Giúp con dùng tiền lì xì

22/02/2016
Chuyện những đứa trẻ bỗng nhiên trở nên “kếch xù” sau tết và yêu cầu được tùy nghi sử dụng số tiền ấy, không còn là chuyện lạ trong nhiều gia đình.

“Hai đứa trẻ nhà tôi đứa nào cũng có một số tiền lớn, được lì xì trong những ngày tết. Điều làm tôi băn khoăn là hai đứa đòi tự ý sử dụng, bàn với nhau đi mua sắm theo sở thích. Tôi không đồng ý thì hai đứa bảo đó là tài sản của mình. Tôi không biết làm sao để con biết cách dùng tiền lì xì cho hợp lý”, chị Hạnh (Q.Thủ Đức) than thở sau những ngày nghỉ tết dài. Chuyện những đứa trẻ bỗng nhiên trở nên “kếch xù” sau tết và yêu cầu được tùy nghi sử dụng số tiền ấy, không còn là chuyện lạ trong nhiều gia đình.

Chị Hằng (Q.Gò Vấp) thì cho biết con gái chị mới 10 tuổi, lén mẹ dùng tiền lì xì mua chiếc điện thoại hai triệu đồng khoe với bạn bè, nhưng sau đó điện thoại “không cánh mà bay”. Chị cũng không biết khuyên con sử dụng tiền lì xì như thế nào.

Gia đình anh An (Q.12) tết năm trước bị một phen lộn xộn, khi cô con gái 13 tuổi dùng toàn bộ tiền lì xì mời bạn bè cùng lớp ăn uống tưng bừng, ngay trong ngày đầu năm đi học lại. Anh vào facebook của con, thấy rất nhiều lời cảm ơn, khen tụng đến trời xanh vì sự rộng rãi, “chịu chơi” của con gái. Cô bé hồi đáp “tiền lì xì tớ nhiều lắm, các cậu an tâm”. Anh giận nhưng không làm gì được vì chính anh đã bảo với con gái từ nhỏ rằng “tiền lì xì là của con”.

Khi con còn nhỏ, từ mẫu giáo đến lớp 2, ý thức về tiền bạc chưa có, chúng ta dễ dàng hướng dẫn con sử dụng tiền lì xì. Có thể mua một con heo đất, cùng con bỏ tiền lì xì vào và giải thích đó là tiền tiết kiệm, dùng cho việc học hành sau này của con.

Khi con được khoảng bảy tuổi, bắt đầu ý thức về tác dụng của tiền, chúng ta hãy trao đổi thẳng thắn và rõ ràng với con về cách sử dụng tiền lì xì sao cho hợp lý. Có thể con phản đối nhưng khi nghe phân tích từ cha mẹ, con sẽ có cái nhìn, quan điểm đồng cảm hơn với cha mẹ.

Cơ hội day con về lòng nhân ái

Trong quá trình trẻ hình thành nhân cách, nếu cha mẹ không giáo dục con về lòng nhân ái, đứa trẻ có thể “thành công” nhưng không “thành nhân”. Lúc con đang có nhiều tiền lì xì là một trong những thời điểm thích hợp để giúp con thực hành bài học về tình yêu thương.

Trước hết, trò chuyện về lòng nhân ái, sau đó đến hành động giúp đỡ cụ thể. Khi con nhận thức được thế nào là giúp đỡ, chia sẻ thì hành động mới mang tí nh tự nguyện. Chọn một hoàn cảnh khó khăn là người già hay trẻ nhỏ trong họ hàng để thuyết phục trẻ cùng tới thăm và tặng quà. Cha mẹ cũng cần “hùn hạp” với con trong việc giúp đỡ này để tỏ rõ thành ý, nêu gương.

Người bạn tôi kể anh cùng đứa con trai tám tuổi mang ít bánh trái kèm một bao thư hai triệu đồng cho một người dì họ xa của anh. Khi biết tiền mua quà và tiền trong bao thư có phần của cháu, bà cảm động rơi nước mắt: “Cháu còn nhỏ mà biết thương người thì sau này, bà tin cháu sẽ là người tốt”. Bà dì ra vườn hái đu đủ chín cây tặng, con trai anh trân trọng ôm trái đu đủ về, mời anh chị em họ ăn. Anh bảo “Của cho không bằng cách cho”. Người dì đã dạy cho con anh một bài học đẹp về sự cho và nhận, cho đi cũng là đã nhận rồi.

Chúng ta cũng có thể chọn một gia đình trong xóm, trong làng, trong khu phố để đưa con đến tặng quà. Ta phải hiểu rõ gia cảnh của họ để trò chuyện, trao đổi với con về hoàn cảnh của hàng xóm, cho con thấy tiền của con được sử dụng hợp lý, đúng chỗ. Hoặc đưa con đến những nơi làm từ thiện để đóng góp. Chúng ta cho người tiếp nhận biết nguồn gốc số tiền đóng góp này là từ tiền lì xì của con để dạy con về tính minh bạch. 

