Góp ý dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi): Cần phát huy vai trò của phụ nữ và tổ chức Hội LHPN Việt Nam trong tham gia giữ gìn, bảo vệ môi trường

18/09/2020
Chiều 18/9, TW Hội LHPN Việt Nam đã tổ chức hội thảo tham vấn ý kiến chuyên gia về đề xuất lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi)
Các đại biểu tham gia hội thảo

Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) đã được thảo luận cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV và chuẩn bị họp thông qua tại kỳ họp thứ 10.

Trong quá trình xây dựng Luật, Hội LHPN Việt Nam đã có ý kiến về hồ sơ Luật. Một số ý kiến của Hội đã được Ban soạn thảo nghiên cứu tiếp thu.

Để giúp Hội tiếp tục phản biện xã hội Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), chiều 18/9, TW Hội LHPN Việt Nam đã tổ chức hội thảo tham vấn ý kiến chuyên gia về đề xuất lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong dự thảo Luật này.

Tại Hội thảo, các ý kiến đã tập trung thảo luận cho ý kiến một số nội dung sau:

Về đánh giá tác động môi trường: Trong dự thảo Luật (DTL) đã bổ sung một số quy định nhằm cụ thể hóa và làm rõ về tham vấn cộng đồng. Tuy nhiên, đa số ý kiến tại hội thảo đều cho rằng, tham vấn cộng đồng mục đích cuối cùng là tạo sự đồng thuận của người dân đối với các dự án đầu tư. Ý kiến cộng đồng cần được coi là cơ sở, căn cứ để nghiên cứu, tiếp thu trong quá trình xây dựng luật chứ không chỉ đơn thuần chỉ để tham khảo. Từ đó, đề nghị DTL quy định rõ để đảm bảo tính thực chất, tham vấn được đầy đủ các thành phần, nhóm đối tượng, trong đó chú ý đến yếu tố giới, đảm bảo có sự tham gia của cả nam giới và phụ nữ trong quá trình tham vấn; phản ánh đủ thông tin, nhu cầu, nguyện vọng của từng giới, từng nhóm đối tượng trước những tác động do môi trường gây ra khi xây dựng dự án, chú ý đối tượng yếu thế, khuyết tật, dân tộc thiểu số... Có ý kiến đề nghị bổ sung quy định về trách nhiệm của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội trong tham vấn cộng đồng.

Về lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong ứng phó với BĐKH: Nhiều ý kiến đề nghị DTL cần có quy định đảm bảo sự nhạy cảm giới trong việc đánh giá tác động, trình trạng dễ bị tổn thương, rủi ro, tổn thất, thiệt hại do BĐKH và đảm bảo thực hiện lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong dự báo phát triển kinh tế - xã hội; trong triển khai thực hiện hoạt động thích ứng với BĐKH. Quy định các vấn đề về quản lý quan trắc môi trường, thông tin, cơ sở dữ liệu môi trường và báo cáo môi trường cần được phân tách giới.

Về quy định quyền, trách nhiệm của MTTQ Việt Nam các tổ chức chính trị - xã hội, trong đó có tổ chức Hội LHPN Việt Nam: DTL có quy định quyền, trách nhiệm của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội (điều 162, 163). Trong đó, khoản 3 điều 163 có quy định cụ thể trách nhiệm của từng tổ chức.

Trên thực tế, nhiều năm qua, Hội LHPN Việt Nam đã chỉ đạo và triển khai có hiệu quả công tác bảo vệ môi trường thông qua nhiều mô hình/hoạt động phong phú, qua đó đã thu hút được sự hưởng ứng, tham gia tích cực của đông đảo hội viên, phụ nữ và nhân dân địa phương. Đặc biệt, từ thành công cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” do Đoàn Chủ tịch TW Hội phát động từ năm 2009, Hội đã đề xuất và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đưa Cuộc vận động vào Chương trình MTQG về Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020.

Từ đó, một số đại biểu đến từ Hội LHPN các tỉnh, thành như Hà Nội, Bắc Ninh đề nghị cần có quy định quyền, trách nhiệm của Hội LHPN trong phát huy vai trò của phụ nữ trong thực hiện phân loại rác thải tại nguồn; giảm thiểu rác thải nhựa; vệ sinh môi trường đường làng ngõ xóm.

Bày tỏ quan tâm tới một trong những điểm mới của dự thảo Luật về quy định về mua sắm xanh, các đại biểu cho rằng, Quy định này gắn với việc phụ nữ thường tham gia vào các hoạt động mua sắm, tiêu dùng, vì vậy, cần có quy định về trách nhiệm của tổ chức Hội và vai trò nòng cốt hội viên, phụ nữ trong việc vận động mua sắm xanh.

Cần có quy định chặt chẽ, tạo cơ chế, nguồn lực đảm bảo tham gia có hiệu quả, phát huy được trách nhiệm, thế mạnh, vai trò của các tổ chức chính trị- xã hội trong đó có Hội LHPN Việt Nam về tham gia thực hiện các quy định của pháp luật về môi trường (tổ chức tuyên truyền, đưa luật vào cuộc sống); tổ chức các hoạt động hỗ trợ hội viên, đoàn viên và người dân thực hiện Luật; tham gia đánh giá tác động của luật và các dự án có liên quan đến môi trường trên các phương diện về giới, sức khỏe, sinh sản, sự phát triển bền vững; tham giai giải quyết các vấn đề phát sinh, các vụ việc vi phạm về môi trường tại địa phương; tham gia giám sát thực hiện luật, các đóng góp phản biện xã hội trong quá trình xây dựng, thực hiện luật.

VH

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video