Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường

12/03/2021
- Quảng Ngãi: Vì một môi trường sống xanh, sạch, đep
- Quảng Bình: Lan tỏa mô hình “Đường hoa nông thôn kiểu mẫu” tới đông đảo hội viên phụ nữ
- Sơn La: Hiệu quả từ mô hình cấy lúa hiệu ứng hàng biên - kết hợp phân dúi nhả chậm
Các cấp hội phụ nữ Bình Sơn phát động chị em hưởng ứng phong trào “Chống rác thải nhựa”

- Quảng Ngãi: Vì một môi trường sống xanh, sạch, đep

Thực hiện Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” gắn với xây dựng nông thôn mới, trong 2 năm qua, các cấp hội phụ nữ huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi đã tổ chức, lồng ghép được 239 buổi tuyên truyền, có trên 13.000 lượt hội viên, phụ nữ tham dự. 100 % Hội cơ sở ra quân dọn vệ sinh môi trường 205 đợt, có hơn 7.000 lượt chị tham gia, thu gom, xử lý trên 100 tấn rác thải. Các chị em phụ nữ đã sử dụng giỏ nhựa, hộp đựng thức ăn, lá chuối gói thực phẩm khi đi chợ. Hội LHPN các cấp trong huyện đã cấp 8.764 giỏ nhựa, trên 6.900 hộp nhựa, 118 chai thủy tinh, 1.426 cà mèn và 500 túi xách thân thiện với môi trường. Tiếp tục phát huy vai trò của các tổ, câu lạc bộ “Thu gom phế liệu”, “Phụ nữ bảo vệ môi trường”, “Phụ nữ nói không với túi ni lon khi đi chợ”…

Mô hình phân loại và xử lý rác tại nhà được chị em phụ nữ hưởng ứng tích cực, nhiều gia đình hội viên đã tự đào hố rác, tự phân loại rác thải nhựa, túi ni lông, rác hữu cơ, thủy tinh... đối với rác hữu cơ các chị đem đổ vào hố rác để phân hủy thành phân hữu cơ bón cho cây trồng. Đến nay, nhiều điểm nóng về môi trường đầy rác nay đã được thay thế bằng tuyến đường hoa, nhiều chuồng trại trong khu dân cư được di rời ra xa có hố chứa xử lý rác thải, hội phụ nữ huyện hướng chị em đến các hoạt động sản suất, tiêu dùng sạch...

Với những đóng góp của cán bộ, hội viên phụ nữ vào công tác bảo vệ môi trường (giai đoạn 2019 – 2020), Hội LHPN huyện Bình Sơn là 01 trong 03 tập thể (cùng với Công Ty Dossan Vina và Công ty cổ phần dịch vụ dầu khí Quảng Ngãi) và 02 cá nhân vinh dự nhận “Giải thưởng môi trường” do UBND tỉnh Quảng Ngãi trao tặng.

- Quảng Bình: Lan tỏa mô hình “Đường hoa nông thôn kiểu mẫu” tới đông đảo hội viên phụ nữ

Hưởng ứng đợt thi đua đặc biệt “90 hành động thiết thực vì phụ nữ và trẻ em”, thời gian qua các cấp Hội trên địa bàn huyện Quảng Trạch đã triển khai nhiều hoạt động có ý nghĩa thiết thực, thu hút đông đảo cán bộ, hội viên, phụ nữ tham gia. Trong đó, nổi bật là việc đẩy mạnh thực hiện mô hình “Đường hoa nông thôn kiểu mẫu”, góp phần làm đẹp cảnh quan đường làng, ngõ xóm và dần thay đổi được nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường.

