Hỗ trợ sinh kế cho phụ nữ dân tộc thiểu số bằng nông nghiệp sạch

13/10/2020
Dự án “Hỗ trợ sinh kế cho phụ nữ bằng nông nghiệp sạch, đặc biệt là phụ nữ các tỉnh vùng đồng bào dân tộc thiểu số và xây dựng cộng đồng phụ nữ tiêu dùng tại Việt Nam” mặc dù mới được triển khai từ tháng 6/2020 nhưng đã tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập, giúp nhiều chị em phát huy được vai trò mình trong gia đình.
Phụ nữ tham gia tập huấn

Được thực hiện tại 5 tỉnh/thành phố trong cả nước (Hà Nội, Bắc Ninh, Hòa Bình, Điện Biên, Sơn La), Dự án là chương trình thực hiện thỏa thuận của Ban dân tộc, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Cộng đồng Nông Nghiệp Sạch - CT CP Nông Nghiệp Sạch để thực hiện Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Chươngtrình có sự tham gia của Hội LHPN Việt Nam, Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản & Thủy sản – Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn và Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam. Mục tiêu của dự án là nhằm vận động đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện các giải pháp về môi trường và an toàn thực phẩm; kiểm soát an toàn thực phẩm tại cơ sở kinh doanh thực phẩm.

Sau gần 4 tháng triển khai, chương trình đã đào tạo - tập huấn cho gần 400 học viên là cán bộ Mặt trận, ban dân tộc cơ sở, hội viên Hội Liên hiệp phụ nữ, đại diện các cơ sở kinh doanh thực phẩm sạch tại các tỉnh, thành phố tham gia dự án. Trong đó, đối tượng chủ yếu là phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số. Chương trình cũng đã phát động phong trào tiêu dùng nông nghiệp sạch và xây dựng cộng đồng phụ nữ tiêu dùng; tổ chức kết nối, cung cấp thông tin, mở rộng đầu ra, tạo liên kết, hỗ trợ xúc tiến thương mại các sản phẩm nông nghiệp sạch trong địa bàn của dự án. Nhiều sản phẩm tiêu biểu của các tỉnh, thành phố được trưng bày, giới thiệu tại hệ thống chuỗi shop nông nghiệp sạch và hội chợ nông nghiệp sạch.

Những trái ngọt đầu tiên

Tại Bắc Ninh, một số mô hình mẫu về ứng dụng phương pháp vi sinh bản địa và men rượu truyền thống trong sản xuất nông nghiệp sạch được triển khai. Chị em phụ nữ được hướng dẫn cách biến rác thải hữu cơ nhà thành phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.... Mô hình hay được chị em vận dụng là con đường rác và rau, rác và hoa, rác và dược liệu.

Các chương trình giới thiệu sản phẩm được tổ chức giúp chị em giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm

Chuỗi cửa hàng sạch cũng đang được hình thành và phát triển. Hà Nội đang phát triển lên 15 điểm bán; Bắc Ninh chuẩn bị mở 2 điểm bán; các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên sẽ có ít nhất 1 điểm bán.

Từ những nỗ lực trên, chương trình đã hỗ trợ, tạo sinh kế cho phụ nữ bằng nông nghiệp sạch, chung tay cùng cộng đồng thực hiện các giải pháp về môi trường và an toàn thực phẩm.

Kết quả bước đầu đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, giữ gìn bảo tồn các giá trị văn hóa trong nông nghiệp của địa bàn triển khai dự án.

Từ đó, nhận thức, tư duy về bảo vệ môi trường – vệ sinh an toàn thực phẩm được nâng cao. Năng lực sản xuất và tiêu thụ nông nghiệp sạch được tăng lên. Hội viên phụ nữ phát huy được vai trò của phụ nữ trong mỗi một gia đình, tích cực tham gia sản xuất và tiêu thụ nông nghiệp sạch, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập...

PNVN

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video