Hà Nội: Những “nữ thủ lĩnh” trong xây dựng đời sống mới

11/08/2019
Để có thể đảm đương cùng một lúc nhiều cương vị, lại toàn ở những vị trí đầu tàu, những người phụ nữ ấy đều có chung tinh thần cống hiến, muốn được xây dựng cộng đồng tốt đẹp hơn.

Những năm qua, thực hiện Chương trình của Thành ủy Hà Nội khóa XVI về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng Nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân”; phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa"… nhiều xóm làng văn hóa, tổ dân phố văn minh đã ra đời. Điều đặc biệt, góp phần làm nên những đổi thay ấy có vai trò gương mẫu, đi đầu của các nữ Trưởng thôn, nữ Tổ trưởng tổ dân phố kiêm Chủ tịch Hội Phụ nữ cơ sở.

Cán bộ, đảng viên đi trước, làng nước theo sau 

Đảng viên Nguyễn Hồng Lê, SN 1972, Chủ tịch Hội LHPN xã Tản Lĩnh chia sẻ, sinh ra và lớn lên ở Ba Vì, chị luôn muốn đóng góp công sức cùng bà con xây dựng quê hương. Năm 2001, chị đảm nhiệm cương vị Chi hội trưởng Phụ nữ thôn Tam Mỹ; năm 2011 chị tham gia Ủy viên BCH - UVBTV phụ nữ xã; năm 2012 chị được sự tín nhiệm trong nhân dân bầu giữ chức Trưởng thôn. 

Ở Tam Mỹ, người dân chủ yếu mưu sinh bằng sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi. Trước đây, mỗi hộ canh tác trên nhiều phần ruộng nhỏ nằm rải rác ở nhiều xứ đồng. Hộ nào may mắn có phần ruộng đầu bờ thì thuận tiện trong tưới tiêu, thu hoạch. Nhưng có hộ, ruộng vừa xấu, vừa xa nguồn nước, lối đi nhỏ hẹp khiến việc thăm đồng thôi đã khó, chưa nói đến đưa máy cày bừa vào sản xuất.

Chị Lê nghĩ, muốn thay đổi tình hình, cần thực hiện chủ trương của thành phố về dồn điền đổi thửa. Bám sát vào sự chỉ đạo của Đảng ủy xã, thôn đã thành lập Tiểu ban dồn điền đổi thửa do Bí thư chi bộ thôn làm trưởng ban, Trưởng thôn làm phó ban. Trong quá trình thực hiện dồn điền đổi thửa, chị vận động cứ mỗi sào ruộng bà con đóng góp 25m2 đất để làm đường, đào mương tưới tiêu. Chị còn tự thiết kế quy hoạch đường mương, thuyết trình kế hoạch trước hội nghị họp nhân dân… Lợi ích đã rõ, thế nhưng, thời gian đầu nhiều hộ dân không hợp tác vì chưa yên tâm giao “cơ nghiệp” của cả gia đình cho chính quyền.

Với vai trò là Trưởng thôn, kiêm phó bí thư chi bộ, tại kỳ sinh hoạt chi bộ, họp ban ngành, chị đã vận động cán bộ, đảng viên, phát huy vai trò gương mẫu. Tại hội nghị họp nhân dân chị tuyên truyền về chủ trương của Đảng, lợi ích của việc dồn điền đổi thửa để bà con hiểu, yên tâm. Khi chia ruộng của gia đình, chị và đồng chí Phó thôn đã tự nguyện nhận phần ruộng khó, xa nhà. Cứ thế, bà con nhìn vào hành động của người đứng đầu mà tin tưởng, bắt đầu hợp tác.

Đó là lý do sau dồn điền đổi thửa, ở Tản Lĩnh đã có những cánh đồng mẫu lớn mênh mông, phần ruộng nào chia cho người dân cũng “đầu trên mương tưới, đầu dưới mương tiêu”, máy cày, máy gặt, xe cộ lưu thông trên tuyến đường nội đồng rất thuận lợi. Trong quá trình dồn điền, từ phần đất đóng góp của người dân, chị Lê còn dồn được gần 7.000m2 đất dôi dư để làm công trình công ích như xây nhà trẻ, trường tiểu học, quy hoạch nghĩa trang của thôn.

