Hội LHPN Việt Nam trong công tác phòng chống bạo lực gia đình

05/11/2010
Tài liệu hoạt động của Ban Gia đình xã hội

I.Tình hình chung về vấn đề bạo lực gia đình

Bạo lực đối với phụ nữ thường được biết đến như là bạo lực trên cơ sở giới, là hiện tượng phổ biến đang tồn tại ở tất cả các nước, gây tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe, thân thể, nhân phẩm người phụ nữ, gây trở ngại lớn cho Bình đẳng Giới và vi phạm quyền con người.

Phụ nữ Việt nam chiếm 50,8% dân số và 50,6% lực lượng lao động, có đóng góp công sức to lớn trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và phát triển đất nước. Tuy nhiên, phụ nữ Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong đó có vấn đề bạo lực gia đình - Một vấn đề toàn cầu, làm tổn hại cả về thể chất và tinh thần của rất nhiều phụ nữ, làm mất ổn định cuộc sống, hạnh phúc của nhiều gia đình. Mặc dù chưa có số liệu chính thức, nhưng từ năm 2006 đến nay, qua kết quả nghiên cứu của Bộ Văn hoá - TT và Du lịch, Tổng cục thống kê, Viện gia đình và giới thì có 21,2 % các cặp vợ chồng có trải qua hình thức bạo lực từ chửi mắng, nhục mạ, buộc quan hệ tình dục khi không có nhu cầu. Cứ 05 cặp vợ chồng thì có 01 cặp từng xẩy ra bạo lực dưới mọi hình thức. Tình trạng bạo lực gia đình những năm gần đây đang diễn ra với tính chất ngày càng nghiêm trọng, đối tượng vi phạm cùng với số nạn nhân gia tăng ở khắp các vùng miền trong cả nước.

Nạn nhân của bạo lực gia đình là phụ nữ, nam giới và trẻ em, trong đó chủ yếu là phụ nữ và trẻ em. Bạo lực gia đình dẫn đến nhiều hậu quả:

- Tổn thương về thể xác: gãy xương, tàn phế, bầm dập, rách da, suy giảm chức năng vận động thậm chí dẫn đến chết người

- Về sức khoẻ sinh sản: vô sinh, biến chứng khi mang thai, bệnh truyền nhiễm qua đường tình dục, nạo phá thai không an toàn, mang thai ngoài ý muốn.

- Về tâm lý và hành vi: Hoảng loạn, lo âu, buồn chán, rối loạn ăn, ngủ, hút thuốc lá, quyên sinh, tâm thần, lạm dụng các chất kích thích.

- Về kinh tế: mất sức lao động, phải sử dụng hỗ trợ xã hội nhiều (trợ cấp), ảnh hưởng đến khả năng làm việc và thu nhập

- Tác động xấu đến trẻ em: ảnh hưởng xấu đến tình cảm và hành vi của trẻ, kết quả học tập kém, thiếu tự trọng, bướng bỉnh, thường bị ác mộng, hận thù, bạo lực với người khác…

Đấu tranh ngăn chặn tiến tới xóa bỏ hoàn toàn các hành vi bạo lực trên cơ sở Giới đối với phụ nữ đã trở thành mối quan tâm của các Quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ. Thông điệp của điều phối viên thường trú Liên hợp quốc (LHQ) tại Việt Nam cam kết các tổ chức của LHQ sẽ sát cánh cùng Chính phủ Việt Nam thực hiện phòng chống bạo lực gia đình và bình đẳng giới.

Nước ta đã có nhiều nỗ lực trong các hoạt động phòng ngừa, loại trừ bạo lực gia đình: Quốc Hội nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt nam đã ban hành Luật Bình đẳng giới (năm 2006), Luật phòng chống bạo lực gia đình (năm 2007); các chỉ thị, nghị định, thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật. Ban hành Chương trình Hành động Quốc gia về Phòng chống buôn bán phụ nữ, trẻ em giai đoạn 2004-2010; xây dựng Dự thảo trình Quốc hội Luật phòng Chống mua bán người… đã thể hiện sự cam kết mạnh mẽ của Chính phủ Việt nam trên con đường hướng tới mục tiêu Bình đẳng Giới (một trong tám mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên Hiệp Quốc). Các cơ quan quản lý nhà nước thuộc các ngành: Tư pháp, Tòa án, Công an và các đoàn thể chính trị - xã hội, đặc biệt Hội LHPN Việt nam đã có nhiều nỗ lực trong công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật và xây dựng các mô hình hoạt động phòng chống bạo lực gia đình có hiệu quả tại các địa phương như: thành lập các Trung tâm tư vấn, các tổ hòa giải, Câu lạc bộ làm chồng/làm cha, Câu lạc bộ xây dựng gia đình hạnh phúc…

