HỘI LHPN Việt Nam tham gia phản biện xã hội Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi)

23/06/2015
Vừa qua, Hội LHPN Việt Nam tổ chức lấy ý kiến các tầng lớp phụ nữ đối với Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi), trong đó tập trung sâu hơn vào các điều, khoản có liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ và vấn đề bình đẳng giới. Các cấp Hội đã nghiêm túc triển khai hoạt động lấy ý kiến góp ý dự thảo và được toàn thể cán bộ, hội viên, phụ nữ tại 63 tỉnh/thành phố hưởng ứng và tích cực tham gia.

Đến nay, theo báo cáo chưa đầy đủ của các tỉnh/thành, đơn vị trực thuộc và 14 ban, đơn vị cơ quan TW Hội đã tổ chức 6.958 cuộc với 2.764.468 lượt cán bộ, hội viên, phụ nữ tham gia, trong đó có đại diện nữ trí thức, doanh nhân, luật sư, công chức, viên chức, đại biểu Hội đồng nhân dân, cán bộ, hội viên, phụ nữ dân tộc, phụ nữ tôn giáo đã tham gia đóng góp ý kiến dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi). Bên cạnh đó, TW Hội cũng chủ trì phối hợp với 03 tỉnh/TP tổ chức Hội thảo tham vấn ý kiến của các chuyên gia (đội ngũ luật sư, thẩm phán, hội thẩm nhân dân) tại TP Hà Nội, Đăk Lắk và Thái Bình.

Bên cạnh việc góp ý vào 10 vấn đề trọng tâm mà Chính phủ đưa ra, hội viên, phụ nữ và các đại biểu được tham vấn đã góp ý sâu vào các vấn đề liên quan đến bình đẳng giới; quyền nhân thân trong hôn nhân và gia đình; di chúc chung của vợ, chồng; vấn đề thừa kế và vấn đề mang thai hộ.

Về trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền trong việc bảo vệ quyền dân sự: Việc bổ sung quy định “Tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ, việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng” sẽ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân và pháp nhân triệt để hơn. Tuy nhiên, để đảm bảo tính khả thi của quy định này, nhiều ý kiến của hội viên, phụ nữ đề nghị cần quan tâm xem xét đến các điều kiện thực hiện trên thực tế, cần hoàn thiện hệ thống pháp luật làm cơ sở để Tòa án thực hiện trách nhiệm theo quy định. Tòa án cần công khai bản án, hệ thống hóa các án lệ để định hướng xét xử; nâng cao trình độ, đào tạo và bồi dưỡng kiến thức cho cán bộ Tòa án. Mặt khác, Toà án cần phải cẩn trọng để tránh trường hợp các chuẩn mực và định kiến xã hội có tính phân biệtđối xử với phụ nữ (có thể tồn tại trong quan niệm và nhận thức chủ quan củathẩm phán và thành viên hội thẩm) có ảnh hưởng đến phán quyết của Tòa án.

Về quyền nhân thân:Đề nghị nên xem xét cẩn trọng về việc có nên quy định vấn đề xác định lại giới tính như theo quy định tại Điều 40 Dự thảo Bộ luật hay không bởi đây là vấn đề nhạy cảm và phức tạp. Việc xác định lại giới tính của một người chỉ nên được thực hiện trong trường hợp giới tính của người đó bị khuyết tật bẩm sinh hoặc chưa định hình chính xác mà cần sự can thiệp của y học nhằm xác định rõ về giới tính. Còn đối với những trường hợp đã hoàn chỉnh giới tính mà thực hiện phẫu thuật chuyển thành giới tính khác là đi ngược lại quy luật tự nhiên, không phù hợp với sự phát triển tự nhiên của con người sẽ dẫn đến những hệ lụy rất lớn về sức khỏe, tâm lý, tâm thần.