Mô hình “Đường hoa nông thôn kiểu mẫu” của phụ nữ Quảng Trạch góp phần làm đẹp cảnh quan đường làng, ngõ xóm và thay đổi nhận thức của chị em trong việc bảo vệ môi trường

Để mô hình hoạt động có hiệu quả, Hội đã chỉ đạo các cơ sở thực hiện đường hoa có độ dài ít nhất 200 mét/đoạn, với chỉ tiêu phấn đấu mỗi cơ sở Hội xây dựng ít nhất 01 đường hoa kiểu mẫu. Sau khi phát động, hầu hết chị em đều hưởng ứng nhiệt tình, chủ động trồng hoa ở các đoạn đường, ngõ xóm góp phần làm thay đổi nhận thức của người dân về vấn đề vệ sinh môi trường, ý thức làm đẹp cảnh quan thôn, xóm được nâng lên rõ nét, giảm tình trạng vứt rác bừa bãi. Ban đầu triển khai mô hình gặp nhiều khó khăn do chị em chưa nhiệt tình ủng hộ và cho rằng dọc hai bên tuyến đường cỏ mọc nhiều gây khó khăn cho việc cải tạo và chăm sóc đất để trồng hoa. Trước tình hình đó, Hội đã chọn một chi hội làm mô hình điểm và vận động chị em cùng tham gia trồng và chăm sóc hoa, dần dần thu hút được sự tham gia của đông đảo cán bộ hội viên trên địa bàn.

Đến nay, nhiều xã đã làm tốt và duy trì các tuyến đường hoa đẹp thường xuyên, các cấp Hội đã hoàn thành xây dựng mới và chăm sóc 38 tuyến đường hoa, vượt chỉ tiêu đề ra; hơn 50% hộ gia đình thực hiện tiêu chí “Trước ngõ mỗi nhà là một đoạn đường hoa”, trong đó có 15km tuyến đường hoa của 11 xã được chọn tham dự Cuộc thi “Tuyến đường hoa kiểu mẫu- Ảnh đẹp Online” năm 2020 do Hội LHPN tỉnh phát động.

- Sơn La: Hiệu quả từ mô hình cấy lúa hiệu ứng hàng biên - kết hợp phân dúi nhả chậm

Nhằm hỗ trợ hội viên phụ nữ nâng cao năng suất cây trồng, góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Hội LHPN xã Chiềng Khoi, huyện Yên Châu đã cử cán bộ tham gia học tập kinh nghiệm mô hình “Cấy lúa hiệu ứng hàng biên” cùng đoàn công tác của Hội phụ nữ huyện tại huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ từ năm 2018.

Mô hình “Cấy lúa hiệu ứng hàng biên” giúp tăng năng suất và cho chất lượng lúa cao 

Qua các năm triển khai làm điểm và so sánh, cấy lúa hàng biên có ưu điểm vượt trội nếu thực hiện và chăm sóc đúng kỹ thuật; phát huy tối đa hiệu ứng của lúa hàng biên là tận dụng ánh sáng chiếu trực tiếp vào gốc, thân, lá của lúa để kích thích lúa đẻ nhánh sớm, khỏe, hạn chế được phát sinh của sâu bệnh hại. Kết hợp với phân dúi nhả chậm bón một lần duy nhất cho cả vụ lúa mà không cần bón thêm bất kỳ loại phân nào khác,  phân giúp cây cứng cáp và hạn chế sâu bệnh cũng như cải tạo đất, tiết kiệm công lao động, tăng năng suất và chất lượng lúa.

Hội LHPN xã đã tổ chức tổng kết, rút kinh nghiệm, nhân rộng mô hình, phối hợp với trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện hướng dẫn, tuyên truyền lựa chọn giống lúa phù hợp với đặc điểm thổ nhưỡng, khí hậu, kỹ thuật cấy. Kỹ thuật chăm sóc và bón phân dúi nhả chậm đã cho năng suất vụ mùa cao nhất năm 2020, theo đó hội phụ nữ xã tiếp tục nhân rộng mô hình cấy lúa hiệu ứng hàng biên với diện tích 6ha. Mô hình đang được hội viên và nhân dân đánh giá cao và ngày càng thu hút nhiều người áp dụng.

Huỳnh Thị Hồng; Nam Khánh; Hội LHPN huyện Yên Châu

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video