II.Hội LHPN Việt Nam với công tác phòng chống Bạo lực gia đình

Là một tổ chức đại diện quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, trẻ em, Hội LHPN Việt Nam đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động nhằm nâng cao nhận thức: Bạo lực gia đình và buôn bán phụ nữ, trẻ em là vi phạm pháp luật, vi phạm quyền con người, làm tổn hại đến hạnh phúc gia đình và trái với đạo lý truyền thống văn hóa của dân tộc. Với chức năng, nhiệm vụ của một tổ chức đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền lợi hợp pháp và chính đáng cho phụ nữ và trẻ em, Hội LHPN Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong tham mưu, chỉ đạo, thực hiện công tác phòng, chống bạo lực gia đình. Kết quả đạt được cụ thể như sau:

1. Tập trung đẩy mạnh công tác tham mưu chỉ đạo

- Tích cực tham mưu với Đảng ban hành Nghị quyết số 11/NQ-TW của Bộ Chính trị về “Công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh CNH - HĐH đất nước”; Tham mưu ban hành Luật Bình đẳng giới, Luật phòng chống bạo lực gia đình, Luật phòng chống mua bán người;

- Tham gia thành viên Ban chỉ đạo Quốc gia Chương trình 130 của Chính Phủ; thành viên Ban Chỉ đạo liên ngành phòng chống buôn bán người tiểu vùng sông Mê kông (COMMIT) và Ủy ban tư vấn tiểu vùng sông Mê kông (SURAC).

- Tham gia xây dựng các văn bản dưới luật về phòng chống bạo lực gia đình.

-Xây dựng và ban hành Hướng dẫn các cấp Hội triển khai thực hiện Luật phòng chống bạo lực gia đình; xây dựng chương trình hành động phòng chống bạo lực gia đình của Hội LHPN Việt Nam.

- Tập trung chỉ đạo các tỉnh/thành thành lập các trung tâm tư vấn hoặc trung tâm hỗ trợ kết hôn của Hội. Đầu tư chỉ đạo xây dựng mô hình điểm hỗ trợ nhóm phụ nữ bị bạo lực gia đình và phụ nữ bị buôn bán thông qua “Ngôi nhà Bình yên” tại Trung tâm Phụ nữ và phát triển; xây dựng mô hình nhà tạm lánh ở một số tỉnh thành (Cần Thơ, Thừa Thiên Huế)

2. Tập trung tuyên truyền, giáo dục về bình đẳng giới và công tác phòng chống bạo lực gia đình; tổ chức các hoạt động phòng chống bạo lực gia đình

- Tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về Bình đẳng giới, về phòng chống bạo lực gia đình trên các phương tiện thông tin đại chúng, thông qua các buổi sinh hoạt nhóm tổ phụ nữ, sinh hoạt Câu lạc bộ... cho cán bộ, hội viên, phụ nữ.

- Tập trung nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ Hội về công tác BĐG và phòng chống bạo lực gia đình, tổ chức tập huấn cho đội ngũ báo cáo viên về nội dung cơ bản của Luật phòng chống bạo lực gia đình; tổ chức Hội thảo cho các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và Hà Nội về phòng chống bạo lực gia đình.

- Tập trung biên soạn, in ấn tài liệu tham khảo về Bình đẳng giới và phòng chống bạo lực gia đình, phát hành tờ rơi “Bạn không cô đơn - chúng tôi luôn bên bạn”; Tài liệu dùng cho tuyên truyền viên về luật phòng chống bạo lực gia đình; tài liệu truyền thông “Sổ tay những điều cần biết về BĐG trong gia đình”; “Ngăn chặn bạo lực gia đình là trách nhiệm của mọi người và của cả cộng đồng”; “Sổ tay những điều cần biết về bình đẳng giới trong gia đình”.

- Chỉ đạo xây dựng và nhân rộng các mô hình Câu lạc bộ gia đình hạnh phúc, Câu lạc bộ không bạo lực gia đình, Câu lạc bộ phòng chống bạo lực gia đình, Câu lạc bộ không sinh con thứ 3, câu lạc bộ pháp luật, câu lạc bộ trợ giúp pháp lý... góp phần nâng cao kiến thức về chăm sóc, nuôi dạy con; kỹ năng tổ chức cuộc sống gia đình, kiến thức về pháp luật cho phụ nữ. Xây dựng thí điểm mô hình địa chỉ tin cậy ở cộng đồng theo Luật phòng chống bạo lực gia đình.

- Chỉ đạo thực hiện công tác phòng chống bạo lực gia đình gắn với cuộc vận động xây dựng gia đình 5 không 3 sạch, trong đó có tiêu chí gia đình không có bạo lực gia đình: Mọi thành viên trong gia đình yêu thương, tôn trọng lẫn nhau, cùng nhau chia sẻ mọi quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm; không có bạo lực gia đình (bạo lực về thể xác, bạo lực về tinh thần, bạo lực về kinh tế, bạo lực về tình dục)

- Thực hiện tư vấn, hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực: Phòng tiếp dân thuộc Ban luật pháp chính sách đã tư vấn cho nhiều nạn nhân phụ nữ bị bạo lực gia đình. Ngoài ra còn tổ chức tư vấn lưu động tại một số địa phương về các vụ bạo lực gia đình.