Vấn đề chủ thể của quan hệpháp luật dân sự: Đề nghị tiếp tục ghi nhận tư cách chủ thể trong quan hệ pháp luật dân sự của Hộ gia đình và tổ hợp tác nhưng có điều chỉnh, bổ sung, làm rõ thêm những điểm chưa hợp lý để bảo đảm phát huy giá trị thực tiễn của hộ gia đình và tổ hợp tác, phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành. Cụ thể,đối với hộ gia đình nên có quy định cụ thể về thế nào là hộ gia đình, cách thức xác định hộ gia đình và tư cách thành viên của hộ gia đình, tách bạch trách nhiệm của cá nhân với trách nhiệm của hộ gia đình. Bổ sung quy định về đại diện theo pháp luật đối với hộ gia đình, quyền và trách nhiệm của người đại diện hộ gia đình, quyền và trách nhiệm của các thành viên gia đình khi người đại diện của hộ gia đình xác lập và thực hiện giao dịch nhân danh hộ gia đình. Quy định tách bạch giữa tài sản Hộ gia đình sử dụng vào mục đích sản xuất, kinh doanh với tài sản để sinh hoạt để làm cơ sở quy định quyền và trách nhiệm của đại diện hộ gia đình và trách nhiệm liên đới của các thành viên khi người đại diện hộ gia đình tham gia giao dịch dân sự.

Đối với tổ hợp tác là hình thức liên kết trong sản xuất, kinh doanh giữa các cá nhân, hộ gia đình trên tinh thần tự nguyện nhằm giúp đỡ nhau duy trì và phát triển kinh tế hộ gia đình. Hình thức liên kết này hiện nay rất phổ biến, nhất là ở khu vực nông thôn. Hiện nay, số lượng tổ hợp tác tăng nhanh và ngày càng phổ biến ở nhiều địa phương. Nếu năm 2000, cả nước mới có 150.000 tổ hợp tác, thì đến đầu năm 2012, cả nước có 369.000 tổ hợp tác, thu hút 4 triệu lao động, thu nhập của thành viên tổ hợp tác là hơn 12 triệu đồng/năm (theo thống kê của Liên minh hợp tác xã Việt Nam).

Về hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự không tuân thủ quy định về hình thức:Đề nghị tiếp tục duy trì quy định như Bộ luật dân sự hiện hành tại khoản 1 Điều 145 Dự thảo Bộ luật nhằm bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật. Thực tế cho thấy quy định hiện hành đã đứng trên góc độ bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các bên trong giao dịch, đặc biệt đối với những bên thiện chí; Quy định như vậy có khả năng bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ do họ (nhìn chung) thường ít có điều kiện tiếp cận thông tin, nhất là thông tin pháp lý, ít kinh nghiệm và quan hệ giao dịch hơn so với nam giới.

Vấn đề bảo vệ người thứ ba ngay tình trong trường hợp giao dịch dân sự bị vô hiệu: Nhất trí với việc sửa đổi tại Điều 148 dự thảo Bộ luật Dân sựnhằm góp phầnbảo đảm công bằng, hợp lý quyền, lợi ích hợp pháp của người có thiện chí, người thứ ba ngay tình trong giao dịch dân sự, đồng thờigóp phần quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công dân trong việc đăng ký, xác lập quyền sở hữu tài sản, Mặt khác, quy định này cũng phù hợp với nguyên tắc đăng ký bất động sản hiện nay, đảm bảo sự ổn định trong các quan hệ dân sự, tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước đối với tài sản đã đăng ký quyền sở hữu, đặc biệt là đối với bất động sản, góp phần ổn định thị trường bất động sản và nguồn thu ngân sách nhà nước.

Hình thức sở hữu:Nhất trí với quy định ba hình thức sở hữu, bao gồm sở hữu toàn dân, sở hữu riêng và sở hữu chung ( Điều 213 và các điều từ Điều 224 đến Điều 247). Quy định này phù hợp với quy định của Hiến pháp 2013, tài sản thuộc sở hữu toàn dân, Nhà nước thực hiện quyền của chủ sở hữu đối với tài sản thuộc sở hữu toàn dân và chỉ có Nhà nước mới có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản thuộc sở hữu toàn dân và có chế độ pháp lý riêng cho Nhà nước thực hiện quyền này.

