Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa: Giúp hội viên phụ nữ vùng biên thay đổi cách nghĩ, cách làm

06/01/2020
Bằng những việc làm thiết thực, chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” do Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa và Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh phối hợp thực hiện đã góp phần tích cực giúp hội viên phụ nữ các xã vùng biên thay đổi cách nghĩ, cách làm, tạo chuyển biến trong công tác xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống, chung tay xây dựng vùng biên ngày một phát triển.
Một hoạt động triển khai chương trình Đồng hành cùng phụ nữ biên cương tại Thanh Hóa

Gia đình chị Vi Thị Khăm, thôn Vịn, xã Bát Mọt (Thường Xuân) thuộc diện hộ nghèo của xã. Năm 2018, qua chương trình Đồng hành cùng phụ nữ biên cương, chị Khăm được Hội LHPN tỉnh hỗ trợ 1 con lợn nái đen sinh sản để phát triển kinh tế. Không chỉ hỗ trợ con giống, gia đình chị còn được Hội hướng dẫn cách chăm sóc, phòng ngừa dịch bệnh, làm chuồng trại đúng kỹ thuật và được tham gia tổ hợp tác chăn nuôi lợn nái đen sinh sản thôn Vịn. Từ một gia đình nghèo, luôn trong cảnh “đói cơm, đứt bữa”, nhờ được hỗ trợ sinh kế, cuộc sống của gia đình chị Khăm đã được cải thiện.

Theo chị Lương Thị Chai, Chủ tịch Hội LHPN xã Bát Mọt, việc hỗ trợ con giống là phù hợp với tập quán chăn thả của người dân nên khi được hỗ trợ, các chị em hội viên rất phấn khởi, tích cực chăm sóc đúng quy trình được hướng dẫn. Năm 2018, thông qua chương trình Đồng hành cùng phụ nữ biên cương, xã Bát Mọt được hỗ trợ 3 mô hình tổ hợp tác: chăn nuôi lợn nái đen và chăn nuôi bò sinh sản. Đến thời điểm hiện tại, các mô hình chăn nuôi đều duy trì hiệu quả, cho thu nhập ổn định.

Giống như xã Bát Mọt, xã Yên Khương, huyện Lang Chánh được hỗ trợ thành lập 2 mô hình tổ hợp tác chăn nuôi dê với 30 thành viên tham gia (mỗi thành viên được hỗ trợ 2 con dê giống). Các hộ tham gia mô hình không phải bỏ vốn đối ứng để mua dê mà chỉ đối ứng tiền làm chuồng trại. Đến nay cả hai tổ hợp tác đã có thêm 9 hộ mua thêm 11 con dê để nuôi nhân đàn. Hiện đã có 6 hộ có dê sinh sản, bình quân đạt 3 con/hộ.

Chị Lò Thị Tương, Chủ tịch Hội LHPN xã Yên Khương chia sẻ: “Việc hỗ trợ các mô hình sinh kế không chỉ tạo việc làm, tăng thu nhập cho chị em người dân tộc thiểu số, mà còn góp phần thay đổi suy nghĩ, hình thành ý thức tự giác trong phát triển kinh tế gia đình. Từ hiệu quả của những mô hình này, nhiều hộ dân trên địa bàn đã học và làm theo, xây dựng chuồng trại chăn nuôi gà, lợn, dê, bò để cải thiện đời sống, tăng thu nhập”.

Ngay từ những ngày đầu triển khai chương trình, Hội LHPN tỉnh đã chỉ đạo các cấp Hội Phụ nữ tiến hành khảo sát những khó khăn, nhu cầu, nguyện vọng cần giúp đỡ của hội viên, phụ nữ tại các xã biên giới để có những hoạt động hỗ trợ phù hợp. Với phương châm “trao cần câu” và hướng dẫn “cách câu”, các cấp Hội Phụ nữ trong toàn tỉnh đã hỗ trợ phụ nữ nghèo các xã biên giới phát triển kinh tế hiệu quả

 Sau 2 năm, Hội LHPN tỉnh đã phối hợp với các đơn vị vận động nguồn lực gần 7 tỷ đồng hỗ trợ các xã biên giới khó khăn (trong đó, năm 2019 đã vận động trên 4 tỷ đồng). hỗ trợ xây 22 mái ấm tình thương, xây/sửa các công trình nước sạch, vệ sinh môi trường, láng gầm nhà sàn; hỗ trợ thành lập 11 Tổ hợp tác chăn nuôi dê, bò sinh sản, lợn nái đen (giống địa phương) tại các xã.

Cùng với việc hỗ trợ sinh kế, xây dựng các công trình dân sinh, trao tặng quà cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, các cấp Hội Phụ nữ còn thành lập 10 CLB phòng chống mua bán người tại cộng đồng, tổ chức 07 lớp tập huấn kiến thức xây dựng mô hình xanh - sạch - đẹp, tổ chức 03 Phiên chợ truyền thông “Phòng chống tệ nạn xã hội và tội phạm mua bán người”; tổ chức 14 lớp tập huấn, 14 buổi truyền thông phòng chống mua bán người cho trên 5.500 thành viên CLB, cán bộ, hội viên phụ nữ và nhân dân… Hỗ trợ tuyên truyền, giáo dục nâng cao kiến thức, kỹ năng cho phụ nữ các dân tộc khu vực biên giới, góp phần xóa mù chữ, hạn chế tình trạng trẻ em bỏ học; vận động phụ nữ tích cực tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia; tổ chức 02 lớp học xóa mù chữ, tái mù chữ cho hội viên, phụ nữ; hoạt động khám, tư vấn, cấp phát thuốc miễn phí cho phụ nữ, trẻ em và nhân dân.

 “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” là chương trình mang ý nghĩa thiết thực, không chỉ giúp phụ nữ các xã biên giới thay đổi cách nghĩ cách, làm mà còn thể hiện sự gắn bó khăng khít tình quân dân và góp phần nâng cao vai trò, trách nhiệm của phụ nữ vùng biên trong tham gia bảo vệ biên cương của Tổ quốc.

Minh Yên

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video