Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa: Nhiều mô hình hỗ trợ hội viên phụ nữ thoát nghèo, ổn định cuộc sống

16/09/2020
Xác định công tác hỗ trợ hội viên, phụ nữ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống là nhiệm vụ quan trọng, những năm qua, các cấp Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa đã có nhiều cách làm sáng tạo, phù hợp với thực tiễn, qua đó đã giúp được nhiều chị em vươn lên thoát nghèo, hăng hái tham gia sinh hoạt Hội
Hội LHPN tinh trao con giống cho các mô hình kinh tế tập thể tại huyện xã Yên Khương, Huyện Lang Chánh

- Hội LHPN phường Ba Đình (thị xã Bỉm Sơn): Ngân hàng bò giúp phụ nữ khó khăn

Với phương châm hoạt động “gần hội viên, hiểu hội viên, nghe hội viên nói, nói hội viên hiểu, làm hội viên tin”, cán bộ Hội LHPN phường Ba Đình (thị xã Bỉm Sơn) đã kịp thời  chia sẻ những khó khăn, nguyện vọng để có giải pháp giúp đỡ nhiều hội viên nghèo, yếu thế trên địa bàn vươn lên trong cuộc sống.

Chị Mai Thị Quyết thuộc hộ nghèo của chi hội phụ nữ phố 10, được CLB Phụ nữ giúp nhau giảm nghèo của Hội LHPN phường Ba Đình cho vay 10 triệu đồng mua 1 con bò cái sinh sản. Chị Quyết rất vui mừng vì có được nguồn lực để phát triển kinh tế gia đình. Sau một năm, xét thấy hoàn cảnh gia đình chị Quyết quá khó khăn, chồng yếu, các con còn nhỏ, nên CLB đã thống nhất không thu hồi vốn vay 10 triệu đồng để giảm gánh nặng cho chị Quyết. Được sự giúp đỡ, động viên kịp thời của chị em trong chi hội, sau hơn 4 năm, con bò cái sinh sản của gia đình chị đã sinh được 3 bê con, giúp cho kinh tế gia đình chị  đỡ phẩn vất vả.

Chị Phạm Thị Hường, Chủ nhiệm CLB giúp nhau giảm nghèo của phường Ba Đình cho biết: CLB được thành lập từ năm 2016, thu hút 182 thành viên tham gia. Mỗi thành viên góp tối thiểu 200 ngàn đồng trở lên, CLB còn huy động sự giúp đỡ của một số nữ doanh nhân cho vay 20 triệu đồng, ngay năm đầu tổng quỹ đã đạt 100 triệu đồng. Toàn bộ nguồn quỹ được CLB họp xét cho thành viên khó khăn vay theo nhu cầu và điều kiện sản xuất. Từ khi thành lập đến nay, CLB đã giúp 13 hội viên mua 12 con bò và 2 con lợn nái không lấy lãi với tổng số tiền hơn 300 triệu đồng và xét tặng 2 con bò trị giá 45 triệu đồng cho hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Đến nay, ngân hàng bò của CLB đã tăng tổng đàn lên 36 con.

- Hội LHPN huyện Thạch Thành: Kinh tế tập thể - hướng thoát nghèo cho phụ nữ miền núi

Thạch Thành là một trong những huyện miền núi sớm thành lập mô hình kinh tế tập thể (KTTT) do phụ nữ làm chủ. Đến nay, huyện đã thành lập được 12 mô hình KTTT, trong đó có 4 HTX, 8 tổ liên kết (TLK), tổ hợp tác (THT) ở các lĩnh vực nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ.

Các mô hình, ngành nghề của chị em đã liên kết sản xuất đầu vào, đầu ra sản phẩm và khắc phục được hạn chế sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, giúp nhiều HV khó khăn có điều kiện vươn lên sản xuất, thoát nghèo và nhiều HV có điều kiện tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất bền vững. Tiêu biểu như HTX sản xuất mật ong Hưởng Hoa, THT sản xuất mật mía Thạch Sơn, HTX dịch vụ tổng hợp xã Thành Hưng, HTX tiểu thủ công nghiệp Thành Thọ...

Hội LHPN tỉnh trao bò sinh sản cho mô hình HTX chăn nuôi bò sinh sản huyện Đông Sơn

Trong quá trình thực hiện, Hội Phụ nữ cơ sở đã xây dựng kế hoạch, định hướng cho HV chuẩn bị các khâu từ nhân sự điều hành, lựa chọn giống, nguyên liệu, kết nối thị trường tiêu thụ, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, huy động vốn vay... Cùng với đó, được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương, các ngành chức năng, huyện hội tăng cường giới thiệu sản phẩm qua nhiều kênh, phối hợp kiểm tra các mô hình sản xuất phải gắn với bảo đảm an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập cho HV, hướng HV liên kết sản xuất, bền vững. Đến nay, các mô hình KTTT do phụ nữ làm chủ ở Thạch Thành đang hoạt động có hiệu quả, tạo việc làm cho hàng trăm lao động là HV phụ nữ.

Bà Phạm Thị Thúy, Trưởng Ban Hỗ trợ phụ nữ và phát triển kinh tế, Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa, cho biết: Để xây dựng các mô hình KTTT hiệu quả, Hội LHPN tỉnh đã chỉ đạo các cấp hội rà soát, đánh giá mức độ hộ nghèo, nhu cầu và điều kiện tự nhiên để xây dựng kế hoạch hỗ trợ, giúp đỡ. Đối tượng ưu tiên là những HV thuộc hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn có ý thức lao động sản xuất; triển khai nhiều giải pháp nhằm thay đổi nhận thức của hội viên về mô hình KTTT và các giải pháp phát triển kinh tế gia đình; tranh thủ các nguồn vốn của doanh nghiệp, tổ chức, các chương trình, dự án tạo thêm nguồn lực cho các thành viên vay; hỗ trợ tập huấn, bồi dưỡng công tác quản lý, điều hành mô hình KTTT cho ban chủ nhiệm và chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật cho các thành viên...

