Hiệu quả từ mô hình giảm thiểu tảo hôn và kết hôn cận huyết thống

24/04/2012
Mô hình đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong tỉnh về tác hại của tảo hôn và kết hôn cận huyết thống, làm giảm số cặp vợ chồng tảo hôn, xóa được tình trạng học sinh trường phổ thông dân tộc nội trú bỏ học về lập gia đình sớm.

Hiện nay, mô hình can thiệp giảm thiểu tình trạng tảo hôn và kết hôn cận huyết thống được tỉnh Sơn La chỉ đạo thực hiện tại 22 xã và 11 trường phổ thông dân tộc nội trú. Mô hình hướng tới đối tượng là các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ; nhóm vị thành niên, thanh niên (từ 10-24 tuổi); phụ nữ và nam giới kết hôn trước tuổi; những cặp vợ chồng kết hôn cận huyết thống và các bà mẹ kết hôn trước tuổi đang mang thai hoặc đã sinh con.

Mục tiêu chung của mô hình là tăng cường sự cam kết của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, tổ chức chính trị, xã hội và những người có uy tín tại địa bàn, tạo môi trường thuận lợi về chính sách, nguồn lực và tham gia thực hiện các hoạt động của mô hình; tăng cường hiểu biết, nâng cao nhận thức và chuyển đổi hành vi thích hợp cho các nhóm đối tượng về các nội dung như: Luật Hôn nhân và Gia đình, quy định về đăng ký kết hôn và khai sinh, các nội dung chăm sóc SKSS/KHHGĐ; xây dựng và tăng cường các hoạt động can thiệp nhằm làm giảm tỉ lệ các trường hợp tảo hôn, kết hôn cận huyết thống tại địa bàn triển khai mô hình.

Bám sát mục tiêu trên, các cơ sở đã tổ chức truyền thông theo hệ thống loa phát thanh, theo điểm, cung cấp thông tin, kiến thức pháp luật, tuyên truyền chống tảo hôn từ gia đình, bình đẳng giới; đồng thời, tuyên truyền hoạt động của mô hình lồng ghép với hướng dẫn bảo vệ sức khỏe của mẹ, của con khi sinh; duy trì hoạt động của các nhóm và tổ nhân viên thường trực mô hình tại xã; phân công nhân viên thường trực và cộng tác viên tình nguyện phụ trách từng chuyên đề, địa bàn để hỗ trợ các mô hình trong quá trình tổ chức hoạt động; thành lập các CLB giảm thiểu tảo hôn và kết hôn cận huyết thống tại các trường dân tộc nội trú…Với kế hoạch hoạt động cụ thể, phù hợp, đến nay toàn tỉnh đã tổ chức hoạt động lồng ghép được 183 lần, sinh hoạt nhóm theo chuyên đề 864 buổi, góp phần nâng cao nhận thức cho nhân dân về tác hại của tảo hôn và kết hôn cận huyết thống. Từ khi thực hiện mô hình, số cặp vợ chồng tảo hôn đã giảm hẳn. Năm 2011, Sơn La chỉ còn 201 cặp tảo hôn và 9 cặp vợ chồng kết hôn cận huyết thống (giảm 26 cặp tảo hôn so với năm 2010), tình trạng học sinh trường phổ thông dân tộc nội trú nghỉ học về lập gia đình cũng được xóa bỏ.

Đi đầu trong việc thực hiện mô hình phải kể đến xã Lóng Luông, huyện Mộc Châu và trường Dân tộc nội trú huyện Sốp Cộp. Qua 3 năm triển khai mô hình, xã Lóng Luông chỉ có 22 cặp vợ chồng tảo hôn (giảm 8 cặp so với thời gian trước đó) và đang quyết tâm phấn đấu không còn trường hợp tảo hôn hoặc kết hôn cận huyết thống. Đối với Trường Dân tộc nội trú huyện Sốp Cộp, từ năm 2009, nhà trường đã thành lập CLB giảm thiểu tảo hôn và kết hôn cận huyết thống, vận động 100% số học sinh tham gia sinh hoạt theo từng nhóm. Khi có học sinh bỏ học, ban chủ nhiệm CLB đã đi bộ hàng chục km đường rừng đến tận gia đình học sinh để thuyết phục bố mẹ và học sinh để các em không kết hôn, trở lại trường học tập. Năm học 2010-2011, toàn trường không có học sinh bỏ học về lập gia đình.

Để tiếp tục giảm tình trạng tảo hôn và kết hôn cận huyết thống trên địa bàn tỉnh, hiện nay Sơn La đang tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho nhân dân về Luật Hôn nhân gia đình; lồng ghép với thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; mở rộng thêm các mô hình giảm thiểu tảo hôn và kết hôn cận huyết thống ở một số địa bàn dân tộc thiểu số; nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ sức khỏe sinh sản - KHHGĐ, đáp ứng nhu cầu của nhân dân... góp phần xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc trên địa bàn tỉnh./.

Nguyễn Thị Ngà - Hội LHPN tỉnh Sơn La

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video