Hỗ trợ chuyển nghề cho người bán hàng rong: còn như muối bỏ bể

29/07/2008
Để giải quyết việc làm cho những người bán hàng rong sau QĐ 02 của Thành phố Hà Nội, một số tổ chức như Hội LHPN, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội đã có chương trình hỗ trợ người bán hàng rong được học nghề, vay vốn để chuyển đổi nghề. Song với gần 20.000 gánh hàng rong trên địa bàn thì hoạt động riêng lẻ của một vài đơn vị, tuy là vốn quý nhưng cũng chỉ như “hạt muối bỏ bể”.

Muốn giải quyết triệt để vấn đề này cần có sự phối hợp đồng bộ của cả chính quyền nơi đến cũng như chính quyền nơi đi.


Những đơn vị tiên phong


Là một địa bàn có lực lượng lao động nữ ngoại tỉnh khá đông, tập trung chủ yếu tại phường Phúc Tân (khoảng 1000 chị em) nên công tác hỗ trợ đào tạo nghề, chăm lo đời sống tinh thần và vật chất cho chị em luôn được Hội LHPN quận Hoàn Kiếm xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Hội. Đầu năm 2006, với sự tài trợ của tổ chức hợp tác liên nhà thờ vì sự hợp tác và phát triển, Hội phụ nữ quận đã phối hợp với Trung tâm Y tế công cộng và phát triển cộng đồng thực hiện dự án “Cải thiện đời sống tinh thần và vật chất cho lao động nữ ngoại tỉnh cư trú tại phường Phúc Tân”. Theo bà Nguyễn Thị Kim Hoa, Phó Chủ tịch Hội LHPN quận Hoàn Kiếm, đến nay Hội đã tổ chức khóa học nghề cho 70 chị em lao động ngoại tỉnh và tạo điều kiện cho 26 nữ lao động ngoại tỉnh vay vốn (1 triệu đồng/người để buôn bán).


Từ khi có QĐ 02 của Thành phố về việc quản lý hàng rong, Hội LHPN đã lồng ghép với dự án này để xây dựng kế hoạch hỗ trợ chuyển đổi nghề cho chị em bán hàng rong. Cụ thể Hội đang phối hợp với Trung tâm 20/10 mở lớp dạy nghề, định hướng nghề nghiệp cho chị em chuyển đổi sang mô hình việc làm gần gũi với họ như giúp việc nhà, nhân viên phục vụ hàng ăn...Để giải quyết “đầu ra”, Hội phụ nữ cũng liên hệ với Trung tâm 20/10 giới thiệu việc làm cho những chị em có nhu cầu. “Để mở rộng đối tượng được hỗ trợ, trong tháng 8 tới chúng tôi sẽ rà soát lại đối tượng phụ nữ bán hàng rong trên toàn quận, đặc biệt là phụ nữ nghèo và cận nghèo nhằm có biện pháp giúp đỡ hiệu quả” – bà Hoa cho biết thêm.


Cùng với Hội LHPN quận Hoàn Kiếm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội cũng có một chương trình dành riêng cho đối tượng người bán hàng rong là người Hà Nội được học nghề hoặc vay vốn học nghề theo Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2006-2010. Tại chương trình này, Hà Nội sẽ ưu tiên cho 6 triệu lượt hộ nghèo được vay vốn tín dụng ưu đãi; thực hiện khuyến nông - lâm - ngư, chuyển giao kỹ thuật, hướng dẫn cách làm ăn cho 4,2 triệu lượt người nghèo; miễn, giảm học phí học nghề cho 1,5 triệu lượt người nghèo... Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội cho biết, các đối tượng bán hàng rong trong diện bị cấm buôn bán trên các tuyến phố nếu có nhu cầu chuyển đổi nghề, học nghề hoặc vay vốn để học nghề có thể liên hệ với các phòng, ban về lao động - thương binh và xã hộitại các quận, huyện để được trợ giúp, hướng dẫn.


Chính quyền cả nơi đến và nơi đi đều chưa có kế hoạch

 

Trong khi một số cơ quan, đơn vị đang chủ động có những chương trình hỗ trợ kịp thời cho người bán hàng rong ổn định việc làm, đời sống thì chính quyền thành phố cả nơi đến lẫn nơi đi đều im lặng về vấn đề này.


Còn nhớ tại thông báo của Văn phòng UBND thành phố Hà Nội ngày 30/6/2008 (trước ngày ra quân cấm hàng rong một ngày) có đề cập đến việc các quận huyện của Hà Nội sẽ có chính sách hỗ trợ và chuyển đổi nghề phù hợp cho những người bán hàng rong. Tuy nhiên việc hỗ trợ bao nhiêu, chuyển đổi nghề gì, lộ trình như thế nào...đến nay vẫn chưa được thành phố Hà Nội trả lời. Sự bế tắc cũng đang diễn ra tạicác địa phương nơi có người lên Hà Nội bán hàng rong.


Thống kê tại huyện Khoái Châu (tỉnh Hưng Yên) cho thấysố người bỏ quê lên bán hàng rong, làm ăn ở Hà Nội chiếm một số lượng khá lớn, thường từ 20-25% dân số của mỗi xã. Hiện chính quyền các xã chưa thể đưa ra định hướng cụ thể cho những đối tượng này vì đây chỉ là hoạt động ...tự phát của một nhóm người.


Việc thất nghiệp cùng một lúc của hàng nghìn gánh hàng rong, trong đó đa phần là người nghèo, có thu nhập thấp nếu không được kịp thời tháo gỡ sẽ dẫn đến rất nhiều hệ lụy như: gia tăng tỷ lệ hộ nghèo, tái nghèo, mất an ninh trật tự, nguồn thu bị mất có thể ảnh hưởng xấu đến đời sống, sự yên ấm của các gia đình.


Những chương trình hỗ trợ kịp thời của hai đơn vị trên thực sự là thiết thực, rất đáng được biểu dương. Song thiết nghĩ “bài toán” việc làm cho người bán hàng rong không thể giải quyết được ở phạm vi một quận hay một sở mà cần được thực hiện ở một cấp cao hơn. Chính quyền Thành phố Hà Nội cần phải có sự phối hợp với chính quyền nơi có người đi bán hàng rong và các tổ chức đoàn thể khác để vừa đào tạo nghề vừa đảm bảo “đầu ra” cho nhóm lao động này. Có như vậy chủ trương cấm hàng rong của Thành phố mới có được sự đồng thuận và chấp hành nghiêm túc của người lao động.

Theo Báo phụ nữ Việt Nam

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video