Gìn giữ chèo tàu ở Tân Hội

23/10/2018
Giọng chuẩn chèo "vang, dền, nền, nảy", Nghệ nhân Ưu tú Ngô Thị Thu vừa trò chuyện vừa hát chèo tàu cho chúng tôi nghe. Nghệ thuật diễn xướng chèo tàu từng là nét văn hóa đẹp đẽ, gần gũi với đời sống của vùng đất Tân Hội, huyện Ðan Phượng (Hà Nội) nhưng nay đang có nguy cơ thất truyền.

Những làn điệu ngợi ca người phụ nữ

Từ đầu con đường rẽ vào xã Tân Hội, ai cũng có thể nói đầy đủ họ và tên những nghệ nhân nổi tiếng trong câu lạc bộ hát chèo tàu. Vốn là hình thức diễn xướng dân gian với những câu hát giản dị, dễ hiểu, mỗi khi có lễ hội hát chèo tàu, người dân nơi đây lại náo nức chờ đợi để thưởng thức những tích chèo hay.

Loại hình nghệ thuật dân gian chèo tàu chỉ có ở Tân Hội và có từ rất lâu. Có thể nói, việc gìn giữ và phát triển chèo tàu đang là trăn trở của những nghệ nhân nơi đây sau khi họ đã tìm tòi, sưu tầm, phục dựng và gìn giữ một phần những làn điệu chèo tàu cổ, cũng như tâm huyết truyền dạy cho thế hệ trẻ. Theo các nghệ nhân và nhà nghiên cứu, có ba giai thoại về nguồn gốc chèo tàu ở Tân Hội nhưng tất cả đều không rõ nguồn gốc nào là chính xác.

Nguồn gốc đầu tiên nói rằng, hội hát chèo tàu ở Tân Hội được tổ chức nhằm tưởng nhớ vị tướng Văn Dĩ Thành (1380 -1416), người đã có công đánh đuổi quân Minh xâm lược, bảo vệ quê hương. Sau khi Văn Dĩ Thành mất năm 1416 và được tôn vinh là Thành Hoàng Tổng Gối, nay là xã Tân Hội, người dân đã kết hợp những truyền thống ca hát vốn có của vùng đất này để tạo ra một lễ hội đặc sắc tưởng nhớ ông. Nội dung của tất cả các bài hát đều là ca ngợi hoặc kể lại những chiến công, những trận đánh xưa kia của vị tướng Văn Dĩ Thành. Lễ hội chèo tàu đầu tiên được tổ chức vào năm 1683.

Trong khi đó, theo giáo sư Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, hình ảnh voi và các ca nương là bằng chứng cho thấy chèo tàu bắt nguồn từ truyền thuyết về cuộc tiến quân hùng tráng của Hai Bà Trưng đánh Tô Ðịnh đời Ðông Hán vào khoảng năm 12 đến 43.

Còn theo một nguồn gốc khác nữa thì chèo tàu xuất hiện từ những cuộc đàm phán quân sự giữa Lý Phật Tử và Triệu Quang Phục trong chiến tranh giữa những năm 544 và 571.

Ý nghĩa của chèo tàu rất đúng với tên gọi của nó, về một loại hình nghệ thuật diễn xướng khi chèo thuyền, chèo tàu. Tương truyền, đội nghĩa binh áo đen của tướng Văn Dĩ Thành có cách đánh giặc sở trường, đó là chèo thuyền trong đêm bí mật đánh quân địch. Và đội chèo thuyền ấy chính là những cô gái thông thạo sông nước. Ðiều này đã giải thích tại sao tất cả những người hát chèo tàu đều là những cô gái chưa có chồng và những điệu hát được xướng lên như một sự ca ngợi về lòng dũng cảm, chịu thương, chịu khó của người con gái vùng đất Tổng Gối. Cũng vì vậy mà những câu thơ ca ngợi Ðan Phượng và Tân Hội với làn điệu chèo tàu như sau: Ta về Ðan Phượng chiều nay/ Quê hương gái đảm tràn đầy sức xuân/ Phố làng trù phú quây quần/ Huyện nông thôn mới sức dân mạnh giàu/ Tân Hội say điệu chèo tàu/ Hồng Hà vang tiếng sáo diều Bá Giang…

