Hội LHPN tỉnh Hà Nam và Đắk Lắk thực hiện nhiệm vụ giám sát với chính quyền địa phương

07/07/2022
- Hội LHPN tỉnh Hà Nam giám sát thực hiện Luật Người khuyết tật
- Hội LHPN tỉnh Đắk Lắk: Giám sát việc thực hiện Luật Bình đẳng giới
Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Trần Thị Minh Nguyệt phát biểu tại hội nghị giám sát

- Hội LHPN tỉnh Hà Nam giám sát thực hiện Luật Người khuyết tật

Hội LHPN tỉnh Hà Nam vừa tổ chức đoàn giám sát về trách nhiệm của UBND các cấp trong việc triển khai, thực hiện Luật Người khuyết tật tại huyện Thanh Liêm.

Tham gia đoàn giám sát có đại diện Ban Văn hóa - xã hội Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban MTTQ, Sở Y tế, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Hội Người khuyết tật, các đồng chí trưởng, phó phòng, ban chuyên môn Ban Dân vận Tỉnh ủy, Hội LHPN tỉnh.

Hoạt động giám sát tập trung đánh giá kết quả thực hiện Luật Người khuyết tật tại địa phương (giai đoạn 2020 - 2022); những hạn chế, bất cập, vướng mắc trong triển khai thực hiện, qua đó kiến nghị biện pháp thực hiện hiệu quả, đề xuất sửa đổi, bổ sung chính sách và các vấn đề liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khuyết tật.

Các đại biểu dự hội nghị

Ghi nhận những kết quả tích cực của UBND huyện Thanh Liêm về thực hiện các nội dung: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ người khuyết tật; Việc triển khai tổ chức thực hiện các kế hoạch, chương trình, mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể về hỗ trợ người khuyết tật; Kết quả thực hiện công tác quản lý nhà nước về thực hiện Luật Người khuyết tật: Việc lồng ghép công tác người khuyết tật vào kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội của địa phương; Công tác bố trí và vận động nguồn lực để hỗ trợ, chăm sóc người khuyết tật; việc bảo đảm các điều kiện để người khuyết tật thực hiện quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của mình; tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân tham gia hỗ trợ người khuyết tật; Công tác phối hợp của UBND xã, phường, thị trấn và các ban, ngành, đoàn thể, đơn vị trực thuộc liên quan; Công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện Luật Người khuyết tật.

Đoàn giám sát cũng đề nghị UBND huyện Thanh Liêm tăng cường lãnh đạo các phòng chuyên môn, UBND các xã, thị trấn, phối hợp chặt chẽ với MTTQ và đoàn thể chính trị xã hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức và nhân dân trong thực hiện chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về trợ giúp người khuyết tật; Huy động nguồn lực tổ chức thực hiện có hiệu quả chương trình trợ giúp người khuyết tật; tạo điều kiện, cơ hội bình đẳng cho người khuyết tật trong tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, kịp thời động viên, khuyến khích người khuyết tật có khả năng học tập, lao động khắc phục khó khăn, vươn lên sống độc lập, hoà nhập xã hội, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội và giúp đỡ người khuyết tật khác.

- Hội LHPN tỉnh Đắk Lắk: Giám sát việc thực hiện Luật Bình đẳng giới

Hội LHPN tỉnh Đắk Lắk phối hợp các ngành liên quan thành lập đoàn giám sát việc thực hiện Điều 28, Luật Bình đẳng giới đối với UBND các huyện, thị xã, TP Buôn Ma Thuột (Giám sát trực tiếp tại UBND 3 huyện Ea HLeo, Krông Năng và Ea Sup, giám sát gián tiếp đối với UBND 12 đơn vị còn lại).

Giám sát tại huyện Ea Sup

Kết quả giám sát cho thấy, thời gian qua, các đơn vị được giám sát đã tập trung công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về bình đẳng giới đạt hiệu quả trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, lao động - việc làm, giáo dục - đào tạo, y tế, khoa học công nghệ, văn hóa thông tin, thể thao, gia đình; nhận thức của cán bộ, đảng viên và người dân trên địa bàn huyện được nâng lên rõ rệt; các vụ bạo lực gia đình giảm đáng kể; Hội Liên hiệp Phụ nữ với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các ngành, đoàn thể liên quan trên địa bàn huyện đã có sự phối hợp tương đối chặt chẽ trong công tác tuyên truyền, vận động thực hiện công tác bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực gia đình tại địa phương.

Bên cạnh đó, đoàn giám sát cũng nhận thấy, hiện nay, đa số ở cơ sở cán bộ làm công tác bình đẳng giới còn kiệm nhiệm nên gặp nhiều khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ; tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy còn thấp so yêu cầu đề ra; nhận thức về bình đẳng giới của người dân vẫn còn hạn chế; phụ nữ, nhất là phụ nữ dân tộc thiểu số vẫn còn tự ti, chưa mạnh dạn tham gia vào các công tác xã hội, chính trị; trình độ dân trí không đồng đều nên công tác tuyên truyền còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Từ kết quả giám sát, Đoàn giám sát đề nghị các đơn vị cần có giải pháp cụ thể thúc đẩy thực hiện bình đẳng giới, tập trung củng cố, kiện toàn Ban vì sự tiến bộ phụ nữ huyện, đồng thời xây dựng kế hoạch hoạt động của Ban vì sự tiến bộ phụ nữ trong giai đoạn tiếp theo.

Chu Thoa, Hgluinnie

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video