Hội LHPN tỉnh Hoà Bình đấu tranh phòng, chống tội phạm ma tuý

15/12/2007
Là tỉnh miền núi, cửa ngõ của “vòng cung” ma tuý Tây Bắc nên tình hình tệ nạn xã hội trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác phòng chống tệ nạn xã hội, Hội LHPN tỉnh Ninh Bình đã chú trọng chỉ đạo, thực hiện công tác phòng chống tệ nạn, luôn coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của hoạt động Hội.

 

* Chỉ đạo sát sao

 

Hàng năm, Hội LHPN tỉnh đều căn cứ vào kế hoạch chỉ đạo của Ban chỉ đạo phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội của tỉnh và của TW Hội xây dựng kế hoạch, chương trình hoạt động cụ thể. Chỉ đạo, hướng dẫn Hội LHPN cấp huyện, cơ sở xây dựng kế hoạch phù hợp với tình hình cụ thể ở địa phương; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đấu tranh phòng chống tội phạm; nâng cao trình độ mọi mặt cho phụ nữ, bài trừ các thủ tục lạc hậu, các tệ nạn xã hội...; phối hợp với các ban ngành, đoàn thể đẩy mạnh công tác phòng chống tội phạm.

 

Căn cứ vào địa điểm từng địa bàn, Hội LHPN tỉnh chỉ đạo xây dựng các mô hình điểm như mô hình “địa bàn trong sạch không có tội phạm”, “tổ phụ nữ không có người thân vi phạm pháp luật”, “tổ phụ nữ dân tộc không có người thân nhiễm HIV”... Vận động chị em ký cam kết xây dựng gia đình “4 không” với ma tuý; tổ chức ký giao ước thi đua giữa các huyện Hội....; tổ chức khảo sát, nắm tình hình phạm tội và phụ nữ đi làm ăn xa trên địa bàn tỉnh để nghiên cứu đưa ra giải pháp hoạt động cho phù hợp với tình hình thực tế.

 

Các hoạt động tuyên truyền phòng chống tội phạm của Hội được triển khai lồng ghép trong các hoạt động, gắn với việc triển khai thực hiện cuộc vận động xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư và phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”. Bên cạnh đó, các cấp Hội thực hiện tổng kết, sơ kết, biểu dương kịp thời nhằm khuyến khích động viên tập thể, cá nhân làm tốt công tác phòng chống tội phạm.

 

* Kết quả đạt được

 

Các cấp Hội đã triển khai công tác phòng chống ma tuý đến với gần 94 ngàn lượt hội viên phụ nữ; tổ chức 320 lớp tập huấn cho gần 12 ngàn lượt cán bộ, hội viên; tổ chức 955 cuộc truyền thông nhóm cho trên 30 ngàn lượt hội viên; cung cấp hàng ngàn tài liệu, tờ rơi cho các cấp cơ sở. Truyền thông về phòng chống buôn bán phụ nữ trẻ em (PCBBPNTE) cho 5.641 cán bộ, hội viên; tổ chức 25 cuộc đêm giao lưu PCBBPNTE. Tổ chức 48 đêm giao lưu văn nghệ lồng ghép các nội dung về TNXH, phòng chống ma tuý, mại dâm, HIV/AIDS.

 

Hội LHPN các cấp đã xây dựng được 23 mô hình CLBvới 939 CLB có số thành viên tham gia là 25.744. Trong đó có 63 CLB phòng chống TNXH với 2.318 thành viên, 280 CLB gia đình hạnh phúc có 6.144 thành viên, 38 CLB pháp luật. Bên cạnh đó, các mô hình như: nhóm bạn đồng đẳng, nhóm bạn cùng tiến, nhóm bạn chia sẻ, tổ phụ nữ không có người thân mắc tội phạm, tổ phụ nữ dân tộc không có người thân phạm tội và nhiễm HIV... đã thu hút được nhiều thành viên tham gia.

 

Hoạt động phòng chống ma tuý của Hội cũng đạt được kết quả khả quan. Các cấp Hội đã tư vấn giúp đỡ được 242 đối tượng nghiện ma tuý, vận động được 328 lượt đối tượng nghiện ma tuý đi cai nghiện. Hội còn đứng ra bảo lãnh, tín chấp vay vốn ngân hàng cho gia đình có người nghiện ma tuý đã cai nghiện, cho gái mại dâm hoàn lương phát triển sản xuất. Đã có 33 người sau cai nghiện, 13 gái mại dâm hoàn lương tái hoà nhập, 14 chị bỏ đi làm ăn xa không rõ địa chỉ trở về địa phương được Hội giúp đỡ, cho vay vốn, tạo việc làm.

 

Bên cạnh đó, Hội phụ nữ các cấp đã phát hiện ngăn chặn 11 trường hợp buôn bán phụ nữ trẻ em, tố giác 107 vụ tội phạm, cung cấp 803 nguồn tin cho các ngành chức năng giải quyết. Hội LHPN huyện Lạc Sơn triển khai Đề án “phòng chống say rượu, bia trong gia đình và cộng đồng” có trên 12 ngàn lượt Hội viên tham gia.

 

Được tham gia các CLB, các buổi tuyên truyền của Hội, hội viên phụ nữ đã nâng cao được nhận thức về tác hại, hậu quả của tệ nạn xã hội, tội phạm, tệ nạn ma tuý. Từ đó chị em có ý thức phòng ngừa tội phạm; nâng cao vai trò, trách nhiệm của mình trong gia đình và xã hội; tích cực tham gia, vận động người thân, hàng xóm tham gia phát hiện, tố giác, đấu tranh với các loại tội phạm.

 

* Khó khăn thách thức

 

Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận nhưng hoạt động phòng chống tội phạm của các cấp Hội còn gặp nhiều khó khăn thách thức.

 

Hầu hết các đối tượng sử dụng ma tuý không có công ăn việc làm ổn định, thiếu hiểu biết pháp luật, luôn thay đổi địa bàn, không tham gia sinh hoạt đoàn thể nào nên khó khăn trong việc quản lý, tiếp cận.

 

Nhiều bậc cha mẹ còn tìm cách bao che, dấu diếm những thói hư tật xấu của con cái mình vì muốn giữ thể diện.

 

Nguồn kinh phí, tài liệu dành cho chương trình phòng chống tệ nạn xã hội còn hạn hẹp. Kỹ năng tuyên truyền, vận động của đội ngũ tuyên truyền viên cấp cơ sở còn hạn chế, họ ít được tham gia các lớp tập huấn nâng cao kiến thức.

 

Sự phối hợp của các cấp chính quyền, đoàn thể, ban ngành ở một số địa phương chưa thường xuyên liên tục, nhịp nhành, chưa kiên quyết, thống nhất trong việc đấu tranh phòng chống tội phạm.

 

Tư tưởng phân biệt đối xử, coi thường, né tránh các đối tượng nghiện ma tuý, sau cai, người nhiễm HIV, người phạm tội... còn tồn tại trong cộng đồng. Việc quản lý, giáo dục, giúp đỡ các đối tượng phạm tội chưa được quan tâm thường xuyên, tỷ lệ tái phạm tội còn cao.

Trung tâm Thông tin

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video