Ðể tổ chức lễ hội, người dân bốn làng Thúy Hội, Thượng Hội, Vĩnh Kỳ, Phan Long thuộc xã Tân Hội sẽ cùng nhau tham gia. Người dân hai làng Thượng Hội và Thúy Hội làm thuyền rồng dài từ 4 m đến 5 m, rộng 2 m; người dân hai làng Vĩnh Kỳ và Phan Long sẽ làm hai "ông" voi bằng gỗ cao 2,5 m, dài gần 3 m. Gần 200 người tham gia hội hát đều phải là con gái, kể cả người quản tượng cũng là nữ giả nam. Sau sáu tháng khổ luyện (từ rằm tháng 8 đến tháng giêng âm lịch), các ca nhi phải thuộc lòng ba phần của chèo tàu là hát trình (thánh ca), hát trên thuyền (trạo ca), hát giao duyên (bỏ bộ) và sẽ hát liên tục trong bảy ngày bảy đêm của lễ hội.

Chính vì lễ hội chèo tàu đòi hỏi không gian lớn, thời gian kéo dài cho nên xưa kia cứ 25 năm hội hát chèo tàu mới được tổ chức một lần vào những lúc mưa thuận gió hòa, đời sống người dân khấm khá. Lần gần đây nhất lễ hội được tổ chức là vào năm 2015 tại đền Voi Phục, lăng Vân Sơn khi hai di tích này được công nhận là di tích lịch sử, sau hơn 70 năm kể từ năm 1922 mới được tái hiện. Từ đó đến nay, cứ vào hội làng, người Tân Hội lại hát chèo tàu nhưng chưa có lần nào quy mô lớn đến vậy.

Phục dựng chèo tàu không dễ

Chúng tôi gặp và nghe Nghệ nhân Ưu tú Ngô Thị Thu, Chủ nhiệm Câu lạc bộ chèo tàu xã Tân Hội tâm sự rằng, chèo tàu còn quá ít người biết đến. Ngày trước, khi những bậc cao niên, những cây đa cây đề thuộc nhiều bài hát chèo tàu như cụ Tiến Thị Lục, Kim Thị Ba và Nguyễn Thị Năm còn sống thường hay truyền dạy chúng tôi các bài hát và cách hát, nhưng từ khi các cụ mất, việc phục dựng các làn điệu rất khó khăn. Theo lời kể của các cụ, có đến 360 làn điệu nhưng hiện nay chúng tôi chỉ lưu giữ chính xác về ngôn ngữ và cách hát khoảng 20 làn điệu, trong đó có "Se chỉ luồn kim", "Cổ kiêu ba ngấn", "Răng đen hạt đậu"... Sở dĩ như vậy vì việc học hát chèo tàu chủ yếu qua hình thức truyền miệng, không có sách nào ghi lại những lời hát cả.

Vì thế, Câu lạc bộ chèo tàu xã Tân Hội với hơn 50 thành viên ra đời năm 1998 nhằm mục đích lưu giữ, phát huy giá trị văn hóa dân gian xưa. Có điều, theo nghệ nhân Ngô Thị Thu, dù từ thế hệ này qua thế hệ khác, các nghệ nhân và người theo học, chủ yếu là học sinh, thiếu nữ trong độ tuổi chưa lập gia đình, cứ miệt mài, miệt mài dạy và học thì cũng đến một lúc nào đó, những cô bé sẽ trở thành sinh viên đi học xa hay lấy chồng, sẽ có công việc, nhiều mối bận tâm khác, thay vì gắn bó với nghệ thuật dân gian và nhất là chèo tàu.

