Góp phần làm giảm tình trạng mang thai ở tuổi vị thành niên

14/11/2013
Tỷ lệ nạo phá thai ở tuổi vị thành niên (VTN) của Việt Nam cao nhất Đông Nam Á và đứng thứ 5 trên thế giới với trung bình khoảng 300.000 ca mỗi năm; tỷ lệ VTN có thai trong tổng số người mang thai cũng liên tục tăng qua các năm… đây là những thông tin đáng quan ngại về tình trạng mang thai ở tuổi VTN ở nước ta được đưa ra tại Tọa đàm “Tạo cơ hội bình đẳng, phát triển cho trẻ em gái và giảm mang thai vị thành niên” do Hội LHPN Việt Nam tổ chức ngày 12/11/2013.

Bác sĩ Mai Xuân Phương - Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông - giáo dục, Tổng cục Dân số kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) cho biết: Theo thống kê ở Việt Nam, cứ 5 ca nạo phá thai thì một ở tuổi vị thành niên, trung bình mỗi năm có khoảng 300.000 ca nạo hút thai ở tuổi 15-19, trong đó 60 - 70% là học sinh, sinh viên. Tại khắp các vùng miền, nhất là thành thị, tuổi vị thành niên có xu hướng quan hệ tình dục ngày càng sớm. Các em hầu như chưa có gia đình, phá thai là biện pháp duy nhất để không phải làm mẹ ngoài ý muốn. Theo Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em (Bộ Y tế), tỷ lệ vị thành niên có thai trong tổng số người mang thai tăng liên tục qua các năm: Năm 2010 là 2,9%; năm 2011 là 3,1%; năm 2012 là 3,2%, tương ứng tỷ lệ phá thai ở lứa tuổi này là 2,2% (2010), 2,4% (2011) và 2,3% (2012). Đây không chỉ là một gánh nặng, thách thức lớn cho công tác dân số nước ta, mà đáng lưu tâm hơn là nó để lại những hậu quả nghiêm trọng cho thế hệ trẻ, đặc biệt là cho những trẻ em gái.

Nhằm góp phần tháo gỡ tình trạng trên, nâng cao nhận thức của các cơ quan, ban, ngành, cán bộ, hội viên phụ nữ, tăng cường sự chia sẻ của cộng đồng và toàn xã hội trong việc tạo điều kiện, bảo đảm quyền lợi của trẻ em gái trong học tập và vai trò của gia đình trong giảm thiểu mang thai VTN, tại tọa đàm, các đại biểu đã tập trung thảo luận nguyên nhân và các giải pháp để trẻ em gái được bình đẳng, phát triển. Theo các đại biểu, nguyên nhân của thực trạng trên là do tảo hôn và quan hệ tình dục trước hôn nhân; xã hội cũng như luật pháp chính sách còn chưa chú ý, quan tâm tới những đặc thù của các em gái (đối tượng có nguy cơ bị bạo lực, xâm hại… cao) để có các biện pháp chăm sóc, giáo dục, bảo vệ phù hợp; các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, tình dục còn chưa được phổ biến rộng rãi; giới trẻ chưa được trang bị đầy đủ kiến thức về giới tính; tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục không dễ dàng, đặc biệt là VTN, thanh niên sống ở vùng nông thôn và các khu vực người dân tộc thiểu số sinh sống...

Tại Tọa đàm, các đại biểu cũng kiến nghị cần thiết phải tăng cường tuyên truyền, vận động người dân về quyền bình đẳng, phòng chống phân biệt đối xử với trẻ em gái và bảo vệ các em trước các nguy cơ; xây dựng các mô hình câu lạc bộ cha mẹ - con cái, mô hình hợp tác gia đình - nhà trường để tăng cường sự quản lý giáo dục đối với trẻ; đưa việc giáo dục sức khỏe sinh sản, phòng tránh thai… vào chương trình chính khóa trong nhà trường; khuyến cáo cần có sự giáo dục, kèm cặp con cái từ mỗi gia đình; đặc biệt trang bị cho trẻ em gái kiến thức và kỹ năng tự bảo vệ cần thiết; tạo cơ hội và thu hút trẻ em gái tham gia các hoạt động xã hội… Các đại biểu cũng khẳng định, trong những giải pháp này, vai trò của người mẹ là vô cùng quan trọng. “Người gần gũi các em hơn ai hết trong gia đình có thể hướng dẫn, cung cấp cho các em kiến thức về sức khỏe sinh sản là người mẹ. Đặc biệt, trong giai đoạn trẻ dậy thì, lúc tâm sinh lý có nhiều thay đổi thất thường thì rất cần sự có mặt của người mẹ”. Bà Đinh Thị Tuyết Nhung – Phó Trưởng ban Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế - TW Hội LHPN Việt Nam khẳng định. Bà Nhung cũng cho biết, do xác định được tầm quan trọng của người mẹ trong giáo dục con cái, tăng cơ hội bình đẳng, phát triển cho trẻ em gái và giảm mang thai VTN, trong thời gian qua, các cấp Hội Phụ nữ Việt Nam đã có nhiều hoạt động hỗ trợ, tạo điều kiện để người mẹ có thêm nhiều thời gian bên con, tăng cường các biện pháp truyền thông nâng cao nhận thức của người mẹ.

Tọa đàm “Tạo cơ hội bình đẳng, phát triển cho trẻ em gái và giảm mang thai vị thành niên” là một trong nhiều hoạt động Hội LHPN Việt Nam triển khai thực hiện Kế hoạch hoạt động Đề án Giáo dục 5 triệu bà mẹ nuôi, dạy con tốt và Chương trình Mục tiêu quốc gia về Dân số Kế hoạch hóa gia đình năm 2013. Phát biểu kết luận Tọa đàm, Phó Chủ tịch Hội LHPN Trần Thị Hương trân trọng cảm ơn sự quan tâm, tham gia thảo luận nhiệt tình của các đại biểu đồng thời ghi nhận, đánh giá cao tính thiết thực, sâu sát của các ý kiến đóng góp. Phó Chủ tịch khẳng định, Hội LHPN Việt Nam sẽ tiếp thu những ý kiến này để xây dựng các chương trình, đưa ra những hành động, can thiệp cụ thể để hỗ trợ tạo cơ hội bình đẳng, phát triển cho trẻ em gái, đặc biệt là góp phần chung tay cùng với xã hội làm giảm tình trạng mang thai tuổi VTN.

Phạm Hồng

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video