Hà Nam: Nghệ thuật cảm hóa người lầm lỡ của nữ quản giáo

08/01/2022
"Trại giam là nơi có thể bắt gặp đủ các thành phần phức tạp nhất của xã hội, hiền lành có, nguy hiểm, lì lợm, bất cần, chống đối đều có… Muốn cảm hóa những người lầm lỡ, giúp họ thay đổi, trở thành người có ích cho xã hội thì người quản giáo phải có nghệ thuật đặc biệt - bí quyết nghề của riêng mình", Trung tá Nguyễn Quế Chinh, Phó Đội trưởng Đội Quản giáo, Trại giam Công an tỉnh Hà Nam, bộc bạch.
Trung tá Nguyễn Quế Chinh, Phó Đội trưởng Đội Quản giáo, Trại giam Công an tỉnh Hà Nam

Bản lĩnh và trái tim đa cảm của nữ quản giáo

Vừa kết thúc một vòng đi kiểm tra, thăm gặp các can phạm ở buồng giam về, Trung tá Nguyễn Quế Chinh (SN 1979) gỡ bỏ chiếc mũ kê pi và khẩu trang đặt lên bàn, khẽ lau vội những giọt mồ hôi trên trán, lộ ra gương mặt cương nghị, bản lĩnh của nữ quản giáo 23 năm trong nghề.

Công việc hàng ngày của Trung tá Nguyễn Quế Chinh là trực tiếp phụ trách, quản lý can phạm nữ có án tử hình và can phạm nữ dính án các loại ở trại giam Công an tỉnh Hà Nam. Chị cho biết: "Đối với số can phạm nhân nữ, ngay khi tiếp nhận, tôi đã nghiên cứu, đề xuất, bố trí phân loại giam giữ phù hợp, thường xuyên làm tốt công tác giáo dục chung và giáo dục cá biệt can phạm nhân. Đặc biệt tập trung giáo dục số can phạm có mức án cao tư tưởng không ổn định, không yên tâm chấp hành nội quy giam giữ, có biểu hiện tiêu cực, chống đối; số can phạm mới vào trại còn hoang mang và số can phạm chuẩn bị xét xử với mức án cao; số can phạm mắc các bệnh truyền nhiễm...".

Một trong số đối tượng quản giáo mà Trung tá Nguyễn Quế Chinh từng phụ trách là Trần Thị Nga (SN 1977), quê ở xã Nguyên Lý, huyện Lý Nhân, Hà Nam, phạm tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ngay từ lúc còn ở ngoài xã hội và cả khi bị vào Trại giam, đối tượng Nga vẫn điên cuồng chống đối, liên tục chửi bới, xúc phạm lãnh đạo Đảng, Nhà nước và lực lượng làm nhiệm vụ quản lý, đòi hỏi yêu sách trái với quy định của pháp luật. "Xác định đây là đối tượng chính trị chống đối quyết liệt sẽ gây rất nhiều khó khăn cho công tác quản lý, giáo dục của cán bộ quản giáo, bản thân tôi khi được giao nhiệm vụ đã nghiên cứu, tìm hiểu tâm lý và hoàn cảnh gia đình của đối tượng để có các biện pháp quản lý, giáo dục phù hợp, từng bước cảm hóa được đối tượng. Từ việc kiên quyết chống đối khi mới bị bắt, dần dần đối tượng Trần Thị Nga đã chấp hành nội quy cơ sở giam giữ và sự hướng dẫn của cán bộ, không còn chống đối quyết liệt như khi mới nhập trại", quản giáo Nguyễn Quế Chinh nhớ lại.

Trong 23 năm gắn bó với nghề, bản lĩnh, cứng rắn, nghiêm khắc với đối tượng chống đối quyết liệt như Trần Thị Nga nhưng trái tim đa cảm của người nữ quản giáo vẫn có lúc trùng xuống, đầy trăn trở. Đó là đối tượng Lò Thị Hạnh (SN 1981), người dân tộc thiểu số ở tỉnh Hoà Bình, vào trại với tội danh vận chuyển, mua bán trái phép ma tuý. "Mỗi lần đến thăm gặp đối tượng Hạnh, tôi đều hỏi thăm sức khoẻ, động viên như người thân", Trung tá Nguyễn Quế Chinh kể.

Trung tá, quản giáo Nguyễn Quế Chinh luôn chia sẻ, động viên các can phạm nhân nữ yên tâm cải tạo tốt.