Cơ hội dạy con cách dùng tiền và giá trị vật chất

Đây cũng là dịp để chúng ta dạy con về cách sử dụng tiền bạc nói riêng và giá trị vật chất nói chung. Tôi thuyết phục con gái bảy tuổi của mình dùng một phần ba số tiền lì xì có được để giúp đỡ một người em họ mồ côi. Phần còn lại tôi không mua heo đất cho con bỏ vào mà cùng con ra ngân hàng lập tài khoản.

Con gái tôi rất vui, bảo “Con sẽ có tiền lời hàng năm. Tiền sẽ sinh ra tiền, mẹ tính toán hay thật”. Tôi nói số tiền lì xì này tuy ít ỏi nhưng sẽ dần thành số tiền lớn, cần thiết khi con gặp khó khăn. Tôi cho con bài học về lập kế hoạch chi tiêu, bài học về thực hành tiết kiệm.

Chuyên viên tâm lýLê Thụy Bảo Nhi:

Khi con khoảng 12-18 tuổi, con thường muốn sử dụng một phần số tiền để mua món đồ mà con yêu thích, chúng ta không nên khắt khe ngăn cản nếu đồ con mua hợp lý và chi phí không lớn so với số tiền lì xì con có. Khắt khe quá, con sẽ thấy cha mẹ không công bằng hay quá… bủn xỉn.

Trẻ con như tờ giấy trắng. Những điều tốt đẹp và thiết thực cha mẹ dạy từ khi con còn nhỏ qua tháng năm sẽ trở thành những giá trị cốt lõi cho con lúc trưởng thành. Cách sử dụng tiền phần nào nói lên phẩm chất của người sở hữu tiền, khi biết cách cho đi, biết cách san sẻ.

Cha mẹ nói gì?

Trần Kim Phượng(nhân viên văn phòng, Q.Bình Thạnh)

Tôi luôn tôn trọng con mình, từ nhỏ, tôi đã dạy con tính tự lập, tự chịu trách nhiệm việc mình làm. Đầu mỗi tháng, tôi cho con 200.000đ để cháu tự chi tiêu trong tháng, coi như đi làm có lương. Sau tết, có bao nhiêu tiền mừng tuổi, cháu tự giữ lại, phân ra cho các tháng và sử dụng. Tiền lì xì con có được cũng không nhiều lắm, sau tết vài tháng, tôi lại tiếp tục “phát lương”. Nhờ vậy, con rất có ý thức tiết kiệm.

Lê Thị Hà(giáo viên tiểu học, Q.Bình Thạnh)

Sau tết nhà tôi thường đi thăm trẻ mồ côi ở chùa Diệu Giác (Q.2). Cả nhà ai cũng góp tiền, mua đồ chơi, bỏ phong bao mừng tuổi và mua thức ăn cho các cháu trong chùa. Hai đứa con tôi rất phấn khích, góp tiền giúp các bạn kém may mắn. Không phải là những người giàu có, nhưng vợ chồng tôi luôn muốn các con sống có cảm xúc hơn, biết nghĩ về người khác. Sử dụng tiền sao cho đúng, trong đó có tiền lì xì, là bài học tôi luôn dạy con.

Nguyễn Thị Thu Thủy(nội trợ, Q.Thủ Đức)

Bé nhà tôi năm nay sáu tuổi, tết nào cháu cũng nhận được kha khá tiền mừng tuổi. Ngày cháu còn nhỏ, tôi giữ tiền của con, nhưng giờ con cũng đã nhận biết được mệnh giá của các đồng tiền. Có tiền lì xì, con đòi mẹ dẫn đi mua những món cháu thích, thấy con rất vui và hào hứng nên tôi cũng chấp nhận. Tiền còn dư, con vui vẻ đưa hết cho mẹ giữ, khi nào muốn mua gì mới hỏi xin.

Trần Đăng Khoa(nhân viên kinh doanh, Q.3)

Tôi nói với con tiền lì xì này là của con nhưng ba mẹ sẽ giữ cho con, muốn mua thứ gì con hãy lấy giấy viết ra. Nếu thấy nó thật sự hữu ích, ba mẹ sẽ thực hiện cho con. Nếu số tiền đó đã hết mà điều con muốn vẫn còn, ba mẹ sẽ giữ tờ giấy đó. Đến khi con để dành thêm tiền hoặc đợi sang năm có tiền lì xì nữa, chúng ta sẽ tiếp tục thực hiện điều còn dang dở và viết thêm những điều mới.

Tôi nghĩ cách làm như vậy vừa để chúng tôi có thể hiểu con hơn, vừa dạy con biết cách trân trọng tiền, không phung phí tiền. Mặt khác, con cũng có quyền với số tiền dành cho mình, cha mẹ giúp con chủ động đề ra những thứ mình cần.

Hoàng Thị Lan(buôn bán, Q.4) Tôi khuyên con lập kế hoạch chi tiêu số tiền lì xì . Con muốn mua gì cứ ghi vào danh sách, còn tiền bỏ vào heo đất. Khi nào cần thì lấy ra sử dụng, nhưng con phải thông báo cho ba mẹ biết, nếu ba mẹ thấy hợp lý sẽ đồng ý cho con mua.


Theo:Bảo Quỳnh, Báo PNTPHCM (HM)

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video