3. Tích cực phối hợp với cơ quan hành pháp, chính quyền địa phương trong công tác phòng chống bạo lực gia đình

- Hội LHPN các cấp đã chủ động phối hợp với chính quyền địa phương, với ngành Tư pháp, Công an trong công tác tuyên truyền, vận động, nắm tình hình và tham gia tham gia giải quyết các vụ bạo lực gia đình có liên quan đến phụ nữ xảy ra trên địa bàn.

- Nắm tình hình các gia đình tại địa bàn thông qua hoạt động của tổ chức Hội phụ nữ và công tác quản lý nhân khẩu của chính quyền địa phương để kịp thời phát hiện dấu hiệu, nguy cơ bạo lực gia đình để tuyên truyền, vận động.

- Khi có bạo lực gia đình xảy ra tại địa bàn dân cư, cán bộ Hội đã kịp thời có mặt tại nơi xảy ra bạo lực, thông báo với tổ hòa giải và chính quyền, công an. Nếu vụ bạo lực gia đình ở mức phải đưa ra pháp luật, Hội phụ nữ đã thể hiện được vai trò đại diện cho tổ chức Hội bảo vệ phụ nữ. Nếu đưa ra pháp luật xử lý ly hôn thì cán bộ Hội là người tư vấn, hướng dẫn chị em viết đơn gửi đến nơi thẩm quyền giải quyết.

III. Những khó khăn, hạn chế trong công tác PCBLGĐ

1. Cán bộ thực hiện nhiệm vụ về công tác gia đình chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ đặt ra, chưa đầu tư nghiên cứu để có kiến thức chuyên sâu và phương pháp làm việc nên chưa thực sự chủ động tham mưu đề xuất về nội dung công tác gia đình trong đó có việc phòng chống bạo lực gia đình.

2. Nguồn kinh phí để triển khai thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ phụ nữ xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc; hỗ trợ phụ nữ nâng cao trình độ mọi mặt thực hiện Bình đẳng giới và phòng chống bạo lực gia đình còn hạn chế. Chưa khai thác được nhiều nguồn lực để hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ.

3. Sự phối hợp giữa các ban ngành có liên quan nhằm thúc đẩy bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực gia đình mặc dù đã có sự tập trung chỉ đạo song hiệu quả phối hợp chưa cao, đôi khi còn hình thức. Phạm vi phối hợp còn hạn chế, thiếu đồng bộ, chưa sâu rộng, nhất là tại những nơi bất bình đẳng giới và bạo lực gia đình ở mức cao. Chương trình, nội dung phối hợp chưa có tính chiến lược, thiếu sự kết nối hiệu quả, chủ yếu còn theo những công việc, hoạt động nhỏ lẻ, sự vụ.

IV.Đánh giá tác động và bài học kinh nghiệm

1. Kết quả phòng chống bạo lực gia đình của Hội LHPN Việt Nam đã và đang mang lại nhiều hiệu quả thiết thực. Các mô hình hoạt động nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi và hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực ngày càng được quan tâm, thu hút sự tham gia ngày càng chặt chẽ của các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân và toàn xã hội.

2. Đấu tranh phòng chống bạo lực gia đình không chỉ tạo nên một môi trường xã hội lành mạnh, ổn định, góp phần xây dựng gia đình văn hóa mà còn góp phần nâng cao quyền năng cho nhóm phụ nữ bị tổn thương là nạn nhân của bạo lực gia đình.

3. Phòng chống bạo lực gia đình là một nhiệm vụ quan trọng trong xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, đòi hỏi phải có sự tham gia của tất cả các thành viên trong gia đình; sự tham gia tích cực của các cấp, các ngành, các tổ chức, các đoàn thể và cộng đồng xã hội. Do vậy, tuyên truyền nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí quan trọng của gia đình là việc làm thường xuyên, liên tục của tất cả các cấp, các ngành, của cộng đồng xã hội trong đó vai trò quan trọng của Hội LHPN các cấp.

4.Các hoạt động đào tạo năng cao năng lực cho cán bộ Hội làm công tác tư vấn, hòa giải tại cộng đồng cần được đặt biệt quan tâm, giúp chị em có kiến thức và kỹ năng thực hành trong các hoạt động tiếp cận, tư vấn và hỗ trợ nạn nhân để hoạt động hỗ trợ đạt hiệu quả tốt hơn.

Nguyễn Thị Tuyết Mai
Trưởng Ban Gia đình xã hội

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video