Hà Tĩnh: Phụ nữ Hương Khê sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi

16/07/2021
Với mục đích góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường nông thôn, Hội LHPN huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh đã thành công trong bước đầu triển khai mô hình sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi.
Cán bộ hội phụ nữ xã Hương Vĩnh giúp hộ dân làm đệm lót sinh học chăn nuôi trâu

Sự phát triển mạnh về chăn nuôi đặt ra vấn đề về xử lý chất thải, nhất là chất thải đại gia súc nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường. Ở khu vực nông thôn, phần lớn việc chăn nuôi còn mang tính tự phát, chuồng trại ít được quy hoạch và chị em cũng như người dân chưa có thói quen dùng chế phẩm sinh học và các vật liệu tự nhiên để giảm thiểu ô nhiêm môi trường, gây ảnh hưởng không ít đến đời sống sinh hoạt hàng ngày. Do đó, trong thời gian qua, Hội LHPN huyện đã triển khai nhiều giải pháp góp phần bảo vệ môi trường, trong đó việc tuyên truyền, vận động chị em sử dụng chế phẩm sinh học làm đệm lót sinh học trong chăn nuôi là một trong những giải pháp thiết thực và hiệu quả, bước đầu được hội viên, phụ nữ tích cực hưởng ứng, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường nông thôn.

Mô hình chăn nuôi sử dụng đệm lót sinh học là mô hình trong đó người chăn nuôi trâu, bò, lợn, gà sử dụng men vi sinh ủ với cám ngô hoặc cám gạo, sau đó trộn với nguyên liệu chính là vỏ trấu (40%) và bột cưa (60%). Mỗi 1kg men vi sinh đem ủ với 2-3 kg cám, có thể trộn được với lượng vỏ trấu và mùn cưa có độ dày khoảng 40 – 50 cm, rải đều trên diện tích 8-10 m2 (đủ cho 2 – 3 con trâu, bò). Đối với chăn nuôi gà và lợn, có thể điều chỉnh về độ dày của lớp đệm lót và có thể làm 100% nền chuồng hoặc 60% diện tích để có thể tắm cho vật nuôi nếu muốn.

Mô hình chăn nuôi trâu sử dụng đệm lót sinh học của hộ Phan Thị Nga, chi hội Vĩnh Thắng, xã Hương Vĩnh

Mô hình đệm lót sinh học trong chăn nuôi tuy mới được Hội LHPN huyện Hương Khê quyết liệt triển khai trong 6 tháng đầu năm, nhưng đến nay toàn huyện đã có 234 mô hình, trong đó có 142 mô hình gà, 98 mô hình trâu, bò. Ưu điểm của việc chăn nuôi sử dụng đệm lót sinh học là giảm thiểu tối đa mùi hôi chuồng trại, tiết kiệm nước, thuốc thú y cũng như nguồn nhân lực dành cho việc dọn chuồng, đặc biệt những sinh vật ký sinh trên vật nuôi và ở trong chuồng trại giảm được rất nhiều.

Thành công bước đầu của mô hình đệm lót sinh học trong chăn nuôi đã và đang có những đóng góp tích cực trong việc bảo vệ môi trường và xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Trong thời gian tới, Hội LHPN huyện tiếp tục tập trung chỉ đạo nhân rộng mô hình và 100% cơ sở Hội đã đưa chỉ tiêu xây dựng mô hình đệm lót sinh học vào nghị quyết Đại hội đại biểu phụ nữ xã nhiệm kỳ 2021-2026 để mô hình tiếp tục được lan tỏa.

 

Nguyễn Huế - Hội LHPN huyện Hương Khê

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video