Giữ nguyên quy định “trẻ em là người dưới 16 tuổi”

14/04/2016
Ngày 5/4, với 444/449 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật Trẻ em (sửa đổi). Luật này có hiệu lực thi hành từ 01/6/2017.

Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, bà Nguyễn Thanh Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cho biết: Quốc hội đã thảo luận và cho ý kiến về dự thảo Luật Trẻ em (sửa đổi) ngày 23/3. Sau khi gửi phiếu xin ý kiến các đại biểu có 340/397 ý kiến đồng ý phương án “Trẻ em là người dưới 16 tuổi”, chiếm 85,64% tổng số phiếu thu về. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị giữ độ tuổi trẻ em là dưới 16 tuổi như quy định tại Luật hiện hành.

Tiếp thu ý kiến đề nghị cần quy định rõ trách nhiệm của thành viên gia đình đối với con em trong gia đình, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã rà soát chỉnh lý các điều khoản có liên quan đến trách nhiệm của cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em, các thành viên trong gia đình trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng, quản lý, giáo dục trẻ em, hỗ trợ trẻ em thực hiện quyền và bổn phận của mình tại Mục 2, Chương VI. Cụ thể, Điều 98 về Chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em quy định trách nhiệm của thành viên gia đình, dành điều kiện tốt nhất theo khả năng cho sự phát triển liên tục, toàn diện của trẻ em, đặc biệt là trẻ em dưới 36 tháng tuổi…

Về chăm sóc, giáo dục trẻ em, có ý kiến đề nghị bổ sung quy định về chính sách để trẻ em các xã diện 135, vùng miền núi khó khăn, phụ nữ mang thai ở vùng dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn được BHYT chi trả các chi phí liên quan đến quá trình chăm sóc sức khỏe; bổ sung quy định trẻ em không có các giấy tờ cần thiết cũng được chăm sóc sức khỏe, khám bệnh, chữa bệnh như trẻ em có BHYT. Tiếp thu ý kiến của các đại biểu quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bổ sung một khoản vào Điều 43 (khoản 1), quy định về việc bảo đảm quyền được chăm sóc sức khỏe của trẻ em, trong đó có ưu tiên trẻ em dân tộc thiểu số, trẻ em sống tại vùng khó khăn. Việc chăm sóc cho phụ nữ mang thai và chế độ BHYT cho trẻ em đã được quy định tại khoản 2, khoản 4 và khoản 5 Điều 43 của dự thảo Luật.

Về tổ chức đại diện cho tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em, có ý kiến đề nghị dự thảo Luật quy định rõ hơn cơ chế chủ trì, phối hợp của Hội LHPN Việt Nam trong thực hiện trách nhiệm giám sát việc bảo đảm quyền và lợi ích của trẻ em, đồng thời không nên giới hạn tuổi của trẻ em khi giao nhiệm vụ này cho Hội LHPN Việt Nam. Tiếp thu ý kiến này, dự thảo Luật đã bỏ cụm từ “dưới sau tuổi”, đồng thời quy định cơ chế phối hợp của Hội LHPN Việt Nam trong thực hiện trách nhiệm giám sát việc bảo đảm quyền và lợi ích của trẻ em sẽ được quy định cụ thể tại các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật.

Sáng cùng ngày, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Báo chí (sửa đổi) với tỉ lệ tán thành 89,47%. Luật này có 6 chương, 61 điều, có hiệu lực từ ngày 01/01/2017. Về ý kiến đề nghị cho phép cơ quan báo chí hoạt động theo mô hình doanh nghiệp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, cơ quan báo chí không phải là doanh nghiệp, hoạt động không nhằm mục đích kinh doanh và đề nghị Quốc hội giữ như Luật hiện hành. Bên cạnh đó, Luật này bổ sung quy định để bảo vệ phóng viên, người làm báo chưa có thẻ nhà báo: Cấm hành vi” “Đe dọa, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phóng viên; phá hủy, thu giữ phương tiện, tài liệu, cản trở nhà báo, phóng viên hoạt động nghề nghiệp, đúng pháp luật” (khoản 12 Điều 9). Dự thảo Luật tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, giảm điều kiện thời gian công tác từ “3 năm” xuống còn “2 năm” cho những người được xét cấp thẻ nhà báo lần đầu và vẫn giữ nguyên quy định thời hạn 5 năm phải đổi thẻ nhà báo..

Theo: Hải Hòa, Báo PNVN (HM)

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video