Hội LHPN tỉnh Quảng Trị nỗ lực vì mục tiêu “An toàn cho phụ nữ và trẻ em”

16/03/2020
Trước thực trạng phụ nữ và trẻ em đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ mất an toàn trong cuộc sống như bạo lực gia đình, bạo lực học đường, xâm hại tình dục, mua bán người, tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, tai nạn thương tích, tai nạn giao thông, tệ nạn xã hội, tín dụng đen,... thời gian qua, các cấp Hội LHPN tỉnh Quảng Trị đã có nhiều giải pháp, cách làm thiết thực nhằm nỗ lực hướng tới mục tiêu xây dựng môi trường sống “An toàn cho phụ nữ và trẻ em”.
Truyền thông phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em tại xã Cam Nghĩa, huyện Cam, Lộ, tỉnh Quảng Trị (Ảnh TT)

Trong nhiều nội dung an toàn, các cấp Hội đã chủ động lựa chọn phù hợp với tình hình từng địa phương, đơn vị. Cụ thể, cấp tỉnh đã chọn “An toàn trong gia đình” và “An toàn thực phẩm” để triển khai thực hiện, với 7 nhóm nội dung, giải pháp; 7 đơn vị cấp huyện chọn an toàn trong gia đình, trong phòng chống xâm hại trẻ em, 2 đơn vị miền núi Hướng Hóa, Đakrông chọn an toàn trong phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết.

Sau khi xác định nội dung an toàn, các cấp Hội tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ Hội các kiến thức, kỹ năng an toàn, vận hành xây dựng một số mô hình, kỹ năng giải quyết vụ việc bạo lực xâm hại phụ nữ, trẻ em. Tổ chức chiến dịch truyền thông “An toàn cho phụ nữ trẻ em” tại 5 xã thuộc chương trình đồng hành với phụ nữ biên cương; đợt sinh hoạt chuyên đề về phòng, chống ma túy tại 100 % chi hội trên toàn tỉnh. Tổ chức hội thi, truyền thông về phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết tại 02 huyện miền núi Hướng Hóa, Đakrông; Tuyên truyền chăm sóc sức khỏe sinh sản, kỹ năng sống cho trẻ vị thành niên, kỹ năng giao tiếp, ứng xử của người phụ nữ trong gia đình, phòng, chống bạo lực học đường, diễn đàn “An toàn cho phụ nữ và trẻ em”; Tổ chức hội thi,  giao lưu sáng kiến truyền thông về phòng, chống xâm hại tình dục trẻ  em, phòng chống bạo lực gia đình, phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội, an toàn giao thông.v..v.

Để thực hiện chỉ tiêu thi đua  “Mỗi cơ sở Hội có ít nhất một mô hình/hoạt động thực hiện chủ đề năm “An toàn cho phụ nữ và trẻ em”, Hội LHPN từ tỉnh đến cơ sở đã nỗ lực, chung sức huy động nguồn lực tổ chức các hoạt động  hướng về cơ sở. 100% cơ sở Hội xây dựng mới, duy trì vận hành mô hình tương đồng đưa nội dung giáo dục, truyền thông năm an toàn vào sinh hoạt định kỳ và tổ chức các hoạt động năm an toàn có hiệu quả; Xây dựng, duy trì, nhân rộng gần 300 CLB, mô hình với sự tham gia của hơn 10.000 thành viên như: “Chi hội phụ nữ nói không với ma túy”, “Bà mẹ và trẻ em gái phòng chống xâm hại tình dục”, “Nhóm cha mẹ ”, “Tiết kiệm xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn”; “Uống có trách nhiệm thực hiện an toàn giao thông”, “CLB trẻ em gái”, “Chi hội phụ nữ tuyên truyền an toàn thực phẩm”, “Phụ nữ nói không với đưa người đi lao động nước ngoài trái phép”; “Giáo dục hành động an toàn giao thông”, “Chi hội phụ nữ nói không với ma túy”… Bên cạnh đó các cấp Hội cũng đã tập trung triển khai các hoạt động giám sát giám sát Luật phòng chống bạo lực gia đình, 14 sáng kiến giám sát cộng đồng… Để góp phần đảm bảo an toàn sức khỏe phụ nữ, trẻ em và cộng đồng trước vấn nạn thực phẩm bẩn, mỗi huyện, thị, thành phố nhân rộng từ 2-3 mô hình sản xuất, chế biến, tiêu dùng lương thực, thực phẩm an toàn. Với sự nỗ lực cao, các cấp Hội LHPN tỉnh đã tuyên truyền vận động gần 10.000 hộ ký cam kết sản xuất, kinh doanh chế biến tiêu dùng thực phẩm an toàn; xây dựng hơn 20 loại mô hình sản xuất chế biến, tiêu dùng lương thực thực phẩm an toàn.

