Hội LHPN Sóc Trăng tổ chức 12 cuộc giám sát về “Hỗ trợ, can thiệp đối với trường hợp trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt”

30/09/2020
Trong 9 tháng năm 2020, các cấp Hội LHPN tỉnh Sóc Trăng đã tổ chức 12 cuộc giám sát về “Hỗ trợ, can thiệp đối với trường hợp trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt” tại Chương III, Nghị định Số: 56/2017/NĐ-CP của Chính phủ ngày 9/5/2017 “Quy định chi tiết một số điều của Luật trẻ em” tại 11 UBND xã/phường/thị trấn.
Hội LHPN tỉnh Sóc Trăng tổ chức khảo sát thực tế về công tác bảo vệ trẻ em

Hoạt động giám sát được thực hiện theo đúng quy trình: thành lập đoàn giám sát, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên, tổ chức hội nghị giám sát tại địa bàn xã/phường/thị trấn được chọn; xây dựng báo cáo giám sát, phản biện xã hội gửi Hội cấp trên, ngành chức năng, đơn vị được giám sát và đề xuất, kiến nghị những giải pháp thực hiện trong công tác phòng chống xâm hại trẻ em trên địa bàn.

Trong đó, Hội LHPN tỉnh đã giám sát UBND xã Thạnh Phú, huyện Mỹ Xuyên thông qua các hoạt động khảo sát, thu thập thông tin (bằng phiếu hỏi - gần 200 phiếu) đối với hội viên, phụ nữ, người dân, người có trách nhiệm trong công tác bảo vệ trẻ em trên địa bàn xã; thăm 02 hộ có trẻ em gái bị xâm hại trên địa bàn nhằm bổ sung, hoàn chỉnh báo cáo giám sát và đề xuất, kiến nghị giải pháp phòng ngừa sát với tình hình thực tế địa phương.

Qua giám sát cho thấy, công tác hỗ trợ nạn nhân trên địa bạn xã Thạnh Phú sau khi xảy ra vụ việc (mục 3. NĐ 56/2017NĐ-CP) và công tác tiếp nhận, xử lý thông tin, thông báo, tố giác hành vi xâm hại trẻ em (mục 2. NĐ 56/2017) đã được các đơn vị thực hiện chặt chẽ, đúng quy trình, các vụ việc được nhanh chóng xử lý đúng người, đúng tội. Tuy nhiên, một vài nơi còn lúng túng trong việc thực hiện quy trình và các thủ tục hỗ trợ cho nạn nhân, một số vụ việc xâm hại trẻ em ngành chức năng giải quyết còn chậm do cán bộ  lãnh đạo địa phương và cán bộ phụ trách trẻ em thay đổi nên chưa tiếp cận kịp thời các văn bản hướng dẫn. Đoàn giám sát đã trao đổi/gợi ý các giải pháp tháo gỡ trong thời gian tới.

Các cuộc giám sát đã thể hiện rõ nét vai trò, trách nhiệm của tổ chức Hội trong giám sát thực thi pháp luật tại địa phương; góp phần thực hiện 90 phần việc đảm bảo an toàn cho phụ nữ và trẻ em năm 2020;  đề ra các giải pháp thiết thực nhằm đảm bảo quyn và lợi ích chính đáng của phụ nữ, trẻ em.

Dịp này, Hội LHPN tỉnh Sóc Trăng cũng đã tổ chức được 22 cuộc nói chuyện chuyên đề phòng chống xâm hại phụ nữ, trẻ em cho  trên 1.200 hội viên, phụ nữ và học sinh trên địa bàn 11 huyện, thị xã thành phố và 11 điểm Trường Trung học cơ sở và Trường THCS Dân tộc Nội trú tham gia.

Qua các buổi nói chuyện đã tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức của hội viên, phụ nữ và các em về kiến thức pháp luật được quy định trong Luật Phòng chống bạo lực gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Trẻ em, Luật Phòng chống mua bán người...

Cũng qua các buổi nói chuyện, Hội đã giới thiệu về hoạt động của các Câu lạc bộ hỗ trợ phụ nữ có nguy cơ bị ép kết hôn với người nước ngoài, Trung tâm Tư vấn Hôn nhân và Gia đình của Hội LHPN tỉnh, các địa chỉ tin cậy tại cộng đồng, các CLB phòng chống xâm hại PN-TE do các cấp Hội thành lập/phối hợp thành lập, các đường dây nóng tư vấn, hỗ trợ, can thiệp PNTE bị xâm hại...(0377.672.444) và  giới thiệu kỹ năng an toàn cho phụ nữ và trẻ em trong gia đình: phòng chống bạo lực gia đình, xâm hại phụ nữ, trẻ em; phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống...; an toàn cho phụ nữ và trẻ em nơi cộng cộng, trong trường học, an toàn trên không gian mạng xã hội...

Nguyễn Thị Diện

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video