Khác với nhiều đối tượng phạm tội buôn bán ma tuý thường có vẻ lì lợm, bất cần, liều lĩnh thì Hạnh lại có gương mặt hiền, thật thà trả lời các câu hỏi của cán bộ. Ánh mắt Hạnh luôn lo lắng, sợ hãi vì không biết ngày nào sẽ bị thi hành án tử. Chồng Hạnh cũng dính án ma tuý với án chung thân, ở nhà 2 con nhỏ phải nhờ ông bà chăm nuôi giúp. Ở buồng biệt giam, Hạnh bị cùm 1 chân và đã ở nơi này từ năm 2013, chờ ngày thi hành án. Ngay từ lúc mới vào trại, Hạnh hầu như chỉ sống chung với nước mắt hối lỗi, vật vã. Khi được quản giáo Nguyễn Quế Chinh đến thăm hỏi, Hạnh càng khóc oà vì nỗi nhớ con, nỗi ân hận vì mang trọng tội với xã hội. Khi nghe quản giáo Chinh động viên, Hạnh dần ổn định tinh thần, yên tâm cải tạo, chấp hành án tốt. Bởi Hạnh mong sao dù còn một tia sáng hy vọng le lói ngoài cánh cửa buồng giam, Hạnh cũng gắng đợi một phép màu là được Chủ tịch nước ân xá thoát án tử, có cơ hội trở về với đời, với các con và để phục thiện lầm lỗi đã gây ra.

"Bản thân tôi là quản giáo nhưng khi tiếp cận những đối tượng như Lò Thị Hạnh, tôi lại không mong thấy ngày họ phải ra pháp trường. Chỉ mong những cố gắng cải tạo tốt suốt 9 năm qua, Hạnh sẽ có cơ hội được pháp luật khoan hồng", quản giáo Nguyễn Quế Chinh trầm giọng nói. 

Sôi nổi, nhiệt huyết và là "hạt nhân" trong các hoạt động Hội

Ngoài giáo dưỡng các can phạm trong trại, Nguyễn Quế Chinh còn giữ vai trò là Chủ tịch Hội Phụ nữ Trại giam Công an tỉnh Hà Nam với thâm niên 16 năm. Dường như khi hoạt động Hội, Trung tá Nguyễn Quế Chinh lột bỏ đi nét nghiêm ngắn đời thường của nữ quản giáo, thay vào đó là cán bộ Hội năng động, nhiệt huyết với nghề. Chị tổ chức nhiều chuyên đề, phong trào thi đua, các cuộc vận động, các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục, thể thao... để hoạt động Hội phụ nữ ý nghĩa và có hiệu quả thiết thực nhất.

"Bản thân tôi cũng luôn là hạt nhân tích cực tham gia các hoạt động như: trực tiếp tham gia các Hội thi về văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao và đều đạt thành tích cao: 1 giải Vàng, 1 giải Bạc tại Đại hội thể dục thể thao tỉnh Hà Nam. Liên tục các năm tôi đều đạt thành tích cao và được khen thưởng tại Giải Chiến sĩ Công an khỏe do Công an tỉnh tổ chức. Tôi đã có 10 năm liên tục với hơn 20 lần tham gia hiến máu tình nguyện và được Tổng cục trưởng Tổng cục Hậu cần tặng bằng khen…", Trung tá Chinh vui vẻ kể.

Chị đã cùng với Ban chấp hành Hội Phụ nữ Trại giam tham mưu cho Đảng ủy, lãnh đạo đơn vị phối hợp với Đoàn thanh niên đơn vị xây dựng kế hoạch và tổ chức thành công trên 20 buổi tuyên truyền pháp luật cho nhân dân, học sinh tại địa bàn xã Thanh Sơn, huyện Kim Bảng (Hà Nam). Tại các buổi tuyên truyền, chị trực tiếp biên soạn giảng bài, cung cấp kiến thức cho bà con nhân dân, hội viên, đoàn viên và được nhân dân đón nhận sôi nổi. Cũng ở các buổi tuyên truyền, chị còn trao tặng 7-10 suất quà cho các hộ gia đình khó khăn và các em học sinh hoàn cảnh khó khăn học giỏi. Chị cũng chủ động tổ chức cho Hội Phụ nữ Trại tạm giam duy trì, nhận đỡ đầu 2 cháu học sinh trên địa bàn có hoàn cảnh gia đình khó khăn, vươn lên trong học tập từ năm 2016 đến nay với mức hỗ trợ 200.000đ và 500.000đ/tháng.

Hội Phụ nữ và Đoàn Thanh niên Trại giam thăm, tặng quà gia đình khó khăn trên địa bàn đơn vị công tác.

"Mình có kiến thức pháp luật, lại nhiều năm gắn bó với nghề quản giáo, nên phải tranh thủ mọi cơ hội tuyên truyền phòng tránh các tệ nạn xã hội, về phòng chống xâm hại tình dục trẻ em, phòng chống bạo lực gia đình…, để không bỏ phí kiến thức của mình, lại giúp được người dân và học sinh hiểu biết và không vi phạm pháp luật", Trung tá Nguyễn Quế Chinh cười tươi, chỉnh lại trang phục, đội chiếc mũ kê pi của người chiến sĩ công an bước nhanh về khu trại giam tiếp tục công việc thường ngày.

Vóc dáng thanh mảnh cùng nụ cười ấm áp của nữ quản giáo còn ẩn bên trong nhiều bí quyết mà dường như các phạm nhân ở Trại giam Công an tỉnh Hà Nam đều kiêng nể, cảm phục và tin yêu chị.

PNVN

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video