Hòa bình, an ninh là nhu cầu, khát vọng của phụ nữ

16/08/2022
Đây là một trong những nội dung quan trọng được Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Trần Lan Phương nhấn mạnh tại Diễn đàn “Thúc đẩy chương trình nghị sự phụ nữ, hòa bình và an ninh: Vai trò của các tổ chức phụ nữ” được Hội LHPN Việt Nam tổ chức tại Hà Nội, sáng 16/8.
Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam phát biểu tại Diễn đàn sáng 16/8

Trải qua những thăng trầm trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, phụ nữ Việt Nam luôn trân trọng giá trị của hòa bình và có nhiều đóng góp tích cực cho mục tiêu hòa bình, an ninh của đất nước. “Hội LHPN Việt Nam từ khi thành lập vào năm 1930 đã phát huy vai trò dẫn dắt phong trào phụ nữ Việt Nam trên mọi lĩnh vực, trong đó có hòa bình và an ninh”, Phó Chủ tịch Trần Lan Phương khẳng định.

Trong thời chiến, Hội đã tích cực vận động phụ nữ tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thông qua nhiều sáng kiến khác có sức lan tỏa rộng lớn trong xã hội mà điển hình là việc phát động phong trào “Phụ nữ 3 đảm đang” (đảm đang trong sản xuất, công tác; trong cuộc sống gia đình; trong phục vụ chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu khi cần thiết); qua đó đóng góp không nhỏ vào mục tiêu giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước.

Khi hòa bình lập lại, các cấp Hội LHPN Việt Nam lại động viên phụ nữ tích cực tham gia khắc phục hậu quả chiến tranh (khắc phục hậu quả bom mìn; hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam, giúp đỡ các gia đình thương binh liệt sỹ, gia đình chính sách, người có công...). Bằng những hoạt động rất cụ thể và thiết thực, Hội đã góp phần quan trọng vào việc hàn gắn và làm dịu những vết thương do chiến tranh để lại cả về thể chất lẫn tinh thần.

Khi hòa bình lập lại, Hội LHPN Việt Nam lại động viên phụ nữ tích cực tham gia khắc phục hậu quả chiến tranh

Tại chương trình, Phó Chủ tịch Trần Lan Phương đã chia sẻ một số hoạt động của Hội LHPN Việt Nam chú trọng tăng cường vai trò trong việc thúc đẩy Chương trình Nghị sự Phụ nữ, Hòa bình, An ninh:

Một là, Hội đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, giáo dục truyền thống, hướng tới xây dựng người phụ nữ phát triển toàn diện, phụ nữ thời đại mới có đạo đức, có tri thức, có sức khoẻ, có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội. Qua đó, góp phần giúp chị em phụ nữ cùng với gia đình và cộng đồng nâng cao ý thức chấp hành pháp luật.

Hai là, Hội đã khởi xướng, vận động xã hội thực hiện chủ đề “An toàn cho phụ nữ và trẻ em”, góp phần xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh. Nhiều mô hình đã phát huy hiệu quả phối hợp liên ngành như “Ngôi nhà Bình yên”, “Tham vấn học đường”, “Làng quê an toàn”, “Tuyến phố an toàn”, “Địa chỉ tin cậy ở cộng đồng”… Các chiến dịch truyền thông về phòng chống mua bán người, tổ chức Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới đã thu hút đông đảo nam giới và cộng đồng tham gia.

Chương trình "Mẹ đỡ đầu": hỗ trợ đỡ đầu cho 10.937 trẻ mồ côi, kinh phí gần 1,9 triệu USD (43 tỷ đồng)

Ba là, trước ảnh hưởng nghiêm trọng của thiên tai và đại dịch Covid-19, các cấp Hội, nhất là cấp Hội cơ sở đã nỗ lực vượt khó, chủ động quan tâm chăm lo sức khoẻ và đời sống cho hội viên, phụ nữ và trẻ em. Nhiều chương trình thiết thực đã được triển khai thực hiện như: Chương trình “Triệu phần quà san sẻ yêu thương”, “Mẹ đỡ đầu”, “Kiên cường Việt Nam”… Kết quả, Chương trình “Triệu phần quà san sẻ yêu thương” vận động đạt gần 13 triệu USD (298 tỷ đồng), tương đương 992.500 phần quà; với Chương trình “Mẹ đỡ đầu”, các cấp Hội đã vận động, kết nối, hỗ trợ đỡ đầu cho 10.937 trẻ mồ côi có hoàn cảnh khó khăn, trong đó có hơn 2.000 trẻ mồ côi do đại dịch covid-19 với tổng kinh phí vận động được gần 1,9 triệu USD (43 tỷ đồng).

Bốn là, các hoạt động xã hội, từ thiện, “đền ơn, đáp nghĩa”, hậu phương – quân đội, hướng về biên giới, hải đảo khó khăn tiếp tục được khơi dậy mạnh mẽ. Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” do Hội khởi xướng đã khẳng định vai trò kết nối của Hội trong các chương trình an sinh xã hội và bảo vệ chủ quyền biên giới và hải đảo, đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của hội viên, phụ nữ và sự ủng hộ mạnh mẽ của cộng đồng.

