Hiệu quả từ đồng vốn xóa đói, giảm nghèo ở Ðà Nẵng

19/08/2009
Một trong những mục tiêu của các chương trình phát triển kinh tế - xã hội ở TP Ðà Nẵng là hướng sự quan tâm tới các đối tượng nghèo, trong đó đặc biệt chú trọng phụ nữ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn. Vì thế, việc hỗ trợ phát triển kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập đã trở thành một mục đích hoạt động của Hội Phụ nữ thành phố trong những năm qua. Với sự giúp đỡ của các cấp ủy đảng và chính quyền, nhiều mô hình phát triển kinh tế gia đình được áp dụng và mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp chị em thoát nghèo.

Theo khảo sát mới nhất, đến đầu năm 2009, TP Ðà Nẵng có 32.769 hộ nghèo theo chuẩn mới, chiếm tỷ lệ 19,26% tổng số hộ dân cư. Tính đến tháng 5-2009, toàn TP Ðà Nẵng có khoảng 4.637 lượt hộ nghèo (40.891 lượt hộ khó khăn), 58,701% số lượt người nghèo (186.952 lượt người khó khăn) đã được trợ giúp bằng nhiều giải pháp và có 2.771 hộ vươn lên thoát nghèo, trong đó có 2.249 hộ do phụ nữ làm chủ hộ. Có được kết quả đó, trước hết, phải nói tới vai trò của hội phụ nữ các cấp đã gần gũi, sẻ chia với hoàn cảnh của phụ nữ nghèo, cùng nhau tạo dựng phong trào tương thân tương ái, giúp nhau làm kinh tế, thoát nghèo. Phong trào này diễn ra sôi động ở các địa phương, đơn vị, với việc xây dựng kế hoạch, chỉ tiêu cụ thể. Với nhiều hình thức hỗ trợ phụ nữ nghèo, như tổ chức tập huấn trang bị kiến thức, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm làm kinh tế, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, phối hợp chính quyền hỗ trợ phụ nữ nghèo về vốn, công lao động, cây giống, vật nuôi, vật dụng gia đình, sửa chữa nhà cửa... Về vốn, đã có nhiều cách làm khác nhau được tiến hành, như huy động vốn từ nhiều nguồn khác nhau, như từ nguồn vốn 120 giải quyết việc làm, vốn từ các dự án giúp  phụ nữ nghèo, duy trì hiệu quả các mô hình tổ, nhóm phụ nữ góp vốn quay vòng có hiệu quả, mô hình "nuôi lợn đất", "ống tre tiếp sức", "hũ gạo tình thương"... Hiện nay, TP Ðà Nẵng có 2.209 tổ, nhóm góp vốn trả dần, với 36.080 thành viên và tổng số tiền huy động được 72 tỷ đồng, giúp 11.802 lượt phụ nữ nghèo vay tiền để phát triển kinh tế, tạo việc làm. Các cấp hội phụ nữ thành phố tiếp tục ký kết liên tịch với Ngân hàng Chính sách xã hội về ủy thác cho vay vốn với hộ nghèo, hộ chính sách, tạo cơ hội cho phụ nữ nghèo tiếp cận vốn vay ưu đãi, với số vốn lên đến hàng chục tỷ đồng, mức vay thường từ năm đến mười triệu đồng/người với lãi suất 0,65% tháng. Ngoài ra, chị em phụ nữ nghèo còn được vay vốn từ dự án Việt - Bỉ, với lãi suất 1%; quỹ quay vòng vốn vệ sinh với lãi suất 0,5% tháng. 

Với nhiều mô hình và biện pháp thiết thực, nhiều phụ nữ nghèo đã vươn lên làm ăn có hiệu quả, thoát nghèo. Các chị tự tin hơn với cuộc sống của mình, được trang bị các kiến thức cần thiết về các mô hình làm kinh tế nông thôn, như trồng trọt, chăn nuôi, chế biến hải sản, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Khi được tiếp xúc với những tấm gương phụ nữ nghèo điển hình, thoát nghèo nhờ sự cố gắng vượt lên chính mình và sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay hỗ trợ sản xuất kinh doanh, tôi cứ ngỡ ngàng và bị thuyết phục bởi các chị. Tuy đóng góp của các chị so với xã hội chỉ là một phần bé nhỏ nhưng điều đáng trân trọng là các chị đã biết và dám vượt lên chính mình. 

Phường Thọ Quang, quận Sơn Trà hiện có 25.463 nhân khẩu với 5.198 hộ, có 559 hộ nghèo (theo chuẩn 500.000 đồng/tháng), trong đó có 246 hộ do phụ nữ làm chủ. Ðịa bàn nằm trong diện di dời giải tỏa, để chỉnh trang đô thị trên diện rộng đã tác động rất lớn đến sinh hoạt, việc làm và đời sống nhân dân, đặc biệt phụ nữ nghèo. Trước những khó khăn đó, Hội Phụ nữ phường đã đề ra nhiều chương trình để giúp phụ nữ nghèo trong phường phát triển kinh tế, cải tạo cuộc sống. Hiện nay, Hội Phụ nữ phường đang quản lý các nguồn vốn, như vốn vay xóa đói, giảm nghèo là 5.925.507.000 đồng cho 1.053 hộ vay; vốn vay 120 giải quyết việc làm là 750 triệu đồng cho 32 hộ vay. Ngoài ra có 65 tổ trong phường đã góp vốn quay vòng với 1.516 thành viên góp được 755 triệu đồng giúp cho 216 chị vay, trong đó có 87 phụ nữ nghèo, với số tiền 362 triệu đồng. Nhiều hộ đã phát huy được hiệu quả nguồn vốn vay ban đầu, như các chị: Lê Thị Minh tổ 9, Lê Thị Miều tổ 12H, Nguyễn Thị Thủy tổ 2E. Tính đến nay, toàn phường đã có 121 hộ thoát nghèo. Trong số các phụ nữ nhờ sử dụng hiệu quả vốn vay xóa đói, giảm nghèo, trường hợp chị Lê Thị Miều là một điển hình. Một tay chị nuôi ba con nhỏ đang tuổi ăn tuổi học, hai cha mẹ già yếu, chồng chị làm nghề phụ hồ, lại đau yếu thường xuyên. Chị đã làm qua nhiều nghề, buôn bán lặt vặt ở chợ, đi mót rác, vá xe đạp,... nhưng nhà vẫn thiếu đói, khổ cực. Rồi nguồn động lực lớn đến với chị khi được vay bảy triệu đồng từ nguồn vốn xóa đói, giảm nghèo. Chị đã quyết định đầu tư một quầy tạp hóa nhỏ, lấy ngắn nuôi dài, phần có tiền trang trải trong gia đình, phần thì tạo mối quan hệ với các mối bỏ hàng tạp hóa lớn. Ðược tin tưởng và buôn bán đàng hoàng, chị đã thành công. Mới gần ba năm, chị Miều đã trả hết cả gốc lẫn lãi, lại sửa sang được nhà cửa. Hiện nay, chị là chủ của cửa hàng tạp hóa mang tên Thủy Chung tại khu tái định cư Thọ Quang. 

Theo ND.

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video