Hết lòng vì người nghèo

25/12/2004
Người dân xã Bắc Bình, huyện miền núi Lập Thạch (Vĩnh Phúc) rất khâm phục chị Nguyễn Thị Kim Thu về nghị lực, khả năng làm kinh tế và lòng nhân hậu, chăm lo cho người nghèo.

Xã miền núi Bắc Bình từ bao đời nay chỉ trồng ngô, khoai sắn, và một phần trồng lúa, đời sống nhân dân rất khó khăn. Từ năm 1998, cấp uỷ Đảng, chính quyền đã quan tâm, chỉ đạo chuyển dịch cơ cấu sản xuất cây trồng, vật nuôi, hỗ trợ vốn nên đồng bào các dân tộc trong xã ngày một khá lên. Trong phong trào chung ấy, chị Thu là người luôn đi đầu và gặt hái thành công. Khởi đầu là việc chuyển toàn bộ diện tích canh tác lúa và hoa màu sang nghề mới trồng dâu nuôi tằm. Qua vài lần thất bại, chị Thu có thêm kinh nghiệm nuôi tằm, bước đầu thu nhập cao gấp 2-3 lần so với trước. Học tập kinh nghiệm của chị, nhiều gia đình trong thôn, xã và các xã lân cận đã phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm ở vùng núi xa xôi. Chị Thu còn vay thêm vốn mở xưởng ươm tơ kéo kén, giúp bà con tiêu thụ toàn bộ sản phẩm, vừa không bị tư thương ép giá, vừa không phải đem bán ở xa. Chị đã giải quyết việc làm cho trên 40 lao động, phần lớn là nữ, trong đó có 20 chị em hoàn cảnh gặp nhiều khó khăn.

 

Tuy nhiên, nghề trồng dâu nuôi tằm chỉ bận rộn trong 6 tháng, còn lại là thời gian nông nhàn. Chị Thu lại học hỏi cách làm đồ mây tre thủ công mỹ nghệ. Bán được sản phẩm, chị rủ thêm một số chị em làm theo. Một tổ hợp mây tre do chị Thu đứng đầu được tành lập. Lần này, chị vay vốn, thuê thợ từ làng nghề của tỉnh bạn về dạy nghề miễn phí cho chị em trong xã. Tổ hợp có 60 chị em tham gia, sản phẩm được tiêu thụ ở nhiều tỉnh phía Nam, có nhiều công ty lớn đặt mua để xuất khẩu. Mỗi lao động trong tổ có thu nhập 500.000 - 600.000đ/tháng, hơn hẳn so với làm nông nghiệp. Đến nay, 21 hộ khó khăn trong xã đã thoát nghèo sau 3 năm tham gia tổ hợp.

 

Với tấm lòng vì người nghèo, chị Nguyễn Thị Kim Thu và tổ hợp sản xuất mây tre đã ủng hộ Quỹ vì người nghèo cả chục triệu đồng.

Theo báo Phụ nữ Việt Nam

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video