Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa hỗ trợ 16 mô hình kinh tế của phụ nữ nhằm thực hiện hiệu quả “Mục tiêu kép”

01/07/2020
Ngay sau khi kết thúc thời gian thực hiện giãn cách xã hội, Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa đã bám sát các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Trung ương Hội LHPN Việt Nam, Tỉnh ủy và căn cứ vào điều kiện thực tế trên địa bàn để tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ chung sức, đồng lòng thực hiện “mục tiêu kép”: vừa phòng chống dịch bệnh COVID-19, vừa thúc đẩy các hoạt động kinh tế - xã hội.
Hội LHPN tỉnh trao mô hình THT chăn nuôi bò sinh sản cho HVPn xã Pù Nhi, huyện Mường Lát

Song song với công tác phòng, chống dịch, không lơ là, chủ quan, Hội LHPN các cấp vận động hội viên phụ nữ phát huy phẩm chất tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang, thực hiện tốt cuộc vận động Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch, đoàn kết hỗ trợ nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo, giúp đỡ nhau trong sản xuất, đời sống, như: cho vay vốn không lãi, hỗ trợ ngày công lao động, đặc biệt là hỗ trợ trực tiếp con giống, cây giống và thành lập các mô hình kinh tế của phụ nữ.

Từ nguồn vốn thông qua các chương trình giảm nghèo bền vững, chương trình xây dựng nông thôn mới, phát triển sản xuất bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và huy động thêm nguồn lực từ các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, Hội LHPN tỉnh đã xây dựng kế hoạch thực hiện “mục tiêu kép” hỗ trợ 16 mô hình kinh tế tập thể cho các thành viên của 9 HTX và 7 tổ hợp tác trên địa bàn toàn tỉnh. Đối tượng được hỗ trợ là hội viên, phụ nữ nghèo, cận nghèo, hộ có nhu cầu sản xuất. Ngoài ra, trong tháng 6, Hội LHPN tỉnh tiếp tục triển khai thêm 8 mô hình hỗ trợ giảm nghèo và 1 mô hình xây dựng nông thôn mới. Tính đến đầu tháng 6, 100% mô hình kinh tế được hỗ trợ thực hiện “mục tiêu kép” đã hoàn thành gồm: Chăn nuôi bò, dê sinh sản, gà ri đồi, vịt bản địa, cây dược liệu tại các xã Phú Nghiêm (Quan Hóa); Vĩnh Quang (Vĩnh Lộc), Yên Khương (Lang Chánh), Pù Nhi, Trung Lý (Mường Lát)... Theo báo cáo kiểm tra ban đầu, sau khi được nhận con giống, các hộ đã tích cực chăm sóc đúng quy trình nên tỷ lệ sống đạt tới 99,9%.

Chị Lục Thị Tút ở bản Táo, xã Trung Lý (Mường Lát), cho biết: “Gia đình tôi chăm sóc theo đúng kiến thức được Hội Phụ nữ tập huấn nên 100 con vịt được Hội hỗ trợ đến nay đang phát triển tốt, tôi rất phấn khởi. Đây là điều kiện để gia đình tôi vươn lên thoát nghèo”.

Chị Lò Thị Ủm ở bản Yên Bình, xã Yên Khương (Lang Chánh) cho biết thêm: “Được hỗ trợ 10 triệu đồng để mua bò sinh sản, gia đình tôi đã bỏ thêm vốn đối ứng hơn 3 triệu đồng để mua con bò giống. Tôi đã làm chuồng và tạo nguồn thức ăn. Cả gia đình rất vui và quyết tâm sẽ chăm sóc tốt để bò sinh sản, phát triển”.

Các mô hình phát triển kinh tế chăn nuôi bò, dê, vịt, gà, trồng cây dược liệu là những mô hình được Hội LHPN tỉnh chỉ đạo rà soát và hỗ trợ theo nguyện vọng của hội viên, phù hợp với điều kiện sản xuất của gia đình và địa phương. Đối với mô hình bò, các thành viên tự nguyện đóng góp 100 ngàn đồng/người/tháng trong thời gian 2 năm và 50 ngàn đồng/người/tháng đối với mô hình vịt, gà trong thời gian 1 năm để dồn lại mua con giống tiếp tục trao cho hội viên nghèo khác. Theo tính toán của các hộ chăn nuôi gia cầm, nếu chăm sóc tốt sẽ được thu hoạch 3 lứa/năm, trừ chi phí lợi nhuận đạt khoảng 10 triệu đồng trở lên với số lượng 50 con/lứa. Các hộ nuôi bò sinh sản khoảng 1 năm sẽ có bê con, nhưng giá trị thu nhập cao hơn nhiều.

Bà Phạm Thị Thúy, Trưởng Ban Kinh tế Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa cho biết: Hình thức hỗ trợ kịp thời giống cây, con cho các hộ nghèo, cận nghèo và hướng các hộ vào sản xuất theo hình thức kinh tế tập thể, theo chuỗi giá trị sản xuất bảo đảm an toàn thực phẩm đang là cách làm hiệu quả có tính bền vững của Hội. Thông qua các hoạt động hỗ trợ, chị em được tập huấn bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng sản xuất, có ý thức tự lực vươn lên, xóa bỏ tư tưởng trông chờ vào Nhà nước. Các chị còn tự nguyện góp quỹ hàng tháng để phòng chống rủi ro, tương trợ nhau, mua con giống tặng cho hộ nghèo khác để cùng nhau sản xuất, tạo sản phẩm hàng hóa, nâng cao thu nhập.

Lê Hà

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video