Hết lòng xây dựng quê hương

18/02/2020
Khi nói về việc xây dựng những con đường khang trang thôn Thanh Trì (xã Đông Sơn, huyện Chương Mỹ, Hà Nội), người dân thôn Thanh Trì luôn nhắc đến gia đình chị Nguyễn Thị Nhung.
Chị Nguyễn Thị Nhung (thứ ba từ trái sang) là một trong những tấm gương tiêu biểu của phụ nữ Thủ đô với những đóng góp cho cộng đồng.

Nhìn những con đường làng bị xuống cấp, trong khi khả năng đóng góp của người dân còn hạn chế, chị Nguyễn Thị Nhung đã nhiều lần bỏ ra số tiền lớn và nhiều ngày công để cùng người dân làm đường mới khang trang, sạch đẹp.

Những năm gần đây, mọi người đến thôn Thanh Trì (xã Đông Sơn, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) đều ngỡ ngàng trước những con đường bê-tông rộng rãi, trải tít ra cánh đồng. Khi nói về việc xây dựng những con đường khang trang ấy, người dân thôn Thanh Trì luôn nhắc đến gia đình chị Nguyễn Thị Nhung.

Cách đây mười năm, khi thấy con đường gần nhà dẫn ra khu chợ Gốt bị xuống cấp, việc đi lại của người dân gặp khó khăn, trong khi gia đình làm nghề xây dựng, chị Nhung bàn bạc với chồng xin phép lãnh đạo UBND xã Đông Sơn, thôn Thanh Trì tự huy động vốn làm đường. Theo tính toán, việc thi công đoạn đường này hết khoảng 90 triệu đồng, UBND xã hỗ trợ 10 triệu đồng, các hộ dân trong xóm đóng góp 13 triệu đồng, số còn lại do gia đình chị lo liệu. Nhờ thế, chỉ một thời gian ngắn sau, người dân thôn Thanh Trì đã có được con đường bê-tông phẳng lỳ, sạch sẽ. Ngoài việc ủng hộ làm đường, vợ chồng chị Nhung còn hăng hái với công việc của địa phương. Bởi vậy, chị được tín nhiệm bầu làm Chi hội trưởng Phụ nữ thôn Thanh Trì. Khi xã Đông Sơn dồn điền, đổi thửa để xây dựng nông thôn mới, việc chia cắt lại ruộng ảnh hưởng đến các tuyến đường đi lại làm đồng. Chị Nhung lại cùng chồng mua vật liệu, huy động nhân viên của công ty gia đình san lấp đường với tổng chi phí lên đến hàng trăm triệu đồng.

Tuy nhiên, “kỷ lục” về làm đường phải kể đến con đường từ nhà văn hóa thôn đến nghĩa trang nhân dân. Năm 2016, Đông Sơn được công nhận là xã nông thôn mới. Song, con đường từ nhà văn hóa thôn đến nghĩa trang còn gập ghềnh, việc đi lại chưa thuận tiện. Chị mạnh dạn xin ý kiến lãnh đạo thôn cho được đứng lên vận động người dân làm đường. Số tiền làm đường dự trù là khoảng 300 triệu đồng - khoản tiền khá lớn cho nên chưa nhận được sự đồng thuận của mọi người. Chị Nhung một lần nữa đề xuất, các hộ dân trong thôn đóng góp được bao nhiêu thì tốt bấy nhiêu, phần còn lại gia đình chị sẽ lo nốt. Được sự đồng ý của chính quyền xã và thôn, việc vận động người dân làm đường được tiến hành. Riêng gia đình chị Nhung đã góp 100 tấn xi-măng và toàn bộ công của máy xúc, máy ủi, máy lu khi làm đường. Chỉ hơn một tuần thi công, người dân thôn Thanh Trì đã có con đường thẳng tắp.

Từ năm 2007, khi tích cóp được vốn liếng, gia đình chị Nguyễn Thị Nhung thành lập Công ty TNHH Tân Việt Dũng với bốn máy xúc, một máy ủi chuyên cho thuê. Công ty gây dựng được uy tín kinh doanh, máy móc luôn hoạt động với công suất cao, kinh tế gia đình dư dả. Chị Nguyễn Thị Nhung tâm sự: “Chúng tôi vươn lên từ hai bàn tay trắng, bươn chải nhiều nơi, vượt qua nhiều khó khăn, vất vả mới được như hôm nay. Bởi thế, chúng tôi muốn chia sẻ, muốn đóng góp cho quê hương. Nhìn quê hương đổi mới, chúng tôi rất vui”. Gia đình chị luôn được người dân thôn Thanh Trì yêu mến, tôn trọng.

nhandan

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video