Thời điểm xác lập quyền sở hữu và các vật quyền khác:Đồng tình với quy địnhtại Điều 182 của dự thảo Bộ luật vì quy định này khắc phục được hạn chế của Bộ luật Dân sự 2005,giúp phân định rõ hơn thời điểm giao dịch được xác lập với thời điểm quyền sở hữu và các vật quyền khác được xác lập, đảm bảo sự đồng bộ với các luật chuyên ngành liên quan như Luật đất đai, Luật Nhà ở, Luật kinh doanh bất động sản.

Điều chỉnh hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi: Đề nghị không nên quy định Tòa án có quyền điều chỉnh hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi vì quy định như vậy là không phù hợp với nguyên tắc của Bộ luật Dân sự cũng như bản chất của hợp đồng dân sự là sự tự do ý chí và tự do thỏa thuận. Các cơ quan nhà nước, trong đó có Tòa án không được và không nên can thiệp vào sự tự do của các bên khi tham gia các giao dịch dân sự nói chung và hợp đồng nói riêng. Bộ luật dân sự hiện hành và dự thảo Bộ luật đã quy định về sửa đổi hợp đồng, trong trường hợp hoàn cảnh thay đổi thì các bên có quyền thỏa thuận để sửa đổi hợp đồng, nếu hoàn cảnh thay đổi đến mức không thể thực hiện được hợp đồng thì hợp đồng chấm dứt theo sự thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật.Việc cho phép Tòa án điều chỉnh hợp đồng sẽ thiếu tính khách quan và ảnh hưởng đến quyền, lợi ích của các bên. Mặt khác, Tòa án rất khó xác định hoàn cảnh thay đổi là chủ quan, khách quan, vô ý hay cố ý làm thay đổi hoàn cảnh của các bên tham gia trong hợp đồng.

Lãi suất trong hợp đồng vay tài sản:Nhất trí với quy địnhtại Điều 476 dự thảo Bộ luật. Quy định này về thực chất không khác so với quy định hiện hành (chỉ tăng từ 150% lên 200%). Việc quy định mức lãi suất trần dựa trên lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tạo sự thống nhất về lai suất trong hợp đồng vay, ngăn ngừa việc cho vay nặng lãi và phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội hiện nay của Việt Nam. Việc quy định lãi suất trần cụ thể thực ra khó có thể điểu chỉnh linh hoạt (do chưa rõ nguyên tắc, thẩm quyền cụ thểsẽ quy định như thế nào). Bên cạnh đó, quy định mức lãi suất trần trên lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố là phù hợp vì thực tế lâu nay áp dụng rất thuận lợi và hiệu quả và tạo sự thống nhất chung, ngăn ngừa việc xảy ra tranh chấp, khiếu kiện về lãi suất và hạn chế, ngăn ngừa việc cho vay nặng lãi.

Về thời hiệu:Nhất trí với quy định của dự thảo Bộ luật vì quy định này đảm bảo tốt hơn việc bảo vệ các quyền dân sự, phù hợp với bản chất pháp lý của thời hiệu, tạo công cụ pháp lý tốt hơn để Tòa án bảo vệ các quyền dân sự của tổ chức, cá nhân.

Về nguyên tắc bình đẳng: Đề nghị bổ sung nội dung: “bảo đảm nguyên tắc bình đẳng giới trong thiết lập, thực hiện, thúc đẩy và hoàn thành giao dịch dân sự”. Điều 3 của Dự thảo quy định “Trong quan hệ dân sự, các cá nhân, pháp nhân đều bình đẳng, không được lấy bất kỳ lý do nào để đối xử không bình đẳng với nhau; được pháp luật bảo hộ như nhau về các quyền nhân thân và tài sản, không chịu sự can thiệp trái pháp luật của cá nhân, pháp nhân khác, trong việc thực hiện quyền...”. Tuy nhiên, bình đẳng giữa các cá nhân, pháp nhân chưa bao hàm cả nội dung bình đẳng giới; Quy định “được pháp luật bảo hộ như nhau” không thể hiện đúng quan điểm bình đẳng giới hiện nay.

