Giới thiệu tóm tắt một số điểm mới trong Luật Dân quân tự vệ 2019

14/10/2020
Luật Dân quân tự vệ 2019 gồm 8 Chương, 50 Điều được Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 22/11/2019, có hiệu lực từ ngày 1/7/2020 thay thế cho Luật Dân quân tự vệ 2009 với nhiều nội dung đáng chú ý.
Ảnh minh họa (nguồn ảnh: dqtv.vn)

Luật Dân quân tự vệ 2019 quy định: “Dân quân tự vệ là lực lượng vũ trang quần chúng không thoát ly sản xuất, công tác, được tổ chức ở địa phương gọi là dân quân, được tổ chức ở cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế (sau đây gọi chung là cơ quan, tổ chức) gọi là tự vệ”

1. Nam giới được hoãn thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ nếu đang một mình nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi.

Đây là điểm mới đáng chú ý của Luật Dân quân tự vệ 2019. Nếu trước đây, chỉ phụ nữ có thai hoặc nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi được hưởng quyền này, thì nay nam giới đảm bảo điều kiện quy định tại điểm a, khoản 1 Điều 11 Luật dân quân tự vệ 2019 cũng được hoãn thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ.

2. Thêm trường hợp được thôi nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ trước thời hạn

Kế thừa các trường hợp được thôi nghĩa vụ trước thời hạn như trước đây (sức khỏe không đảm bảo, hoàn cảnh gia đình gặp khó khăn đột xuất), khoản 1 Điều 12 Luật Dân quân tự vệ 2019 có thêm nhiều trường hợp được thôi nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ, cụ thể:

- Nữ dân quân tư vệ mang thai hoặc nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi, nam dân quân tự vệ một mình nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi.

- Người có lệnh gọi nhập ngũ hoặc lệnh gọi thực hiện nghĩa vụ công an; có quyết định tuyển dụng công chức, viên chức, công nhân quốc phòng hoặc công an nhân dân;

- Người có giấy báo và vào học ở cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trường của cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội; có giấy báo và đi lao động, học tập, làm việc ở nước ngoài;

 3. Những trường hợp đưa ra khỏi danh sách dân quân tự vệ

Luật dân quân tự vệ 2009 không có quy định nào về đối tượng được đưa ra khỏi danh sách dân quân tự vệ. Do vậy, đây được coi là điểm mới đáng chú ý của Luật Dân quân tự vệ sửa đổi áp dụng từ ngày 01/7/2020. 6 trường hợp đưa ra khỏi danh sách dân quân tự vệ được quy định tại khoản 2 Điều 12, bao gồm:  Chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là mất tích, đã chết; Bị khởi tố bị can; Bị tước danh hiệu Dân quân tự vệ; Bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc; Nghiện ma túy theo xác nhận của cơ quan có thẩm quyền hoặc bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn.

4. Hành vi phân biệt đối xử về giới bị nghiêm cấm

Luật dân quân tự vệ 2019 đã bổ sung thêm những hành vi bị nghiêm cấm về Dân quân tự vệ, theo đó khoản 6 điều 14 nêu rõ "Phân biệt đối xử về giới trong công tác Dân quân tự vệ" là hành vi bị nghiêm cấm.

 5. Dân quân thường trực được đảm bảo chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế

Dân quân thường trực là lực lượng thường trực làm nhiệm vụ tại các địa bàn trọng điểm về quốc phòng. Tại điểm c, khoảng 1 Điều 34 Luật Dân quân tự vệ 2019 bổ sung thêm chế độ, chính sách đối với dân quân thường trực nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của lực lượng dân quân tự vệ trong tình hình mới, phù hợp với quy định của Bộ luật lao động:

Theo đó, từ 01/7/2020, dân quân thường trực sẽ được:

- Trợ cấp ngày công lao động;

- Bảo đảm tiền ăn (trước đây chỉ bố trí nơi ăn, nghỉ);

- Hưởng chế độ khi làm nhiệm vụ từ 22 giờ đến 06 giờ sáng hôm sau, ngày nghỉ, ngày lễ khi thực hiện công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; 

- Trợ cấp ngày công lao động tăng thêm trong trường hợp kéo dài thời hạn thực hiện nghĩa vụ dân quân tự vệ;

- Hưởng trợ cấp 1 lần khi được công nhận hoàn thành nghĩa vụ quân sự tại ngũ trong thời bình;

- Hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế như hạ sĩ quan, binh sĩ quân đội đang tại ngũ.

 

Ban Chính sách – Luật pháp TW Hội LHPN Việt Nam

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video