Hợp tác xã Dì Thàng, mô hình đánh dấu sự thành công của Dự án Rau bản địa

31/01/2012
Bắc Hà không chỉ được biết đến là một vùng đất có cảnh sắc, hương hoa của miền ôn đới, không chỉ nổi tiếng với những trái mận Tam hoa giòn tan, rượu bản phố cay nồng…. mà còn là cái nôi của các giống rau bản địa thơm ngon và bổ dưỡng như cải mèo, cải bắp xòe và khởi tử. Tuy vậy, với tập quán canh tác manh mún và thị trường chưa rộng mở, bà con nơi đây mới chỉ sản xuất một cách tự phát. Chính vì thế, khi vào vụ, rau nhiều, bán rẻ, không tiêu thụ hết đổ đi, khi trái vụ, rau đắt nhưng lại không có để bán…

Năm 2009, dự án “Nâng cao vai trò của phụ nữ trong sản xuất an toàn, quảng bá và sử dụng rau bản địa ở Việt Nam” (AGB/2006/112) do Chính phủ Australia tài trợ đã chọn địa bàn huyện Bắc Hà làm địa phương thực hiện thí điểm Dự án. Với mục tiêu vừa làm vừa nghiên cứu từ khâu sản xuất đến tìm hiểu thị trường nhằm tìm ra một hướng sản xuất và kinh doanh nông sản cho bà con vùng cao; đồng thời hướng dẫn chị em áp dụng những kiến thức khoa học kỹ thuật vào sản xuất, dự án đã tập trung hướng dẫn bà con cách trồng, chăm sóc các giống rau bản địa chính vụ và trái vụ đúng quy trình khoa học kỹ thuật. Đặc biệt, tham gia dự án, chị em còn được hướng dẫn kỹ thuật trồng xen rau dưới tán mận, kỹ thuật này vừa tận dụng khoảng đất trống dưới gốc mận, vừa giúp phụ nữ nông dân đảm bảo có thu hoạch một năm 2 vụ (rau và mận).

Nhằm tìm kiếm thị trường và quảng bá sản phẩm đến người tiêu dùng đồng thời giúp chị em chủ động hơn trong sản xuất, dự án đã tổ chức các hoạt động Hội nghị “thử nếm”, Hội thi chế biến món ăn từ rau bản địa, in tờ rơi công thức chế biến món ăn từ rau bản địa; thành lập nhóm “Phụ nữ sản xuất và kinh doanh rau bản địa an toàn”. Để tạo điều kiện chị em có cơ hội học hỏi và mở mang kiến thức, ngoài việc mở các lớp tập huấn, dự án còn tổ chức cho chị em trong tổ tham quan các mô hình sản xuất, kinh doanh rau an toàn khép kín từ các cơ sở sản xuất rau Thanh Xuân, Sóc Sơn và các cửa hàng tiêu thụ như Ecomart, Vinagap và một số cửa hàng, siêu thị tại Hà Nội… Từ các hoạt động thiết thực đó, mô hình đã thu hút được ngày càng nhiều chị em tham gia và hoạt động của nhóm cũng ngày càng hiệu quả hơn.

Sản phẩm rau của nhóm được chị em thực hiện theo quy trình khép kín và kiểm soát chặt chẽ từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm đảm bảo kỹ thuật an toàn theo quy trình VietGap (Quy định về Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt). Toàn bộ sản phẩm được tiêu thụ tại thị trường cao cấp ở Hà Nội thông qua các công ty với giá cao gấp 1,3 - 1,5 lần so với tiêu thụ tại chỗ. Sau một thời gian kết nối và giao dịch sản phẩm, rau bản địa được các bạn hàng chấp nhận và đánh giá cao về chất lượng cũng như giá trị dinh dưỡng. Đến nay, các công ty Ecomart, công ty VinaGap và một số siêu thị, cửa hàng rau an toàn tại Hà Nội đã trở thànhkhách hàng ổn định với số lượng rau tiêu thụ tại khu vực này trung bình 4-5 tạ/ ngày. Quy mô sản xuất của nhóm là 1,5 -2 ha, chính vì vậy, nếu như trước kia khách thập phương chỉ được thưởng thức rau bản địa mỗi khi có dịp đến thăm Bắc Hà thì nay, người tiêu dùng ở xa, thậm chí ở Hà Nội cũng có cơ hội thưởng thức món rau đặc sản yêu thích xứ Bắc Hà .

Tháng 11 năm 2011, nhóm “Phụ nữ sản xuất và kinh doanh rau bản địa” đã ra mắt mô hình Hợp tác xã kinh doanh rau bản địa an toàn Dì Thàng, đánh dấu một bước phát triển mới của mô hình dự án Rau bản địa. Trong lần đi tham quan một số mô hình trồng rau của Hợp tác xã, ông Dyer Rodd Macgregor, Giám đốc kinh doanh nông sản ACIAR đã đánh giá cao những kết quả mà dự án đạt được. Ông hy vọng tỉnh Lào Cai sẽ mở rộng và phát triển thêm một số loại cây mang tính đặc thù của tỉnh theo mô hình Hợp tác xã Dì Thàng.

Bà Đào Thị Minh Châu – Giám đốc Dự án phía Việt Nam khẳng định, việc thành lập mô hình hợp tác xã Dì Thàng của chị em sẽ tạo nên một thị trường cung cấp rau bản địa ổn định, góp phần tăng thu nhập cho chị em phụ nữ nông thôn. Đây cũng là một việc làm thiết thực để hướng ứng Cuộc vận động Phụ nữ cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới do Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động.

Thúy Nga - Ban Dân tộc – Tôn giáo

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video