Về quyền nhân thân trong hôn nhân và gia đình (Điều 42 Dự thảo Bộ luật): Đa số ý kiến hội viên, phụ nữ đều cho rằng trong trường hợp vẫn giữ quy định tại khoản 3 Điều 42 Dự thảo Bộ luật: Trường hợp hai cá nhân không vi phạm điều cấm trong Luật hôn nhân và gia đình có thỏa thuận về việc chung sống với nhau như vợ chồng thì quyền, nghĩa vụ của họ được xác định theo thỏa thuận,thì cần phải bổ sung quy định “Trường hợp họ có con chung thì quyền, nghĩa vụ của họ được xác định theo luật Hôn nhân và Gia đình”. Bởi quy định như Dự thảo Bộ luật là chưa đồng bộ, thống nhất với Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014. Việc quy định điều khoản này vào Bộ luật dân sự có thể dễ dẫn đến tình trạng cổ súy cho việc sống chung mà không kết hôn ảnh hưởng đến văn hóa, đạo đức lối sống và thuần phong mỹ tục của Việt Nam. Bên cạnh đó chưa đảm bảo quyền lợi cho phụ nữ và trẻ em, vì dự thảo mới chỉ đề cập đến việc hai cá nhân sống chung mà chưa quy định chi tiết những trường hợp hai cá nhân sống chung và có con chung/con riêng thì quyền lợi của đứa trẻ sẽ được quy định như thế nào.

Về di chúc chung của vợ, chồng:Đề nghị xem xét lại quy định về sửa đổi, bổ sung, thay thế, huỷ bỏ di chúc chung của vợ, chồng (tại điều 665) và quy định hiệu lực pháp luật của di chúc chung của vợ chồng (Điều 669) vì việc quy định như vậy không đảm bảo tinh khả thi trong thực tế và không bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của các bên. Khi quy định di chúc chung nhằm đảm bảo quyền định đoạt của vợ chồng đối với tài sản chung, ở khía cạnh nào đó cũng là bảo vệ quyền cho người vợ - người không đứng tên trong giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, trong thực tế tài sản phần nhiều đang đứng tên người chồng, nếu có mâu thuẫn trong cuộc sống chung vợ chồng không thống nhất được mà phải sửa đổi thậm chí huỷ bỏ di chúc chung thì mỗi người có quyền lập di chúc liên quan đến tài sản của mình thì người phụ nữ ít có cơ hội và điều kiện thực hiện quyền này vì thực tế rất ít người trong số họ có tên trong GCN quyền sở hữu, hay chứng minh được đó là tài sản chung thì rất khó khăn. Trường hợp nếu một bên chết thì bên còn lại có quyền sửa đổi bổ sung di chúc liên quan đến phần tài sản của mình thì cũng không hợp lý vì lúc đó thực chất không tồn tại di chúc chung nữa vì một phần di chúc liên quan di sản của người chết trong tài sản chung có hiệu lực.

Mặt khác, Điều 669 quy định “trường hợp vợ chồng lập di chúc chung mà một bên chết trước thì chỉ phần di chúc liên quan đến phần di sản của người chết trong tài sản chung có hiệu lực pháp luật”. Mặc dù điều 676 quy định hạn chế chia di sản: hoãn chia di sản nếu việc chia di sản ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống bên vợ/ chồng và gia đình thì bên còn sống có quyền yêu cầu Tòa án xác định phần di sản mà những người thừa kế được hưởng nhưng chưa chia...Với quy định như vậy nhưng thực tế thì: có trường hợp bố chết, mẹ già, các con đã lập gia đình quay lại đỏi chia di sản; trường hợp bố mất nhưng mẹ kế quản lý hết tài sản lấy lý do" ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống nên nhất quyết đề nghị hoãn chia di sản mà theo Điều 669 thì không giới hạn thời gian hoãn.