Nghệ nhân Ðông Sinh Nhật, 70 tuổi và là một trong những người tham gia dạy hát chèo tàu cho thế hệ trẻ, cũng cho biết thật khó để phục dựng chèo tàu và tổ chức lễ hội hát chèo tàu một cách bài bản như xưa, nếu không muốn nói là có thể lệch chuẩn dù câu lạc bộ đã lưu giữ được nhiều tư liệu.

Là Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ chèo tàu xã Tân Hội, nghệ nhân Ðông Sinh Nhật nổi tiếng khắp Tân Hội như là một "đạo diễn" cho các hội diễn văn hóa văn nghệ quần chúng của xã, liên tục đoạt giải thưởng, bằng khen qua những vở kịch ngắn có tính tuyên truyền, giáo dục. Vì không muốn chứng kiến điệu hát cổ của Tân Hội bị biến tướng, cách tân vô lối cho nên ông và các nghệ nhân như Ngô Thị Thu, Nguyễn Hữu Yến, Nguyễn Thị Tuyết đều hy vọng sẽ tìm được ở đâu đó những bậc cao niên biết về chèo tàu để học hỏi, tìm kiếm tư liệu sưu tầm.

Cũng chính vì thế mà năm 2001, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam đề cử hát chèo tàu cùng múa Thái lên UNESCO để công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của thế giới nhưng không được công nhận do hồ sơ chuẩn bị quá sơ sài.

Có lẽ, những cuộc tìm kiếm của nghệ nhân Ðông Sinh Nhật và Nghệ nhân Ưu tú Ngô Thị Thu cũng nên có sự tham gia nhiệt tình từ các nhà nghiên cứu văn hóa bởi nỗ lực của họ không cho riêng ai, mà cho cả lớp hậu sinh, con cháu ở Tân Hội, cho cả cộng đồng, cùng những ai yêu quý chèo tàu, một di sản văn hóa độc đáo đang có nguy cơ mai một ở chính Tân Hội.

Theo nghệ nhân Ðông Sinh Nhật, đã có những đề xuất mong muốn lễ hội chèo tàu được tổ chức định kỳ 5 năm một lần. Tuy nhiên, để tổ chức được một mùa lễ hội thành công phải huy động rất nhiều nhân lực, vật lực, đồng thời dân làng cũng muốn giữ thời gian tổ chức theo truyền thống xưa kia. Vậy cho nên, muốn tham dự lễ hội tiếp theo, có lẽ người dân sẽ phải đợi ít nhất 22 năm nữa theo đúng luật tục Tứ dân vui vẻ chan hòa/ 25 năm lại mở hội ta chèo tàu.

Rời Tân Hội mà những câu hát Cổ mà là cổ kiêu/ Ố rằng là thì ba ngấn/ Ta bớ a ru hời/ Ba ngấn mà cổ kiêu… của bài "Cổ kiêu ba ngấn" cứ vang mãi bên tai. Chúng tôi tự hỏi đến bao giờ chèo tàu mới lại có những nghệ nhân như bà Ngô Thị Thu, ông Ðông Sinh Nhật, những người đã dành trọn vẹn cuộc đời cho môn nghệ thuật dân gian độc đáo của Tân Hội.

Nghệ sĩ Nhân dân Vũ Tự Long (Ðoàn Chèo Tổng cục Hậu cần) cho biết: "Chèo tàu không thuộc hệ thống những làn điệu chèo truyền thống. Ðó là nghệ thuật dân gian đặc trưng của vùng đất Ðan Phượng, có lề lối hát riêng, văn hóa riêng. Không phải là loại hình nghệ thuật có thể sân khấu hóa, chèo tàu chỉ để tổ chức diễn xướng mỗi mùa lễ hội kiểu như hát xoan, hát ghẹo, trống quân… Tôi cho rằng đó là những nét văn hóa đáng quý, cần gìn giữ, lưu truyền, nhân rộng giúp cho những loại hình diễn xướng dân gian mang đậm bản sắc mỗi vùng đất không bị mai một theo thời gian".

nhandan.com.vn

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video