Hội thảo trao đổi kinh nghiệm xây dựng gia đình không có trẻ bỏ học và vi phạm pháp luật

14/01/2012
Hôm qua, 13/01, tại Hà Nội, TW Hội LHPN Việt Nam đã tổ chức hội thảo trao đổi kinh nghiệm “Xây dựng gia đình không có trẻ bỏ học và vi phạm pháp luật”. Tham dự Hội nghị có đại diện các bộ, ngành; Hội LHPN các cấp và ban ngành liên quan của 14 tỉnh điểm thực hiện Đề án “Giáo dục 5 triệu bà mẹ nuôi dạy con tốt”.

Hội thảo là dịp để các đại biểu chia sẻ tình trạng, nguyên nhân trẻ em bỏ học tại địa phương; trao đổi kinh nghiệm và bàn giải pháp xây dựng gia đình không có trẻ bỏ học và vi phạm pháp luật, góp phần hạn chế trẻ em bỏ học, xây dựng cộng đồng lành mạnh, an toàn.

Những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trẻ em bỏ học mà hội thảo đề cập đến là: trẻ chán học, không thấy hứng thú để đến trường; gia đình khó khăn không có điều kiện đi học, điều kiện đi lại khó khăn; phải nghỉ học để lao động, làm việc nhà; cha mẹ thiếu sự quan tâm đến việc học hành của con cái; nhà trường chưa tạo được môi trường hấp dẫn thu hút học sinh; gia đình và bản thân các em chưa nhận thức đúng lợi ích của việc học hành... Tình trạng trẻ em bỏ học, thiếu sự quan tâm, giáo dục của gia đình và nhà trường là nguyên nhân các em dễ sa đà dẫn đến vi phạm pháp luật. Bên cạnh đó, những nguyên nhân chưa được trang bị đầy đủ về mặt nhận thức, đạo đức; sự thay đổi về mặt tâm sinh lý trong độ tuổi vị thành niên có tác động mạnh đến nhận thức và hành vi của các em dẫn đến tình trạng trẻ em vi phạm pháp luật. Để giải quyết tình trạng trẻ em bỏ học dẫn đến vi phạm pháp luật, cần sự phối hợp chặt chẽ của gia đình, nhà trường và xã hội, trong đó gia đình là nền tảng và người mẹ có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc khuyến khích con cái học hành.

Theo TS. Lê Thúc Dục, Trưởng nhóm nghiên cứu “Những cuộc đời trẻ thơ”, cộng đồng nghèo có trẻ em bỏ học nhiều, nhưng không thể nói nguyên nhân chính trẻ bỏ học vì nghèo. Thực tế, 1/4 số trẻ em bỏ học không phải làm gì, không phải vì điều kiện vật chất; 40% trẻ bỏ học vì nguyên nhân chán học, không thấy hấp dẫn của việc học là vấn đề cần các cấp, các ngành quan tâm, đặc biệt ngành giáo dục và gia đình. Gia đình, nhà trường và xã hội mới chỉ quan tâm đến sự phát triển thể chất, kiến thức cơ bản mà chưa thực sự chú trọng đến tâm lý của trẻ, chưa trang bị được những kỹ năng để trẻ bắt kịp với nhịp sống hiện đại, biết phân biệt phải trái và lựa chọn hướng đi đúng cho bản thân. Học vấn của người mẹ là một trong những yếu tố quan trọng quyết định tương lai của trẻ và nâng cao học vấn cho trẻ em gái là sự can thiệp khôn ngoan xóa bỏ vòng luẩn quẩn của đói, nghèo.

Đại biểu đến từ Hội LHPN các cấp đã chia sẻ kinh nghiệm, cách làm hay, giới thiệu các mô hình hoạt động hiệu giảm tình trạng bỏ học hiệu quả tại cộng đồng như: trường nội trú dân nuôi (tỉnh Điện Biên); CLB “Mẹ vắng nhà” (tỉnh Hà Tĩnh); “Tấm áo trao bạn”, “phong trào nuôi heo đất” để hỗ trợ con em hội viên có hoàn cảnh khó khăn được đến trường (tỉnh Long An)…

“Xây dựng gia đình không có trẻ bỏ học và vi phạm pháp luật” là một trong những hoạt động thực hiện Đề án “Giáo dục 5 triệu bà mẹ nuôi dạy con tốt” của Hội LHPN Việt Nam. Mục tiêu chung của Đề án là giúp cho 5 triệu bà mẹ có con dưới 16 tuổi nắm vững kiến thức, kỹ năng nuôi dạy con tốt nhằm giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng, bệnh tật, tử vong ở trẻ, hạn chế tình trạng trẻ em độ tuổi vị thành niên vi phạm đạo đức, vi phạm pháp luật, mắc các tệ nạn xã hội.

Phạm Hồng

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video