Chương trình "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương" do Hội khởi xướng đã khẳng định vai trò kết nối của Hội trong các chương trình an sinh xã hội và bảo vệ chủ quyền biên giới và hải đảo

Năm là, công tác vận động, hỗ trợ phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp, phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường cũng được Hội LHPN VN quan tâm thực hiện. Hội đã đề xuất thành công lồng ghép giới vào các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, cũng như chủ trì thực hiện một số đề án của Chính phủ nhằm giúp phụ nữ nâng cao quyền năng. Hội cũng đã triển khai nhiều hoạt động để góp phần nâng cao nhận thức cho phụ nữ về bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, tạo ra sự thay đổi trong ý thức, trách nhiệm đối với môi trường như: phát động phong trào chống rác thải nhựa, phân loại rác thải, trồng cây xanh, hình thành các con đường hoa…

Sáu là, Hội LHPN Việt Nam tích cực tham gia xây dựng, giám sát, phản biện xã hội các văn bản pháp luật, chính sách liên quan tới phụ nữ và bình đẳng giới, trong đó có lĩnh vực đối ngoại và hoà bình, an ninh như: Luật bình đẳng giới, Luật phòng chống bạo lực gia đình, Luật phòng chống mua bán người.

Hội cũng đã chủ động triển khai các hoạt động trong các lĩnh vực mới như hội nhập quốc tế, gìn giữ hòa bình LHQ. Tháng 1/2021, TW Hội LHPN Việt Nam đã ban hành Nghị quyết về hỗ trợ phụ nữ hội nhập quốc tế đến năm 2030 với các giải pháp thúc đẩy sự tham gia đóng góp của phụ nữ trên các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực an ninh, quốc phòng, đối ngoại.

Bảy là, với bạn bè quốc tế, Hội LHPN Việt Nam luôn hướng tới mục tiêu xây dựng tình đoàn kết, sự hiểu biết giữa các dân tộc. Phát triển quan hệ hữu nghị hợp tác với các tổ chức phụ nữ và đối tác tại nhiều nước và vùng lãnh thổ. Hội LHPN Việt Nam đã có nhiều sáng kiến chia sẻ kinh nghiệm và tích cực tham gia lên tiếng thúc đẩy các vấn đề về hòa bình, an ninh và phát triển bền vững; tổ chức các diễn đàn song phương và đa phương; tích cực triển khai thực hiện và tham gia rà soát quốc gia việc thực thi các cam kết quốc tế liên quan tới phụ nữ, bình đẳng giới, nhân quyền và phát triển mà Việt Nam tham gia.

Lãnh đạo Hội Phụ nữ Campuchia vì Hoà bình và Phát triển thăm mô hình trồng tiêu tại Phú Quốc

Trong thời gian tới, Hội LHPN Việt Nam mong muốn được tiếp tục trao đổi kinh nghiệm và đồng hành cùng với các cơ quan, tổ chức trong nước và quốc tế để thực thi hiệu quả các hoạt động, sáng kiến, nhằm tăng cường vai trò cũng như sự tham gia thiết thực, hiệu quả của phụ nữ trong xây dựng và củng cố hòa bình, góp phần thúc đẩy chương trình nghị sự về Phụ nữ, Hoà bình và An ninh. Tập trung một số đề xuất sau:

1. Thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa việc xây dựng nền văn hóa hòa bình, trong đó chú trọng tới việc xây dựng nhận thức, thái độ và hành vi quý trọng hòa bình, phê phán và loại bỏ bạo lực, giải quyết các tranh chấp trong xã hội và gia đình trên cơ sở pháp quyền và tôn trọng lẫn nhau, đề cao lối sống nhân văn và văn minh. Phát huy vai trò của phụ nữ trong giáo dục, kiến tạo văn hóa hòa bình; đẩy mạnh nội hàm vận động xã hội thực hiện bình đẳng giới, phòng chống bạo lực trong gia đình, xã hội.

2. Tuyên truyền nâng cao nhận thức về vấn đề phụ nữ, hòa bình và an ninh theo nghĩa rộng, không chỉ ở khía cạnh an ninh truyền thống mà cả ở khía cạnh phi truyền thống như biến đổi khí hậu, dịch bệnh, an ninh, an toàn trên không gian mạng để huy động sự chung tay trong các nỗ lực ứng phó.

3. Tăng cường ghi nhận và nâng cao hiệu quả sự đóng góp của phụ nữ đối với hòa bình, an ninh ở các cấp độ: quốc gia, khu vực và quốc tế. Tiếp tục thúc đẩy vấn đề phụ nữ trong các chương trình nghị sự khu vực và quốc tế. Tăng cường huy động nguồn lực và ứng dụng công nghệ thông tin cho các sáng kiến về phụ nữ, hòa bình và an ninh.

4. Tăng cường chia sẻ kinh nghiệm, sáng kiến quốc tế về thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững, trong đó có các vấn đề về phụ nữ, hòa bình và an ninh.

5. Phát huy hơn nữa vai trò của phụ nữ trong đối ngoại, giao lưu nhân dân, hội nhập quốc tế, cụ thể như: tăng cường sự hiện diện của phụ nữ trong các cơ quan đại diện ngoại giao, các lực lượng làm đối ngoại của quốc gia cũng như các tổ chức khu vực và quốc tế.

Phó Chủ tịch Trần Lan Phương cho rằng: "Hòa bình, an ninh là nhu cầu, khát vọng của phụ nữ"

Hòa bình, an ninh là nhu cầu, khát vọng của phụ nữ, do đó việc thực hiện Chương trình Nghị sự PNHBAN sẽ đóng góp vào sự phát triển của các quốc gia, vùng lãnh thổ và thế giới nói chung. “Như thông điệp đã được đưa ra trong phóng sự trình chiếu tại Diễn đàn “Không có gì liên quan đến phụ nữ mà có thể thiếu vai trò của phụ nữ”, Hội LHPN Việt Nam cam kết tiếp tục tích cực thực thi các hoạt động hiệu quả nhằm góp phần thúc đẩy việc thực hiện Chương trình Nghị sự về PNHBAN”, Phó Chủ tịch Trần Lan Phương khẳng định.

Minh Trang

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video