Sau khi hoàn thành vai trò Trưởng thôn trong công cuộc dồn điền đổi thửa giai đoạn 2013 - 2016, vào tháng 6/ 2016, chị đã được bầu giữ chức Chủ tịch Hội LHPN xã. Ở cương vị nào chị cũng đảm nhiệm tốt nhiệm vụ vì sự phát triển, bình yên của cộng đồng.

Cũng ở xã Tản Lĩnh, chị Hoàng Thị Lý lại có nhiều đóng góp trong phong trào đoàn kết toàn dân. Chị Lý từng là Chi hội trưởng phụ nữ thôn, Ủy viên BCH Phụ nữ xã trong 10 năm. Từ năm 2017 đến nay, chị là Trưởng thôn Ké Mới, nơi 50% người dân là dân tộc Mường, kế tiếp nữ Trưởng thôn kỳ cựu Nguyễn Thị Thức với hơn 10 năm đảm nhiệm cương vị. 

Chị Lý nhớ lại: Trước đây, dù sống cùng một thôn nhưng người Kinh và người Mường ở tách biệt thành hai xóm. Khi đi họp, người Kinh và người Mường ngồi tách thành hai hàng. Chị Lý nghĩ, phải xóa bỏ sự cách biệt này, đoàn kết người Kinh, người Mường với nhau. Chị đã tổ chức những sân chơi chung về văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao như: CLB bóng chuyền, văn hóa văn nghệ, tổ chức hội diễn văn nghệ… mời bà con người Kinh, người Mường cùng tham gia, giao lưu.

Dần dần, mọi người bắt đầu gắn bó, không còn cảm thấy khoảng cách. Ở thôn Ké Mới hôm nay, người Kinh - người Mường đã coi nhau như người một nhà, bà con còn học tập, chia sẻ với nhau về phong tục tập quán, kinh nghiệm trong sản xuất, đời sống. Hiểu rằng muốn xây dựng thôn làng văn minh, không thể tồn tại các tập tục lạc hậu, chị Lý còn bền bỉ vận động bà con dân tộc Mường khi có người ốm phải đưa đi viện thay vì mời thầy mo đến cúng.

Nhà có hỉ không ăn uống kéo dài 2-3 ngày. Khi có hiếu không để xác trong nhà quá 48 tiếng. Với vai trò Chi hội trưởng Phụ nữ, chị đã tuyên truyền những phong trào của Hội tới bà con như Cuộc vận động “5 không, 3 sạch”, 5 triệu bà mẹ nuôi con bằng sữa mẹ…

Đến xã miền núi Tản Lĩnh, huyện Ba Vì, sẽ rất thú vị khi biết nơi đây có truyền thống phụ nữ vừa làm Trưởng  thôn, vừa làm Chủ tịch, Chi hội trưởng Hội Phụ nữ. Hiện tại, có 3 thôn là Ké Mới, Cua Chu, An Hòa, trước đó là Yên Thành, Tam Mỹ… do “phụ nữ làm chủ”. Trong đó, ở thôn Cua Chu có chị Kiều Thị Hoạt làm Trưởng thôn đã 16 năm; với thôn Ké Mới, phụ nữ làm Trưởng thôn đã nhiều năm, chị này nghỉ thì chị em khác lên thay thế.

“Người đánh bóng mặt đường” được bà con tin yêu

Ở tổ dân phố số 1D phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng, đảng viên Lê Thị Minh Nguyệt, năm nay đã 70 tuổi, được bà con gọi vui bằng cái tên “bà đánh bóng mặt đường”. Đó là bởi đều đặn mỗi ngày bà Nguyệt lại ra đường “đánh bóng” vài vòng quanh tổ dân phố để nắm bắt kịp thời tình hình an ninh, trật tự, tâm tư người dân. 

 

 Nữ Tổ trưởng Lê Thị Minh Nguyệt vận động bà con trong tổ dân phố 1D thực hiện An toàn giao thông và Văn minh đô thị


Gia đình bà Nguyệt từ khu phố cổ chuyển về phường Vĩnh Tuy từ năm 1993. Xác định đây sẽ là nơi cư trú lâu dài, từ ngày đó, bà đã xung phong tham gia nhiều hoạt động xã hội. Sau nhiều năm làm Chi hội trưởng Phụ nữ, từ năm 2009 đến nay, bà đảm đương thêm vai trò tổ trưởng, trở thành người không thể thay thế của tổ dân phố. Bà thuộc địa bàn dân cư như lòng bàn tay, hiểu rõ gia cảnh các gia đình, nhà nào có mẹ già, con nhỏ, mức sống ra sao. 

