Gương mặt được trao giải thưởng Phụ nữ Việt Nam năm 2021: “Bà trùm” phường Xoan cổ duy nhất của vùng đất Tổ

13/10/2021
Bằng tình yêu mãnh liệt dành cho nghệ thuật hát Xoan, nghệ nhân Nguyễn Thị Lịch đã dành cả cuôc đời tâm huyết với việc truyền dạy, lưu giữ, bảo tồn và phát triển bộ môn nghệ thuật này, góp phần đưa hát Xoan trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Nghệ nhân Nguyễn Thị Lịch tâm huyết truyền dạy hát xoan cho thế hệ trẻ (nguồn ảnh: VOV)

Nghệ nhân Nguyễn Thị Lịch sinh năm 1950 trong một gia đình có 5 đời hát Xoan ở làng An Thái, xã Phượng Lâu, thành phố Việt Trì (Phú Thọ). Bà có ông nội và cha đều là những nghệ nhân, trùm Xoan nổi tiếng, còn mẹ cũng là một cô đào nức tiếng trong vùng. Trong gia đình còn có chú và các cô ruột đều là những nghệ nhân có tiếng của phường Xoan xóm Chùa - An Thái thời kỳ trước cách mạng tháng Tám. Trưởng thành trong chiếc nôi gia đình như vậy nên bà Lịch được thừa hưởng và bồi đắp khả năng tự nhiên và đặc biệt với hát Xoan.

Năm lên 9 tuổi, bà được ông nội và cha truyền dạy làn điệu và cho đi theo tại các cuộc trình diễn hát Xoan trong các lễ hội ở đình làng. Đến năm 13 tuổi, bà gần như đã thuộc hết 14 làn điệu và trở thành đào nương trẻ tuổi của làng. Thời đó, người biết trình diễn Xoan ít nên ngoài vai trò đào Xoan, bà phải đảm nhiệm cả kép trống và dẫn cách khi trình diễn tại lễ hội đình của các địa phương.

Bà Lịch cho biết: Khi bà bước chân vào nghề Xoan chưa được bao lâu thì chiến tranh rồi nạn đói ập xuống, ngôi làng mất đi những trùm xoan, những gánh hát giải thể, phiêu bạt khắp nơi. Tuy phường Xoan không còn nhưng chưa bao giờ trong ngôi nhà của bà vắng tiếng hát Xoan. Bà cùng mọi người vẫn tự tổ chức tập luyện tại nhà và tranh thủ truyền dạy cho nhau mọi lúc, mọi nơi. Với tình yêu Xoan, cha bà đã quyết tâm khôi phục lại phường Xoan. Ban đầu ông tìm lại tư liệu, rồi tập hợp những người biết hát Xoan trong vùng. Giấc mơ về một phường Xoan mới của cha con bà dần trở thành hiện thực.

Hòa bình lập lại, năm 1979, bà Lịch tự mình thành lập một nhóm hát Xoan gồm 15 người ở nhiều độ tuổi và bà là người truyền dạy. Việc làm của bà được nhân dân và chính quyền địa phương hết sức ủng hộ. Sau đó, bà cùng mọi người trình diễn hát Xoan trong các dịp lễ hội đầu năm. Điều này rất quan trọng với việc nối lại truyền thống sinh hoạt văn hóa ở các địa phương và hết sức ý nghĩa để hát Xoan được bảo tồn và lan tỏa. Thời gian này, bà gần như thay cha đảm nhiệm mọi việc từ truyền dạy, tập luyện đến tổ chức trình diễn của phường Xoan. Khi cha qua đời, bà Lịch đã tiếp quản mọi công việc của phường xoan từ năm 1997.

Năm 1998, Câu lạc bộ hát Xoan An Thái, xã Phượng Lâu được thành lập. Bà Lịch được chính quyền và nhân dân tín nhiệm bầu là Chủ nhiệm Câu lạc bộ. Đây là khoảng thời gian hoạt động mạnh mẽ của hát Xoan. Hát Xoan vừa được trình diễn tại các đình làng, vừa trình diễn trong các cuộc liên hoan, hội diễn văn hóa văn nghệ của tỉnh và quốc gia. Vì thế, người theo học hát Xoan đông hơn. Những gương mặt nghệ nhân Xoan sau này đều do bà Lịch truyền dạy. Bà vừa truyền dạy kỹ năng hát dẫn, đánh trống của kép, vừa truyền dạy cả kỹ năng hát múa của đào. Với loại hình nghệ thuật biểu diễn truyền thống như hát Xoan, có được người am hiểu tường tận, toàn diện và tâm huyết như nghệ nhân Nguyễn Thị Lịch là điều thật quý giá.

Phường Xoan của bà ngày càng thu hút được sự tham gia của nhiều người yêu Xoan. Đến nay số lượng thành viên của phường Xoan là 107 người với 5 thế hệ tiếp nối nhau, cao nhất 94 tuổi và nhỏ nhất là 6 tuổi. Hiểu sâu sắc những giá trị mà hát Xoan mang lại cho cộng đồng nên nghệ nhân Nguyễn Thị Lịch liên tục mở lớp truyền dạy miễn phí hát Xoan cho các em nhỏ trong xã. Phường Xoan đến nay đã nhân rộng và duy trì hiệu quả 25 Câu lạc bộ hát Xoan cho hội viên, phụ nữ, duy trì sinh hoạt 2 lần mỗi tháng.

Ghi nhận sự đóng góp của nghệ nhân Nguyễn Thị Lịch, năm 2005, bà được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian; năm 2011, bà được Viện Âm nhạc tặng Giấy khen vì có thành tích trong công tác bổ sung xây dựng hồ sơ hát xoan Phú Thọ; năm 2012, được Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ tặng Bằng khen và phong tặng danh hiệu Nghệ nhân. Năm 2015, bà được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú.

Nghệ nhân Nguyễn Thị Lịch là một trong những cá nhân tiêu biểu được nhận Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam năm 2021.

Hương Nhung

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video