HTX dịch vụ nông dược Núi Vần: Hướng đến sự tử tế trong sản xuất, chế biến

29/07/2022
"Trồng dược liệu phải trên đất đồi, đất rừng, tích tụ được nắng, gió và mưa của trời đất mới tạo nên dược tính sạch, an toàn...” - chị Lê Thị Thứ, Giám đốc HTX dịch vụ nông dược Núi Vần (Thanh Hóa) chia sẻ về câu chuyện khởi nghiệp của vợ chồng chị. Với chị, “khởi nghiệp phải hướng đến sự tử tế, nghĩa là sản phẩm phải sạch, an toàn cho cả người sản xuất và người tiêu dùng”.
Chị Lê Thị Tứ (bên trái) giới thiệu những dòng sản phẩm do HTX Nông dược núi Vần xã Vĩnh Phúc (Vĩnh Lộc) sản xuất

Toàn bộ khu đồi của gia đình chị Thứ rộng khoảng 5 ha, phía trên đồi được trồng các loại cây dược liệu như: sả, ngũ sắc, hương nhu, dứa...; ngay phía chân đồi, trong khu vườn bao quanh nhà được trồng các loại cây bưởi, ổi, đinh lăng, hoa ngũ sắc, mần trầu, lá lốt... Vườn đồi của gia đình chị cũng nằm ở vị trí khá đẹp, giáp với hồ Mang Mang nơi có tiềm năng phát triển du lịch sinh thái nên phong cảnh ở đây vô cùng bình yên, thoáng đãng.

Chị chia sẻ: “Mong muốn giản dị của hai vợ chồng là mua được một mảnh vườn, tự tay trồng các loại cây ăn trái, các loại dược liệu sạch có lợi cho sức khỏe và tuyệt đối giữ vững lập trường không dùng bất kỳ loại thuốc kích thích nào. Tôi có động lực làm vườn cũng một phần do chồng truyền lửa đam mê. Đó là năm học lớp 12 chồng gặp tai nạn ảnh hưởng đến sức khỏe, anh đã tìm đến với thiền cho não được khỏe hơn và đã tìm đọc nhiều sách liên quan đến các loại thảo dược trong đông y tốt cho sức khỏe, cho não bộ. Hiểu được giá trị của thảo dược khi dùng lâu dài rất tốt, nhưng nếu thảo dược không sạch sẽ trở thành độc tố rất có hại cho sức khỏe”.

Cuối năm 2014, vợ chồng chị Thứ mua lại trang trại của ông bà ngoại ở xã Vĩnh Hưng rộng 2,5 ha. Thời gian đầu chưa có vốn, vướng bận công việc ngoài Hà Nội và “điều khiển sản xuất từ xa” nên không hiệu quả. Ba năm sau, chị Thứ thôi việc ở Hà Nội về quê trực tiếp cải tạo vườn đồi. Vì ban đầu rất khó khăn nên trang trại chưa có nguồn thu. Chồng chị vẫn tiếp tục công tác ngoài Hà Nội, thu nhập có được, anh gửi về cho vợ đầu tư. Vất vả nhưng trang trại vẫn chưa hình thành như ý muốn của vợ chồng, năm 2019, anh chị quyết định mua thêm 3,5 ha đồi tại xã Vĩnh Phúc có vị trí đẹp hơn trang trại cũ (gần hồ Mang Mang) và chuyển hẳn đến đây để tiện cho việc cải tạo, sản xuất.

Cùng với các loại cây ăn quả, chị trồng 2 ha sả vừa để hạn chế cỏ dại, chống xói mòn nhưng đến kỳ thu hoạch không đủ trả tiền công. Có người bạn gợi ý chị làm tinh dầu sả, mặc dù có chút do dự nhưng trăn trở với nghề và được người thân động viên, chồng chị cũng sắp xếp công việc tranh thủ về giúp vợ nên chị vẫn quyết định thực hiện. Mẻ đầu không được như mong muốn, chị Thứ vẫn tiếp tục thay đổi phương pháp nấu và bám sát công thức hơn, sản phẩm tinh dầu làm ra chị cũng là người thử nghiệm đầu tiên. Tham khảo qua nhiều kênh và nghe giảng bài của các thầy cô trên mạng về dược tính cùng với những kinh nghiệm, trải nghiệm của bản thân, chị Thứ nhận thấy tinh dầu tự nhiên rất có hiệu quả nên càng quyết tâm làm và chưng cất thêm tinh dầu bưởi, cây hoa ngũ sắc trị viêm xoang... Cũng từ đây, chị Thứ có ý tưởng làm ra sản phẩm dầu gội thảo mộc, sữa tắm, sữa rửa mặt, nước rửa chén... nguyên liệu 100% từ thiên nhiên như: sả chanh, cỏ mần trầu, cây hoa ngũ sắc, bưởi...

Chị Lê Thị Thứ (người đứng giữa) cùng với Chủ tịch Hội LHPN xã Vĩnh Phúc và người lao động của trang trại thăm vườn dược liệu trên đồi

Để làm được các sản phẩm trên, chị Thứ đã đầu tư dụng cụ chưng cất khép kín bằng nồi chuyên dụng nên tạo sự khác biệt về chất lượng bởi hàm lượng tinh chất và tinh dầu thiên nhiên nguyên chất có tính kháng viêm, kháng khuẩn cao. Sản phẩm làm ra, chị mời bạn bè, người thân dùng thử đánh giá, góp ý để chị hoàn thiện sản phẩm rồi mới bán ra thị trường. Dầu gội và nước rửa chén là hai sản phẩm chủ lực nên chị Thứ đã đăng ký giấy phép kinh doanh là HTX dịch vụ nông dược Núi Vần, thôn Văn Hanh, xã Vĩnh Phúc. Sản phẩm đăng ký thương hiệu tại Cục Sở hữu trí tuệ với tên gọi là Hương Núi Vần. Mỗi tháng, gia đình chị sản xuất 200 lít dầu gội, 500 lọ tinh dầu nguyên chất, 200 lít nước lá tắm...

Trải qua bao vất vả về vốn, thị trường và cả đấu tranh tư tưởng để vượt lên chính mình trong những lúc khó khăn, bỏ cả công việc ổn định sau bao năm miệt mài đèn sách để theo đuổi đam mê làm trang trại sạch, đầu năm 2022, sản phẩm của gia đình chị Thứ đã có mặt tại một sự kiện của Tạp chí Việt Nam hội nhập; được Viện Nghiên cứu văn hóa và phát triển chứng nhận “Sản phẩm sáng tạo đất Việt” của Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ thế giới; được Ban Tổ chức Viện Nghiên cứu doanh nghiệp vừa và nhỏ chứng nhận: 100 thương hiệu uy tín, chất lượng, dịch vụ tận tâm và tham gia dự thi vòng chung kết Phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp do Hội LHPN tỉnh tổ chức... Những thành quả đó đã giúp chị có thêm động lực để vượt qua những giai đoạn khó khăn khắc nghiệt trong quá trình làm kinh tế nông nghiệp.

Các sản phẩm của HTX sản xuất được chị em trong huyện, xã quan tâm và giới thiệu cho nhiều đầu mối. Với niềm đam mê dành cho cây dược liệu, chị Thứ mong muốn được cấp ủy, chính quyền địa phương tạo điều kiện về mặt pháp lý để có thể xây dựng được một nhà xưởng sản xuất dược liệu nâng cao sức khỏe cho người dân, vừa tạo thêm việc làm cho nhiều chị em tại địa phương.

Ban Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, Hội LHPN tỉnh

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video