Gương phụ nữ tự vươn lên thoát nghèo với mô hình sản xuất, trồng trọt

21/12/2021
- Hậu Giang: Chị Nguyễn Thị Thuý Kiều làm giàu từ mô hình trống nấm bào ngư
- Đắk Lắk: Chị H Liết MLô - phụ nữ dân tộc thiểu số sáng tạo với nhiều ý tưởng phát triển kinh tế
Chị Nguyễn Thị Thuý Kiều đang chăm sóc các meo chai nấm bào ngư

- Hậu Giang: Hiệu quả kinh tế từ mô hình trống nấm bào ngư

Chị Nguyễn Thị Thúy Kiều, hội viên tại chi hội phụ nữ ấp Tân Quới Lộ, xã Bình Thành, Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang đã vươn lên phát triển kinh tế với mô hình trồng nấm bào ngư – mô hình còn tương đối mới trên địa bàn xã. Thời gian trước, kinh tế gia đình chị Kiều chủ yếu dựa vào nên nông nghiệp thuần nông, chủ yếu là trồng cây có múi, chăn nuôi lợn, gà nên thu nhập hàng năm thấp. Đến đầu năm 2018, chị được các cấp Hội tuyên truyền, tập huấn kiến thức về hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, các chính sách hỗ trợ và khuyến khích phát triển sản xuất để phát triển kinh tế gia đình, ngoài ra chị còn được tham quan học tập thực tế tại Hàn Quốc với các mô hình nông nghiệp công nghệ cao. Với các kinh nghiệm đã được học tập qua thực tế, qua mạng internet, sách báo, chị Kiều quyết định đầu tư phát triển mô hình trồng nấm bào ngư.

Bước đầu gia đình chị đã đầu tư hơn 70 triệu đồng trong đó bao gồm: nhà nấm có diện tích 120m2; lắp đặt 9 kệ bằng inox, chắc chắn để chịu được sức nặng của phôi nấm; 5 triệu chai meo chi phí đầu tư khoảng 6.000 đồng/chai; đặc biệt là hệ thống phun sương, tưới mưa được thiết kế phù hợp với tiêu chuẩn kỹ thuật nhằm đảm bảo thích hợp về khoản thời gian. Theo chị, việc trồng nấm bào ngư rất dễ chăm sóc và thu hoạch được nhiều đợt, chi phí đầu tư cũng không cao, tuy nhiên phải nắm chắc kiến thức, kỹ thuật trồng thì nấm mới đạt chất lượng chuẩn.

Nhà trồng nấm phải sạch sẽ, cao ráo, thoáng khí, thoát nước và giữ được độ ẩm. Sau đó, lựa chọn phôi nấm chất lượng tốt, phôi nấm sau khi đem về để lên meo khoảng 2 tháng mở bông gòn ra rồi đậy nắp lại khoảng 10 ngày mở nắp ra, sau đó tưới nước bằng hệ thống phun sương cho có độ ẩm để nấm dễ mọc, một ngày tưới nước 1 - 2 lần. Khi thấy xung quanh nút chai có sợi tơ thì tiến hành tháo nút, khoảng 6 ngày sau nấm bắt đầu mọc ra, tùy theo kích cỡ nấm mà tiến hành thu hoạch. Sau khi thu hoạch nấm xong thì tiến hành vệ sinh nút phôi cho sạch sẽ rồi đậy nắp phôi lại tiếp tục tiến hành tưới nước theo dõi phôi nấm khoảng 15 ngày sau là bắt đầu cho thu hoạch lứa tiếp theo. Như vậy, từ lúc phôi ban đầu tới khoảng 2 – 2,5 tháng là đã có thể thu hoạch được nấm, sau đó khoảng 15 ngày, thu hoạch 1 lần. Bên cạnh đó, chị cũng chia sẻ khó khăn lớn nhất đối với việc trồng nấm bào ngư là nấm thường hay mắc các bệnh mốc đặc biệt là mốc xanh, bệnh này gây hại cho phôi, tiêu diệt phôi khiến phôi nấm không thể ra tai. Nên nếu phát hiện bệnh mốc xanh, bịch phôi ấy sẽ phải bỏ, để tránh ảnh hưởng tới chất lượng của nấm.