Cùng với các hoạt động hỗ trợ, nâng cao kiến thức kỹ năng  về an toàn cho PNTE, các cấp Hội trong tỉnh đã có những hoạt động thiết thực, thăm hỏi động viên, tư vấn, hỗ trợ  kịp thời cho phụ nữ, trẻ em là nạn nhân của bạo lực gia đình, bạo lực học đường, xâm hại tình dục...; Góp tiếng nói đề nghị các cấp chính quyền, cơ quan chức năng vào cuộc xử lý giải quyết các vụ việc;Tiếp nhận, xử lý đơn thư của hội viên phụ nữ.  

Trong thời gian tới, tiếp tục nỗ lực chung tay hướng tới mục tiêu xây dựng cuộc sống an toàn cho phụ nữ, trẻ em, Hội LHPN tỉnh Quảng Trị xác định tập trung vào các nội dung chính sau:

Một là: Chủ động phối hợp với các ngành chức năng để thực hiện có chất lượng quyền và trách nhiệm của các cấp Hội trong việc tham gia bảo vệ quyền và lợi ích của trẻ em; tích cực tham gia các hoạt động kiểm tra, giám sát do các ngành, đoàn thể triển khai liên quan đến phụ nữ và trẻ em; làm tốt công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, tư vấn pháp luật, hỗ trợ pháp lý và tâm lý cho trẻ em có nguy cơ bị bạo lực, xâm hại; phối hợp tổ chức các hoạt động tư vấn, hỗ trợ phòng ngừa bảo vệ trẻ em, chú trọng hỗ trợ đối tượng trẻ em đặc thù.

Hai là: Chú trọng đầu tư công tác truyên truyền, giáo dục nâng cao kiến thức, kỹ năng cho cán bộ, hội viên phụ nữ về chăm sóc, bảo vệ trẻ em. Phối hợp tuyên truyền các tin, bài trên các phương tiện thông tin đại chúng , tăng cường tuyên truyền cổ động trực quan thông qua băng rôn, khẩu hiệu, pano ...

Ba là: Nghiên cứ xây dựng các “Mô hình an toàn cho trẻ em” phù hợp với địa phương. Tổ chức diễn đàn, giao lưu chia sẻ kinh nghiệm các mô hình an toàn cho trẻ em; nghiên cứu xây dựng mô hình an toàn mới: “An toàn đường đến trường”, “thắp sáng đường quê”, “thôn bản an toàn” cho PN, TE v.v

Bốn là: Triển khai có hiệu quả “Đợt thi đua đặc biệt  lập thành tích chào mừng Đại hội Thi đua yêu nước Hội LHPN Việt Nam lần thứ IV và kỷ niệm 90 năm thành lập Hội LHPN Việt Nam”. Các cấp Hội lựa chọn nội dung và hành động thiết thực phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương với chủ đề “90 hành động thiết thực vì phụ nữ và trẻ em”, mà trọng tâm ưu tiên là các hành động hưởng ứng theo chủ đề năm “An toàn cho phụ nữ và trẻ em” một cách thiết thực hiệu quả.

 

Nguyễn Thị Quế Phượng

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video