Về vấn đề thừa kế: Đề nghị nên xem xét bổ sung các quy định nhằm bảo đảm quyền lợi củacon dâu và con rểtrong vấn đề thừa kế vì Dự thảo Bộ luật chưa đề cập đến đối tượng trong quan hệ gia đình đó là con dâu và con rể. Có rất nhiều trường hợp con dâu và con rể chung sống với bố mẹ chồng hoặc bố mẹ vợ trong thời gian dài và đã có nhiều đóng góp công sức để vun đắp, chăm sóc cho gia đình nhà chồng/vợ. Sự đóng góp này không tính được bằng vật chất, ngược lại tài sản giá trị nhất của gia đình thường là bất động sản lại đứng tên bố mẹ chồng/vợ và khi bố mẹ chồng/vợ mất đi không để lại di chúc thì những người này lại không hưởng thừa kế. Bên cạnh đó, theo Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 (Điều 80) quy định rất rõ quyền, nghĩa vụ của con dâu, con rể và cha mẹ vợ, cha mẹ chồng sống chung với nhau: “các bên có quyền, nghĩa vụ tôn trọng, quan tâm, chăm sóc và giúp đỡ nhau theo quy định tại các điều 69, 70, 71 và 72 của Luật này”. Các điều 69, 70, 71, 72 là các quy định chung về các quyền, nghĩa vụ của cha mẹ, của con, quyền và nghĩa vụ chăm sóc nuôi dưỡng, giáo dục giữa cha mẹ và con. Như vậy, pháp luật đã công nhận mối quan hệ giữa con dâu, con rể và cha mẹ chồng/vợ sống chung với nhau như là mối quan hệ cha mẹ và con thông thường. Hơn nữa, việc bổ sung quy định như vậy sẽ đảm bảo sự bình đẳng giữa các mối quan hệ trong gia đình, đảm bảo quyền lợi cho những người con dâu/rể sống chung với bố mẹ chồng/vợ trên cơ sở nuôi dưỡng lẫn nhau, đồng thời để đảm bảo sự thống nhất trong hệ thống pháp luật về mối quan hệ giữa cha mẹ và các con.

Về vấn đề mang thai hộ vì mục đích nhân đạo : Đây là vấn đề mới được quy định trong Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 tại Điều 96, Điều 97 có quy định dẫn chiếu áp dụng Bộ luật Dân sự để giải quyết những phát sinh trong quá trình mang thai hộ, trách nhiệm dân sự trong trường hợp một hoặc cả hai bên vi phạm cam kết theo thoả thuận và giải quyết tranh chấp liên quan đến mang thai hộ. Tại Nghị định số 10/2015/NĐ-CP ngày 28/1/2015 của Chính phủ đã ban hành mẫu thoả thuận về mang thai hộ vì mục đích nhân đạo trong đó bao gồm nội dung về trách nhiệm dân sự trong trường hợp một hoặc cả hai bên vi phạm cam kết theo thoả thuận. Vì vậy đề nghị trong trường hợp thoả thuận mang thai hộ được coi là một dạng giao dịch dân sự thì Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) cần quy định cụ thể về cơ sở để áp dụng giải quyết khi có tranh chấp xảy ra.

Có thể nói, sự kiện lấy ý kiến góp ý Dự thảo Bộ luật đã trở thành một sự kiện có ý nghĩa sâu sắc đối với toàn thể hội viên, phụ nữ trên toàn quốc. Đây cũng là một dịp tuyên truyền và phổ biến pháp luật để hội viên, phụ nữ sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật. Qua đó, hội viên, phụ nữ cũng hiểu rõ hơn về quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ và trẻ em khi tham gia các quan hệ dân sự, giúp họ có kiến thức pháp luật để bảo vệ bản thân trong việc xác lập các quan hệ dân sự trong cuộc sống hàng ngày.

Hội LHPN Việt Nam đã tổng hợp tất cả các ý kiến góp ý trên vào báo cáo góp ý Dự thảo Bộ luật Dân sự gửi Ban soạn thảo và TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Lê Kim Ánh

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video