Hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số tăng tốc giảm nghèo đa chiều trên diện rộng

22/12/2020
Cấp địa phương tham gia dự án "Tăng tốc phát triển kinh tế - xã hội và giảm nghèo đa chiều cho các dân tộc thiểu số ở Việt Nam giai đoạn 2020-2025", các tỉnh sẽ hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số tìm kiếm, thử nghiệm và nhân rộng các mô hình thành công để tăng tốc giảm nghèo đa chiều trên diện rộng. Đặc biệt là hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ dân tộc thiểu số làm chủ ứng dụng sàn thương mại điện tử, tiếp thị điện tử, mở rộng kinh doanh trong giai đoạn khó khăn của đại dịch Covid-19.
Ông Đỗ Văn Chiến, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (bên trái) ký kết dự án "Tăng tốc phát triển kinh tế - xã hội và giảm nghèo đa chiều cho các dân tộc thiểu số ở Việt Nam giai đoạn 2020-2025" cùng các đối tác. Ảnh HH

Sáng nay (21/12), Ủy ban Dân tộc và Đại sứ quán Australia, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức Lễ công bố Dự án Tăng tốc phát triển kinh tế - xã hội và giảm nghèo đa chiều trong dân tộc thiểu số tại Việt Nam. Dự án nhằm tư vấn chính sách và hỗ trợ kỹ thuật cho Ủy ban Dân tộc và các tỉnh tham gia thực hiện mục tiêu của Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (CTMTQG) là giảm 50% số xã đặc biệt khó khăn vào năm 2025.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Đỗ Văn Chiến, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, cho biết: Đây là lần đầu tiên Việt Nam có một CTMTQG dành riêng cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. "Chỉ tính riêng tổng kinh phí dự iến cho giai đoạn I (2021-2025) được Quốc hội phê duyệt ở mức tối thiểu là hơn 137 ngàn tỷ đồng, có thể nói là lớn nhất từ trước đến nay trong lĩnh vực công tác dân tộc". Đây là sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số. 

Chương trình phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi hướng tới 4 mục tiêu cơ bản: 

Thứ nhất, khai thác tiềm năng, lợi thế của các địa phương, đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo nhanh, bền vững, thu hẹp dần khoảng cách sống, thu nhập của vùng dân tộc thiểu số và miền núi so với bình quân chung của cả nước.

Thứ hai là giảm dần các xã, thôn đặc biệt khó khăn; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội đồng bộ liên vùng kết nối với sự phát triển.

Thứ ba là phát triển toàn diện giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa, cải thiện rõ rệt cuộc sống của nhân dân, nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.

Thứ 4, giữ gìn bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc thiểu số đi đôi với xóa bỏ phong tục, tập quán lạc hậu, thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em.

Ông Đỗ Văn Chiến, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, phát biểu

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, triển khai dự án, có những thuận lợi rất cơ bản, cũng như khó khăn nhất định: Thứ nhất, Đề án tổng thể CTMTQG phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi triển khai trong bối cảnh Covid-19 bùng phát đã tác động nặng nề đến phát triển kinh tế, phần nào ảnh hưởng đến quá trình thực hiện. Cụ thể, nếu không có Covid-19 thì đã đẩy được tiến độ lên sớm hơn 6 tháng. Bên cạnh đó, năng lực trình độ đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, cơ quan công tác dân tộc từ Trung ương đến địa phương còn hạn chế.

 Thứ ba, lượng vốn của chương trình lớn trong giai đoạn 2021 - 2025 là gần 5 tỷ USD và lượng vốn cho các công trình lại nằm rải rác tại các tỉnh vùng sâu, vùng xa, địa hình chia cắt, nên việc tổ chức triển khai thực hiện rất khó khăn. Bên cạnh đó, một thách thức là trình độ năng lực nhận thức của đối tượng thụ hưởng của chương trình còn hạn chế, cũng là một trở ngại trong quá trình triển khai.

Đồng thời, Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc cũng bày tỏ sự trân trọng với các đối tác đã cùng đồng hành, hỗ trợ để thực hiện được sứ mệnh là phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Một số sản phẩm của hợp tác xã do phụ nữ làm chủ giới thiệu sản phẩm tại Lễ công bố Dự án. Ảnh HH

Theo Ban tổ chức, ở cấp địa phương tham gia dự án "Tăng tốc phát triển kinh tế - xã hội và giảm nghèo đa chiều cho các dân tộc thiểu số ở Việt Nam giai đoạn 2020-2025", các tỉnh Sơn La và Lào Cai sẽ hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số, chính quyền địa phương và doanh nghiệp tư nhân tìm kiếm và thử nghiệm các giải pháp sáng tạo và nhân rộng các mô hình thành công để tăng tốc giảm nghèo đa chiều trên diện rộng.

Dự án sẽ dựa trên những thành công của các sáng kiến của UNDP tại Bắc Kạn và Đắk Nông, thông qua đó các hợp tác xã do phụ nữ dân tộc thiểu số làm chủ ứng dụng sàn thương mại điện tử, tiếp thị điện tử và các công cụ thanh toán điện tử và lợi thế của các sản phẩm hữu cơ và truyền thống của địa phương để mở rộng kinh doanh trong giai đoạn khó khăn của đại dịch COVID-19.

Những mô hình kinh doanh mới như vậy cũng giúp phụ nữ dân tộc thiểu số chuẩn bị sẵn sàng cho giai đoạn chuyển đổi số và phục hồi kinh tế xã hội sắp tới.

Bà Robyn Mudie, Đại sứ Australia tại Việt Nam, cho biết: "Australia cam kết hợp tác với các đối tác để hỗ trợ công cuộc tăng trưởng bền vững và bao trùm của Việt Nam. Mối quan hệ đối tác UNDP-CEMA mà chúng tôi hỗ trợ và khởi động ngày hôm nay là một phần của cam kết dài hạn này nhằm đảm bảo rằng các giải pháp mới và sáng tạo trong xóa đói giảm nghèo được lồng ghép và nhân rộng trong chương trình và chính sách của Chính phủ vì lợi ích của người nghèo và người có hoàn cảnh khó khăn, bao gồm cả phụ nữ và nam giới thuộc các nhóm dân tộc thiểu số".

https://phunuvietnam.vn/

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video