Giúp nhau xóa nghèo ở một xã miền núi

06/07/2005
Hội phụ nữ xã Trung Nghĩa, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ vừa được bình chọn là một trong những điển hình tiên tiến của phong trào “Phụ nữ phát triển kinh tế gia đình, cần kiệm xây dựng đất nước” thời kỳ đổi mới.

Trung Nghĩa là một xã miền núi, đồng đất chưa nắng đã hạn, vừa mưa đã úng, nên sản xuất nông nghiệp không thuận lợi. Thêm vào đó, hệ thống giao thông chưa phát triển, khó khăn cho việc tiêu thụ hàng hóa nông sản của địa phương. Toàn xã có 9 tổ phụ nữ, phần lớn chị em lao động thuần nông, tần tảo sớm khuya với đồng ruộng mà năng suất vẫn thấp, đời sống của chị em còn nhiều vất vả. Để khắc phục tình trạng này, Hội phụ nữ xã xác định phương châm hành động là đẩy mạnh phong trào thi đua sản xuất, tập trung “phát triển kinh tế gia đình” và “giúp nhau có địa chỉ”. Hội tổ chức cho 100% hội viên đăng ký “làm kinh tế giỏi”; cán bộ hội phân công nhau sâu sát, nắm bắt hoàn cảnh thực tế từng hội viên để có biện pháp giúp đỡ phù hợp; đồng thời cùng HTX nông nghiệp và trạm khuyến nông bố trí một cán bộ hội đảm nhận công việc tổ trưởng khuyến nông, còn các tổ trưởng phụ nữ đều là tổ viên tổ khuyến nông kiêm cộng tác viên dân số và y tế. Bằng những biện pháp đó, công tác tuyên truyền kiến thức khoa học kỹ thuật được lồng ghép với các nội dung hoạt động hội, đã được phổ biến cụ thể đến từng hội viên. Thời gian qua, Hội đã mời Viện giống cây trồng, Công ty chế biến thức ăn Trung ương, trạm bảo vệ thực vật của huyện… về mở được 28 lớp tập huấn kiến thức chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi cho hơn 500 lượt chị em; tổ chức cho hội viên tham quan các mô hình mẫu: trồng giống ngô bi-ô-xít, giống lúa cao sản, nuôi cá chim trắng...

Hội còn tích cực khai thác các nguồn vốn từ quỹ “giải quyết việc làm”, quỹ “vì phụ nữ nghèo”... trong 5 năm được 326 triệu đồng, giúp cho 245 lượt hội viên vay để phát triển kinh tế gia đình. Vừa có đồng vốn vay, vừa có kiến thức qua các lớp tập huấn, nhiều hội viên đã mở được các ngành nghề dịch vụ làm đậu, làm bún, xẻ gỗ, làm mộc... đạt hiệu quả kinh tế cao. Nhiều gia đình hội viên xây dựng thành công mô hình kinh tế VAC tổng hợp, phát huy hiệu quả đồng vốn, như gia đình chị Nga Bảo nuôi lợn siêu nạc, ngan Pháp, gà siêu trứng... đã cho thu nhập gần 100 triệu đồng/năm; mô hình măng tre bát độ của gia đình bà Giáp, chị Hảo, chị Xuân... đều cho năng suất cao. Bên cạnh đó, phong trào “Phụ nữ giúp nhau có địa chỉ” được phân công cụ thể cho mỗi tổ phụ nữ, một năm giúp ít nhất từ một đến hai phụ nữ nghèo. Nhờ đó, từ năm 2000 đến nay, toàn xã đã có 49 gia đình hội viên vươn lên xóa nghèo và hàng trăm lượt hội viên có vốn phát triển kinh tế gia đình, đời sống hội viên được cải thiện đáng kể.


Với sự nỗ lực của cán bộ hội, khắc phục khó khăn trong lao động sản xuất của hội viên xã Trung Nghĩa, kết quả từ phong trào thi đua “Phụ nữ phát triển kinh tế gia đình, cần kiệm xây dựng đất nước” đã góp phần nâng bình quân lương thực đầu người hơn 470kg/năm, số hộ giàu tăng 2%, số hộ nghèo giảm xuống còn 2,8%.

Theo báo Quân đội nhân dân

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video