Hà Nội: Trau dồi kỹ năng phòng, chống bạo lực cho nữ lao động nhập cư

15/12/2020
Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội vừa tổ chức chương trình truyền thông "Chấm dứt bạo lực trên cơ sở giới đối với lao động nhập cư" tại Trường Tiểu học Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Phụ nữ di cư tại Hà Nội. Nguồn: Tổ chức lao động Quốc tế ILO

Tại buổi truyền thông, hơn 200 cán bộ, hội viên phụ nữ và các nữ lao động nhập cư đã được tuyên truyền, hướng dẫn kỹ năng phòng, chống bạo lực, xâm hại đối với phụ nữ và trẻ em; thi tìm hiểu về kiến thức pháp luật…

Chương trình truyền thông nhằm kêu gọi cộng đồng chung tay hành động vì bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực, xâm hại đối với phụ nữ và trẻ em nói chung và nữ lao động nhập cư nói riêng trên địa bàn Thủ đô.

Di cư là xu hướng tất yếu trong quá trình phát triển. Theo kết quả tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, so với nam giới, nữ giới di cư từ nông thôn ra thành thị chiếm tỷ lệ cao hơn (55,5%) và có xu hướng di cư sớm hơn nhằm thay đổi môi trường sống cũng như tìm kiếm cơ hội làm việc.

Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Thu Thủy phát biểu tại chương trình truyền thông

Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Thu Thủy cho biết, tại Hà Nội, Hoàn Kiếm là địa bàn có đông nữ lao động nhập cư, tập trung tại các phường Phúc Tân, Chương Dương.... Theo kết quả khảo sát năm 2017 của tổ chức Light về lao động nhập cư ở 2 phường này, nữ chiếm 97,1%, phần lớn chị em đang mưu sinh bằng các công việc như thu gom rác, bán hàng rong, giúp việc gia đình hoặc phục vụ tại các cơ sở dịch vụ nhỏ lẻ. 40,2% tỷ lệ người di cư thuê/mượn nhà, tham gia lao động trong khu vưc phi chính thức nên gặp khó khăn trong việc tiếp cận bảo hiểm xã hội. Ngoài ra, lao động nhập cư còn đối mặt với các nguy cơ bị lạm dụng, bị bạo lực, xâm hại, mất an toàn…

Được biết, thời gian qua, Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố và các cấp Hội đã tích cực triển khai nhiều hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình; phòng, chống xâm hại phụ nữ và trẻ em. Tại địa bàn có đông nữ lao động nhập cư, các cấp Hội đã tuyên truyền, nâng cao kiến thức pháp luật, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế tự nguyện; kỹ năng bảo vệ bản thân; thành lập Câu lạc bộ Phụ nữ lao động nhập cư; duy trì, nhân rộng 20 nhóm tự lực và 4 nhóm nòng cốt phụ nữ lao động nhập cư… Các hoạt động này đã hỗ trợ thiết thực, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng cho chị em.

Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Thu Thủy nhấn mạnh một số nội dung trọng tâm mà cán bộ, hội viên phụ nữ các cấp Hội phụ nữ cần thực hiện:

Một là, tuyên truyền sâu rộng chủ đề, thông điệp truyền thông Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng chống bao lực trên cơ sở giới năm 2020, Đề án "Phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, giai đoạn 2016 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn Thành phố".

Hai là, gắn hoạt động phòng chống bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em với thực hiện cuộc vận động xây dựng gia đình 5 không 3 sạch, trong đó chú trọng tiêu chí gia đình không có bạo lực.

Ba là, tiếp tục tăng cường các hoạt động thiết thực, hiệu quả công tác phòng chống bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em; phối hợp tham gia xử lý các vụ việc đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ và trẻ em; đảm bảo can sinh xã hội cho các nhóm phụ nữ di cư, phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt.

Bốn là, chủ động tham gia giám sát việc thực hiện luật pháp chính sách về bìnhh đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình, chính sách pháp luật liên quan đến phụ nữ, trẻ em, tích cực phối hợp, kịp thời phát hiện, hỗ trợ, can thiệp các vụ việc bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em.

 

https://phunuvietnam.vn/

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video