Đến nay, sau 7 năm triển khai thực hiện, Hội LHPN tỉnh đã chỉ đạo các cấp hội ở 11 huyện miền núi thành lập được 93 mô hình, trong đó có 11 HTX, 33 THT, 48 TLK, với 1.310 thành viên tham gia, mức thu nhập ổn định từ 2,5 đến 4 triệu đồng/người/tháng, ngoài ra còn tạo việc làm cho nhiều lao động thời vụ. Hiện nay, các mô hình đã và đang hoạt động hiệu quả, giúp chị em phụ nữ nghèo có điều kiện vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng.

- Mô hình liên kết chăn nuôi tại 9 huyện miền núi

Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa đã xây dựng các mô hình chăn nuôi theo tổ hợp tác, HTX tại 9 huyện miền núi. Chị Lò Thị Phương, bản Tứ Chiềng, xã Yên Khương (Lang Chánh) phấn khởi, cho biết: “Gia đình tôi được hỗ trợ 2 con dê sinh sản từ chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”. Gia đình mua thêm 3 con. Sau hơn 1 năm, đã có 2 con dê có thai. Có đàn dê, gia đình tôi có thêm động lực lao động, sản xuất để vươn lên thoát nghèo”.

Vịt Sơn Hà là giống vịt bản địa của huyện Quan Sơn, dù có giá trị kinh tế cao, giá bán gấp 3 lần so với vịt ở miền xuôi, nhưng trước đây chỉ có vài hộ nuôi. Năm 2018, Hội LHPN tỉnh đã hỗ trợ con giống, tập huấn kỹ thuật và xây dựng mô hình tổ liên kết chăn nuôi vịt Sơn Hà thu hút 50 hộ tham gia. Đến nay, toàn xã đã có 200 hộ nuôi vịt. Theo tính toán của các hộ, nếu một hộ nuôi 50 con vịt, một năm 3 lứa, trừ chi phí, lợi nhuận đạt khoảng 20 triệu đồng. Để khuyến khích nhân rộng mô hình chăn nuôi bền vững này, năm 2020, từ tổ liên kết, Hội LHPN tỉnh tiếp tục hỗ trợ phụ nữ xã Sơn Hà thành lập HTX dịch vụ chăn nuôi vịt Sơn Hà. Vịt Sơn Hà hiện đã trở thành sản phẩm hàng hóa, giúp cho nhiều hộ dân thoát nghèo.

Chị Lò Thị Liên, Giám đốc HTX dịch vụ chăn nuôi vịt Sơn Hà, cho biết: “Tôi đấu mối với các nhà hàng, bếp ăn trường học để khi vịt chuẩn bị đến kỳ xuất bán, tôi đứng ra thu gom và cung ứng. Việc này giúp chị em yên tâm về đầu ra, có thêm động lực duy trì sản xuất”.

Từ nguồn vốn thông qua các chương trình giảm nghèo bền vững, chương trình xây dựng nông thôn mới, phát triển sản xuất đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và huy động thêm nguồn lực từ các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, thời gian qua, Hội LHPN tỉnh đã xây dựng các mô hình chăn nuôi theo tổ hợp tác, HTX tại 9 huyện miền núi. Tham gia mô hình, hội viên, phụ nữ được hỗ trợ con giống, tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, cùng nhau góp quỹ từ 50 ngàn đồng đến 100 ngàn đồng để tương trợ giúp nhau lúc khó khăn và bỏ thêm vốn đối ứng mua con giống (bò, dê sinh sản), từ đó góp phần thay đổi nhận thức, tập quán sản xuất nhỏ lẻ của người dân. Các mô hình đều có sự quản lý, theo dõi, giám sát chặt chẽ của hội phụ nữ cơ sở để duy trì đàn vật nuôi, giúp hội viên phụ nữ phát huy nội lực, thoát nghèo bền vững.

Chị Nguyễn Thị Thu, Chủ tịch Hội LHPN huyện Mường Lát cho biết: Để sử dụng nguồn vốn hỗ trợ có hiệu quả, Hội LHPN huyện đều chỉ đạo thành lập tổ hợp tác vì hoạt động tập thể để chị em hỗ trợ và giám sát nhau sản xuất. Hoạt động của các mô hình vừa tạo được động lực thi đua lao động, sản xuất, vừa từng bước xóa bỏ tư tưởng trông chờ vào hỗ trợ của Nhà nước.

Tính đến tháng 8-2020, toàn tỉnh có 303 mô hình kinh tế tập thể được Hội LHPN hỗ trợ thành lập, hoạt động trên nhiều lĩnh vực, như: chăn nuôi, trồng trọt, sản xuất ngành nghề, dịch vụ môi trường... trong đó có hơn 30% là mô hình chăn nuôi. Hằng năm, mỗi mô hình đều giúp cho 2-5 hội viên phụ nữ thoát nghèo. Theo kế hoạch, trong năm 2020, Hội LHPN tỉnh sẽ hỗ trợ xây dựng 27 mô hình kinh tế tập thể, trong đó có 17 mô hình chăn nuôi, tập trung chủ yếu ở các huyện miền núi.

VP Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video