Học làm bạn với con

27/11/2011
Làm thế nào để có thể trở thành cha mẹ tốt, một “người bạn” tin cậy để con cái có thể gần gũi, tâm sự, sẻ chia những vấn đề khó khăn, vướng mắc trong cuộc sống không phải là điều dễ dàng. Xuất phát từ thực tế này, các mô hình CLB xây dựng hạnh phúc của các cấp Hội LHPN ra đời…

Chị Đào Thị Nhung, Chủ nhiệm CLB Mẹ và con gái ở khu phố 2 (phường Phú Lâm, TP Tuy Hòa) nói rằng, một trong những lý do mà 30 bà mẹ có các con gái đa phần ở lứa tuổi 12-18 trong khu phố tham gia CLB là họ muốn trang bị cho bản thân những kỹ năng để có thể hiểu và tiếp cận con gái mình một cách tốt hơn. Phần lớn, họ là những phụ nữ chỉ làm công việc nội trợ trong gia đình, ít có điều kiện tiếp cận các kênh thông tin nuôi dạy con cái, hiểu biết về giới tính, về sức khỏe sinh sản còn hạn chế nên “ngại” hoặc không biết cách trò chuyện với con về những vấn đề nhạy cảm. Vì thế, CLB Mẹ và con gái ra đời không ngoài mục đích nâng cao nhận thức và kỹ năng tạo sự gắn kết giữa mẹ và con gái.

 

Chị Huỳnh Thị Tuyết Nga, một thành viên trong CLB cho biết từ ngày tham gia CLB chị biết thêm nhiều kiến thức nuôi dạy con cũng như nắm bắt những thay đổi giới tính, tâm sinh lý của con gái ở lứa tuổi dậy thì. Chị Nga có hai cô con gái là Võ Huỳnh Bích Diễm đang học lớp 11 Trường THPT Ngô Gia Tự và Võ Huỳnh Bích Vân, học lớp 9 Trường THCS Nguyễn Thị Định. Cả hai đều chăm ngoan, học giỏi và vâng lời ba mẹ. Hai cô con gái đều xem mẹ như một người bạn thân của mình. Gặp những vấn đề vướng mắc trong công việc học tập, hay bạn bè cả hai đều sẵn lòng chia sẻ với mẹ. Tham gia vào CLB, chị được học bài học về sự kiên nhẫn lắng nghe con cái, học cách chia sẻ, động viên con vượt qua những khó khăn, trở ngại trong cuộc sống. “Thay vì cho mình có quyền áp đặt suy nghĩ của người lớn vào con trẻ, thì mình gần gũi, lắng nghe, chia sẻ, làm bạn với con - Bí quyết đơn giản nhưng không phải cha mẹ nào cũng thực hiện tốt”, chị Nga thổ lộ.

 

Nhiều người trong khu phố thấy chị Nga sinh con một bề nên “xúi” chị sinh thêm một cậu con trai để nối dõi tông đường. Chị Nga thổ lộ: “Kinh tế gia đình vợ chồng tôi không khá giả gì. Ông xã thì làm nghề lái xe thuê cho người ta, một tháng thu nhập chỉ trên dưới 3 triệu đồng, còn tôi làm nghề thợ may thu nhập bấp bênh. Vợ chồng tôi nghĩ, trai hay gái cũng đều đáng quý, miễn sao mình nuôi dạy chúng nên người là vui rồi”.

 

Suy nghĩ này không riêng gì chị Nga mà các bà mẹ sinh hoạt trong CLB cũng đều có quan niệm không nặng lòng phải có bằng được con trai để nối dõi tông đường như một số phụ nữ khác. Quan trọng nhất là cách xây dựng và tạo lập một tương lai hạnh phúc cho con sau này.

 

Chị Nhung cho biết: “Từ kiến thức thu nhận được thông qua tài liệu của Hội Phụ nữ, DS-GĐ-TE, ban chủ nhiệm đã vận dụng linh hoạt vào việc tổ chức sinh hoạt, tránh khô cứng, gò bó để mang lại hiệu quả cao trong công tác truyền thông nâng cao nhận thức, kỹ năng cho chị em trò chuyện cởi mở với con mình. Điều này còn giúp các em gái có thể tự tin hơn trong cuộc sống.

 

Theo bà Đỗ Thị Phương Nam, Trưởng ban Gia đình xã hội của Hội LHPN tỉnh, việc hỗ trợ các tầng lớp phụ nữ xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc phấn đấu làm tốt thiên chức người vợ, người mẹ nhằm phát huy và giữ gìn truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam, luôn được các cấp Hội xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Thời gian qua, công tác tuyên truyền giáo dục xây dựng gia đình theo 4 tiêu chí “no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc” luôn được các cấp Hội LHPN hết sức chú trọng. 100% cơ sở Hội tổ chức phổ biến, quán triệt và phát động cán bộ, hội viên phụ nữ đăng ký xây dựng gia đình theo 4 tiêu chí đó. Các cấp Hội còn chỉ đạo lồng ghép trong việc triển khai, thực hiện phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Những mô hình xây dựng gia đình của các cấp Hội được chú trọng đầu tư phát triển và nhân rộng như các CLB “Gia đình 5 không, 3 sạch”, “Gia đình hạnh phúc”, “Mẹ và con gái”, “Chăm sóc sức khỏe vị thành niên”, “Mái nhà an toàn”… Thông qua những mô hình này, các cấp Hội lồng ghép tư vấn, hỗ trợ kiến thức hôn nhân gia đình, nâng cao kiến thức, kỹ năng và nuôi dạy con theo phương pháp khoa học. Việc đẩy mạnh công tác hướng dẫn, giáo dục hội viên, phụ nữ thực hiện luật pháp, chính sách liên quan đến gia đình như: Luật Hôn nhân gia đình, Luật Bình đẳng giới, Pháp lệnh dân số… cũng được các cấp Hội quan tâm. Từ năm 2006 đến nay, các cấp Hội đã tích cực truyền thông nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng về tổ chức cuộc sống gia đình, chăm sóc sức khỏe, DS-KHHGĐ, nuôi dạy con, phòng chống dịch bệnh… cho 456.347 lượt hội viên, phụ nữ. Thời gian tới, Hội LHPN tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên phụ nữ, nhất là các vấn đề liên quan trực tiếp đến phụ nữ và trẻ em. Các mô hình CLB xây dựng gia đình hạnh phúc, cha mẹ với việc chăm sóc sức khỏe vị thành niên, mẹ và con gái… được nhân rộng, góp phần thực hiện bình đẳng giới, phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội từ trong gia đình, đảm bảo sự bền vững của gia đình trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước.

Bao Phu Yên

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video