Gần gũi, chia sẻ khó khăn, buồn vui với người dân là một trong nhiều bí quyết giúp bà làm tốt công tác dân vận. Biết nhà kia có mẹ già ốm đau, bà tới thăm hỏi, nhà khác mới gặp chuyện buồn, bà động viên kịp thời. Lại có hai nhà hàng xóm xích mích, một nhà dọa phá đám cưới sắp được tổ chức của nhà kia. Bà một mặt khuyên giải nhà hàng xóm nóng tính, một mặt cùng mấy chị em hội viên phụ nữ có mặt tại đám cưới, giúp gia chủ đề phòng tình huống xấu.

Thời điểm thành phố ban hành 2 quy tắc ứng xử, bà dán trên bảng thông báo của khu dân cư và phát về các hộ gia đình, lồng ghép với nội dung tuyên truyền phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” với việc thực hiện Chương trình 04/CTr-TU của Thành ủy về “Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”. Bà giải thích để người dân làm theo các quy tắc để qua đó xây dựng tổ dân phố văn minh, thanh lịch.

Bà cũng triển khai chủ trương xây dựng gia đình văn hóa, gia đình học tập, động viên người dân tham gia các tổ chức như Hội Phụ nữ để chị em chia sẻ, giúp nhau trong cuộc sống; Hội Khuyến học để nâng cao trình độ; Hội Chữ thập đỏ với tinh thần tương thân tương ái… Bà giải thích, khi người dân tham gia các tổ chức hội, không chỉ có ích cho bản thân mà còn được gắn kết với cộng đồng.

Công việc khó khăn gần đây mà bà Nguyệt đang đảm nhiệm là vận động người dân ủng hộ chủ trương cống hóa con mương trên địa bàn. Dự án được triển khai từ năm 2016, tuy nhiên vì nhiều lý do, trong đó có vướng mắc giải phóng mặt bằng mà mới hoàn thành được nửa tiến độ. Bà Nguyệt đã thuyết phục các hộ dân ở phần mương chưa được cống hóa hợp tác, trả lại phần diện tích lấn chiếm nhiều năm trước.

Rất mừng là đến nay, đa phần các hộ dân đều đồng tình. Bà Nguyệt cũng luôn có mặt trong các hoạt động giữ gìn văn minh đô thị như tham gia xóa bỏ quảng cáo rao vặt, vận động hộ dân dỡ bỏ mái tranh, mái vẩy trái phép làm ảnh hưởng bộ mặt đô thị, tổng vệ sinh đường phố. 

Nhờ đó, tại tổ dân phố số 1D, hàng năm đều đạt tỷ lệ 90 - 95% gia đình văn hóa; Tổ dân phố do bà làm tổ trưởng nhiều năm liền được công nhận là Tổ văn hóa. Người dân trên địa bàn sống hòa thuận, không có mâu thuẫn lớn, không có người mắc các tệ nạn xã hội.  

Những ngày đầu mới đảm nhiệm cương vị, bà Nguyệt cũng gặp một số khó khăn khi nhiều người nghĩ bà đã cao tuổi, lại chân yếu tay mềm thì sao làm được việc lớn. Nhưng bà đã chứng minh ngược lại. Bà đã nhiều năm được các cấp chính quyền từ phường tới thành phố ghi nhận qua nhiều giấy khen, bằng khen.

Để có thể đảm đương cùng một lúc nhiều cương vị, lại toàn ở những vị trí đầu tàu, những người phụ nữ ấy đều có chung tinh thần cống hiến, muốn được xây dựng cộng đồng tốt đẹp hơn. Các chị tâm sự, khi mỗi năm xuất hiện thêm nhiều “Xã đạt chuẩn Nông thôn mới”, “Tổ dân phố văn hóa”, “Phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị”… là sẽ có thêm những không gian, con người Thủ đô thanh lịch, văn minh. 

baophunuthudo

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video