Hội LHPN tỉnh Phú Thọ: Giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo

09/01/2009
Năm 2008, các cấp Hội tiếp tục tích cực hỗ trợ phụ nữ xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế trên tinh thần phát huy nội lực, tinh thần tương thân, tương ái; coi trọng tính hiệu quả, bền vững, ưu tiên hộ nghèo do phụ nữ làm chủ.

Hội xác định đây là chương trình mũi nhọn, góp phần quan trọng hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế trọng điểm của địa phương. Trong năm, các cấp Hội đã tích cực tuyên truyền, vận động phụ nữ thực hiện các biện pháp chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xây dựng mô hình mới; lựa chọn cây, con giống mới có năng suất cao, tham gia phòng chống rét đậm, rét hại cho lúa và hoa màu; phòng chống sâu hại, dịch bệnh cho gia súc, gia cầm. Các cấp Hội tích cực chủ động phối hợp chặt chẽ với ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn tổ chức được 259 lớp tập huấn về chuyển giao KHKT, 316 buổi phổ biến, hướng dẫn kiến thức, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, trồng rừng, bảo vệ rừng, phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, kỹ thuật sử dụng phân bón, vay vốn ngân hàng… cho 33.926 cán bộ, hội viên, phu nữ; xây dựng và duy trì hoạt động thường xuyên 30 câu lạc bộ phụ nữ phòng chống dịch cúm gia cầm

Trong chỉ đạo, các cấp Hội đã coi trọng việc xây dựng mô hình mới, hiệu quả cao như: ươm chè cành xã Phú Mỹ, trình diễn giống lúa mới xã Phú Lộc (Phù Ninh); nuôi tôm càng xanh xã Dị Nậu, gà thả vườn xã Vực Tường (Tam Nông); trồng ngô đồi chịu hạn huyện Tân Sơn; nuôi bò sinh sản xã Phong Phú (Đoan Hùng); nuôi lợn thịt xã La Phù, nuôi ếch xã Đào Xá (Thanh Thuỷ)… Điển hình là Hội LHPN huyện Thanh Ba đã vận động được 247 hộ tham gia xây dựng mô hình mới, sau một năm đã có 235 mô hình hiệu quả; Hội LHPN huyện Thanh Thuỷ đầu tư xây dựng 18 mô hình mới trị giá hơn 43,7 triệu đồng…

Để có vốn hỗ trợ cho phụ nữ đầu tư vào phát triển kinh tế, các cấp Hội tiếp tục khai thác các nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội, vốn quốc gia giải quyết việc làm, vốn huy động từ 2.250 tổ, nhóm phụ nữ tiết kiệm... Tính đến ngày 31/12/2008, tổng số vốn đã lên đến 396 tỷ đồng cho 69.356 hộ vay, trong đó trên 90% là hộ nghèo đầu tư vào sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt, làm nghề phụ, kinh doanh, dịch vụ và chế biến nông sản...

Kết hợp cho vay vốn với dạy nghề, Hội LHPN tỉnh đã phối hợp với các ngành, các huyện, thành, thị và Trung tâm giáo dục thường xuyên tỉnh tổ chức được 21 lớp dạy nghề, chủ yếu là đào tạo tại chỗ và dạy các nghề truyền thống phù hợp với nhu cầu người lao động và thực tế của từng địa phương như: dạy nghề trồng trọt, làm vườn ở Phù Ninh; thủ công mỹ nghệ, mây tre đan ở Tam Nông; trồng dâu nuôi tằm ở Việt Trì; chăn nuôi, thú y ở Lâm Thao… Năm 2008, 668 lao động, trong đó đa số là phụ nữ nghèo, phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, gia đình chính sách, các đối tượng chưa có việc làm đã được học nghề… Điển hình mô hình mây giang xiên xã Liên Hoa (Phù Ninh) đã dạy nghề và tạo công ăn việc làm với thu nhập bình quân 1 triệu đồng/tháng cho 30 hội viên.

Ngoài ra, các cấp Hội còn tích cực vận động phụ nữ, cộng đồng giúp hộ nghèo có địa chỉ với chỉ tiêu: mỗi chi, tổ phụ nữ giúp từ 01 địa chỉ trở lên, bằng cách rà soát nắm số hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ, xác định rõ nguyên nhân đói nghèo, từ đó phân công cán bộ, hội viên phụ nữ hướng dẫn các hộ nghèo xây dựng kế hoạch sản xuất, chăn nuôi, phân công lao động hợp lý, giúp vốn, cây, con giống, ngày công, nguyên vật liệu, hướng dẫn kiến thức, kỹ thuật nuôi trồng, kinh doanh,… đến nay, toàn tỉnh đã có 70.096 lượt chị giúp cho 16.923 phụ nữ, tổng trị giá lên đến 7.957 triệu đồng. Trong đó, giúp có địa chỉ cho 6.508/10.848 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ. Kết quả, sau một năm đã có 4.620 hộ đã thoát nghèo đạt 71% so với số hộ được giúp./.

Thúy Nga
Hội LHPN tỉnh Phú Thọ

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video