Với cách làm mới, lạ, tỉ mỉ và cẩn thận, chị đã chia số lượng đợt giống cho phù hợp, nhằm tập trung chăm sóc tốt nhất cho từng đợt nuôi nấm và thu hoạch. Chị chia 9 kệ thành 4 đợt nuôi nấm, nuôi kế tiếp theo thời gian của từng đợt, mỗi lần thu hoạch được 2 kệ, khoảng từ 40 – 45kg, giá bán từ 30 – 50 nghìn đồng/kg, mỗi tháng chị thu hoạch được 3 - 4 lứa. Qua mỗi tháng thu hoạch nấm cho từng đợt gieo, gia đình chị Kiều thu lợi nhuận khoảng chục triệu đồng từ mô hình trồng nấm bào ngư, đem lại cuộc sống cho gia đình chị sung túc hơn từ mô hình làm ăn hiệu quả này.

Ngoài ra, chị còn tham gia tốt các hoạt động phong trào do Hội phát động và vận động chị em mạnh dạn chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế theo hướng phù hợp. Bên cạnh đó, chị đang hỗ trợ cho 2 chị em về kỹ thuật, một số kinh nghiêm, cung cấp thị trường tiêu thụ cho các hộ gia đình để nhân rộng mô hình trồng nấm bào ngư tại địa phương.

- Đắk Lắk: Gương phụ nữ dân tộc thiểu số với nhiều ý tưởng phát triển kinh tế

Đó là chị H Liết MLô, sinh năm 1962 tại buôn Tring, phường An Lạc, thị xã Buôn Hồ. Năm 2016, hưởng ứng chương trình “100 con bò sinh sản - Chung tay cùng phụ nữ nghèo” do Tỉnh hội phát động, chị đã được Hội LHPN phường kêu gọi các mạnh thường quân và cán bộ hội viên ủng hộ trao tặng 1 con bò sinh sản, trị giá 15 triệu đồng để phát triển kinh tế. Ngoài nguồn thức ăn xanh, chị còn chú trọng cho bò ăn thêm thức ăn tinh như cám, ngô và cho tiêm phòng đầy đủ, chỉ sau 1 năm, bò đã sinh 1 bê con. Bên cạnh đó, để có thêm thu nhập, chị còn tham gia “nuôi rẽ” với 1 hộ hội viên trong buôn, mỗi năm có bê con thì được nhận luân phiên. Cứ thế, sau 5 năm, gia đình chị Hliết MLô đã có 1 đàn bò với 7 con bò và bê.

Chị H Liết Mlô bên chuồng bò của gia đình

Với tính cần cù, chăm chỉ làm ăn của chị, Hội LHPN Phường đã đứng ra tín chấp với Ngân hàng chính sách xã hội thị xã hỗ trợ chị vay thêm 20 triệu đồng mua 2 sào ruộng nước, hàng năm cho thu hoạch từ 1- 1,2 tấn thóc. Xác định để phát triển kinh tế cần phải có kiến thức, nên chị đã cùng chồng tích cực tham gia các buổi tập huấn chuyển giao khoa họa kỹ thuật về chăm sóc cây cà phê do Hội LHPN, Hội nông dân phường phối hợp tổ chức để tìm hiểu và áp dụng khoa học kỹ thuật trong tái canh cà phê. Chị tiếp tục trồng mới, thay thế những cây già cỗi, kém năng suất, cộng thêm nguồn phân chuồng từ đàn bò, sản lượng cà phê cũng tăng dần lên theo từng năm, trước đây 3 sào cà phê chỉ thu hoạch được khoảng 5 tạ, nay đã tăng lên 1 tấn/năm, sau khi trừ đi chi phí, thu được từ 20-30 triệu đồng.

Nhận thấy nhu cầu mua thực phẩm tiêu dùng hàng ngày của bà con nhiều, vì vậy, chị đã có ý tưởng mở thêm quán hàng tạp hóa với những mặt hàng thông dụng, nhiều loại, giá cả hợp lý bán tại nhà, vừa có thu nhập vừa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của bà con trong buôn. Với nguồn thu nhập từ đàn bò, quầy tạp hóa và hơn 3 sào cà phê, hàng năm, gia đình chị thu được hơn 50 triệu đồng đã trừ mọi chi phí đã giúp cho kinh tế gia đình ngày càng phát triển hơn.

Không những tập trung phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo, chị H Liết MLô còn là hội viên phụ nữ nhiệt tình, sôi nổi trong các phong trào của Hội. Chị luôn được chị em hội viên trong chi hội quý mến bởi sự hòa đồng, thân thiện, là tấm gương sáng của chị em phụ nữ trong buôn nỗ lực vươn lên.

 

An Là; Thanh Huyền

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video