Gương phụ nữ vươn lên thay đổi cuộc sống từ những khó khăn

06/04/2022
- Bình Định: Nghị lực khởi nghiệp của phụ nữ khuyết tật
- Đắk Lắk: Vượt qua những lỗi lầm trong quá khứ để tự tin tái hòa nhập cộng đồng
Chị Tạ Thị Mười đang cho heo ăn

- Bình Định: Nghị lực khởi nghiệp của phụ nữ khuyết tật

Nhắc đến hoàn cảnh của chị Tạ Thị Mười, sinh năm 1970, hội viên chi hội phụ nữ khu phố Ngọc An Tây, phường Hoài Thanh Tây, thị xã Hoài Nhơn, tuy một vụ tai nạn giao thông đã cướp đi một cánh tay trái của chị vào thời điểm mà tuổi xuân đang tràn đầy sức sống nhưng không vì đó mà nhụt chí, chị quyết tâm vươn lên khởi nghiệp khẳng định bản thân.

Kể về thời điểm sau khi bị tai nạn, chị tâm sự: “Bị mất một phần cơ thể vào thời điểm đẹp nhất của cuộc đời con gái tôi cảm thấy tự ti, mặc cảm, xấu hổ với bạn bè, hàng xóm nên 5 năm trời chỉ ở quanh quẩn trong nhà không dám ra ngoài. Mọi sinh hoạt tôi đều nhờ vào chị dâu và anh trai, nhưng cuộc sống kinh tế của gia đình anh chị không mấy khá giả, đôi lúc nảy sinh mâu thuẫn, bản thân thấy mình trở thành gánh nặng cho gia đình, đến năm 23 tuổi tôi thay đổi suy nghĩ, gạt bỏ tự ti, phải tự kiếm tiền bằng chính sức lao động của bản thân. Nhiều đêm suy nghĩ với điều kiện sức khỏe của mình, bản thân mạnh dạn chọn nghề mua bán nhỏ lẻ để khởi nghiệp”.

Chị Mười bên sạp rau nhỏ

 

Xuất phát từ làng quê có nghề truyền thống tráng bánh tráng mì và bánh tráng nước dừa các loại, bằng chiếc xe đạp của anh trai cho, chị tới nhà lò thu mua bánh, sau đó chở xuống các chợ bán. Do phụ thuộc vào nguồn sản xuất nên một năm chỉ đi mua được vào vài tháng nắng, còn ngày mưa chị không có việc làm, giai đoạn này kinh tế gia đình lại chật vật cộng thêm biến cố trong cuộc sống gia đình, thu nhập bình quân của chị chỉ có 30.000 - 50.000 đồng/ngày. Để giảm bớt gánh nặng cho anh trai, với số vốn ít ỏi dành dụm thời gian qua và tiền của mẹ, chị và mẹ cất chòi nhỏ trên mảnh đất ông bà để lại ra sống riêng và mở sạp rau nhỏ. Từ sạp rau này, chị dành dụm tiền tiếp tục đầu tư thêm chuồng trại, tranh thủ thời gian rảnh nuôi 2 con heo sinh sản để kiếm thêm thu nhập. Đến nay, thu nhập bình quân mỗi tháng từ 3 - 5 triệu đồng, chị đã có điều kiện tự chủ kinh tế nuôi sống bản thân và chăm sóc mẹ già.

Công việc buôn bán bận rộn quanh năm nhưng chị vẫn luôn sắp xếp để tham gia sinh hoạt phong trào phụ nữ, sinh hoạt tại khu dân cư, chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Những kết quả đạt được từ chính sự nổ lực của chị Mười đã làm lan tỏa tinh thần lạc quan và sự tin tưởng vào một tương lai tươi sáng cho nhiều chị em phụ nữ khuyết tật cùng cảnh ngộ.

- Đắk Lắk: Vượt qua những lỗi lầm trong quá khứ để tự tin tái hòa nhập cộng đồng

Chị Nguyễn Thị Hồng ngụ tại thôn 4, xã EaRăl, huyện Ea H’Leo từng bị kết án 6 tháng tù về tội tiêu thụ sản phẩm của người phạm tội, sau khi chấp hành xong án phạt trở về địa phương, cuộc sống của chị Hồng gặp rất nhiều khó khăn, nhà nghèo, chồng mất, các con còn nhỏ dại, bản thân không có nghề nghiệp; thêm vào đó chị luôn mặc cảm, tự ti về quá khứ lầm lỗi của mình. Biết được hoàn cảnh đó, cán bộ Hội phụ nữ xã đã đến thăm hỏi, quan tâm, chia sẻ, động viên tinh thần, hỗ trợ quần áo, các nhu yếu phẩm thiết yếu, tiền, ngày công lao động… đồng thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của chị.

Chị Nguyễn Thị Hồng (mặc áo dài xanh) chia sẻ tại Diễn đàn

 

Nhận thấy chị có nhu cầu về vốn để phát triển kinh tế, đầu năm 2015, Hội phụ nữ xã EaRăl tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội giúp chị vay 20 triệu đồng để cải tạo vườn cà phê đã bị già cỗi. Bên cạnh đó, Hội LHPN huyện Ea H’Leo, Hội LHPN tỉnh đã trao tặng cho chị 1 con bò sinh sản, trị giá 16 triệu để chị phát triển kinh tế. Từ sự giúp đỡ của các cấp Hội cùng với sự cố gắng, nỗ lực, chịu thương, chịu khó, chăm chỉ miệt mài, đến nay chị đã cải tạo và trồng được 200 cây cà phê xen canh 250 trụ tiêu, cho thu hoạch hàng năm khoảng 1 tấn cà phê và 8 tạ tiêu; đàn bò đã nhân rộng ra được thêm 4 con, giúp chị có nguồn thu nhập ổn định để trang trải cuộc sống và nuôi con ăn học. Năm 2021, chị đã xây dựng được ngôi nhà cấp 4 khang trang với tổng trị giá trên 300 triệu đồng, trong đó Hội phụ nữ xã hỗ trợ cho gia đình chị 15 triệu đồng.

Không chỉ là một phụ nữ giàu nghị lực, tự tin hòa nhập cộng đồng, vươn lên làm giàu chính đáng, hiện nay chị Hồng còn là hội viên tích cực đi đầu trong các phong trào của Hội, là một tuyên truyền viên tích cực về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, về các hoạt động Hội để chị em hội viên phụ nữ trong thôn nhận thức đúng và không vi phạm pháp luật. Năm 2021, chị vinh dự được Hội LHPN tỉnh mời chia sẻ tại diễn đàn “Rèn luyện phẩm chất đạo đức: Tự tin – Tự trọng – Trung hậu – Đảm đang và học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Hội LHPN thị xã Hoài Nhơn; Phạm Thị Len

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video