diêm sinh (lưu huỳnh) để chế biến và bảo quản hoa cúc. Theo đó mọi sản phẩm cúc hoa xuất bán ra từ làng Nghĩa Trai đều đảm bảo vệ sinh an toàn toàn thực phẩm, giúp tăng thêm giá trị sản xuất từ 25 - 40%.

Bà Đỗ Thị Lệ - Trưởng thôn Nghĩa Trai cho biết: “Trong năm 2019, toàn thôn đã trồng được trên 10 ha cúc dược liệu, nếu tính cả các thôn liền kề như Đại Tài, Ngọc Lịch, Mộc Ty, thì diện tích cúc dược liệu ở khu vực này là gần 20ha. Hầu hết sản lượng hoa cúc sản xuất ra từ các diện tích nói trên đều được chế biến tại chỗ và xuất bán qua các thương lái trong làng Nghĩa Trai, tổng sản lượng ước đạt 250 tấn, giá trị sản lượng trên 11 tỷ đồng, lợi nhuận khoảng 7 tỷ đồng”.

 

Khánh Quyên

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video