Giúp nữ trí thức đưa sản phẩm nghiên cứu ra thị trường

28/02/2013
Nữ trí thức Việt Nam ngày càng đông đảo, có nhiều đóng góp vào sự phát triển khoa học, kinh tế - xã hội của đất nước bằng các công trình nghiên cứu có tính ứng dụng thực tế cao.

Tuy nhiên, hiện nay các nữ khoa học có những sản phẩm nghiên cứu tốt nhưng đưa ra ứng dụng hoặc thương mại hóa còn nhiều hạn chế. Cụ thể như khả năng tiếp cận các nguồn vốn, quỹ đầu tư để hoàn thiện và chuyển giao công trình khoa học; phát triển thương hiệu; khả năng nghiên cứu thị trường, trình độ quản lý, điều hành kinh doanh hạn chế; sự kết nối mạng lưới với doanh nghiệp sản xuất, nhà phân phối và nhiều tiêu dùng còn yếu…Những khó khăn đó khiến không ít sản phẩm, công trình nghiên cứu phải “cất trong tủ”.

Theo GS.TSKH Phạm Thị Trân Châu, Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam, các nữ khoa học ở Việt Nam phải kiêm nhiệm nhiều việc ngoài chuyên môn. Họ vừa là nhà nghiên cứu, vừa phải xúc tiến đưa công trình khoa học của mình vào sử dụng, thương mại hóa. Cách làm “kiêm nhiệm” này làm ảnh hưởng tới chất lượng nghiên cứu của nữ khoa học, làm chậm quá trình ứng dụng cho sản phẩm, công trình vào cuộc sống.

Để nâng cao đóng góp của nữ trí thức cho kinh tế, xã hội, tạo ra một diễn đàn kết nối các ý tưởng và nguồn lực của giới nữ trí thức, thúc đẩy ứng dụng và thương mại hóa các công trình khoa học hiệu quả hơn, Hội Nữ trí thức Việt Nam phối hợp với Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), Chương trình Đối tác Đổi mới Sáng tạo Việt Nam - Phần Lan… vừa tổ chức họp báo ra mắt chương trình “Phụ nữ với sở hữu trí tuệ và nghiên cứu khoa học”. Chương trình có 12 buổi tọa đàm/năm, phát sóng định kỳ vào 10h thứ 7 của tuần thứ 4 hàng tháng trên VTC1 - Đài truyền hình Kỹ thuật số VTC.

Mỗi cuộc tọa đàm có chủ đề khác nhau trong các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, y dược… giúp các nữ khoa học công bố các chương trình có tính ứng dụng, thực tiễn cao. Đây cũng là một diễn đàn chung để tìm hiểu về Luật Sở hữu trí tuệ, bảo vệ quyền lợi cho các kết quả nghiên cứu của nữ trí thức khoa học. GS Phạm Thị Trân Châu cho rằng: “Chuỗi tọa đàm góp phần kết nối nữ trí thức và doanh nhân, tạo cơ hội để hỗ trợ nữ trí thức đưa các kết quả nghiên cứu vào thực tế”. Chương trình đặc biệt chú trọng kết nối ý tưởng, kết quả nghiên cứu với các nhà đầu tư nhằm thúc đẩy việc thương mại hóa các kết quả nghiên cứu trên thị trường, tạo ra giá trị đích thực cho xã hội. Đồng thời, giúp xã hội đánh giá đúng khả năng của người phụ nữ và thực hiện quyền bình đẳng giới trong hoạt động nghiên cứu. Qua đó, nữ trí thức nâng cao được vị thế của mình.

Theo Báo PNVN

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video