Giải thưởng danh giá Pháp gọi tên 2 nhà văn nữ

04/11/2016
Goncourt và Renaudot - hai giải thưởng văn học nổi tiếng nhất nước Pháp - đã vinh danh hai nhà văn nữ Leila Slimani và Yasmina Reza.

Cuốn tiểu thuyết "Chanson douce" (Bài hát dịu êm) của nhà văn, nhà báo người Pháp gốc Maroc Leïla Slimani (35 tuổi) vừa được trao giải văn học Goncourt 2016. Leila là nhà văn nữ thứ 12 đoạt giải Goncourt.

Tác phẩm của Leila được viết dựa trên câu chuyện có thực về người bảo mẫu Louise, người Dominica phải hầu tòa vì giết chết hai đứa trẻ mình trông ở Mỹ năm 2012. Cuốn sách này thuộc dạng tiểu thuyết trinh thám khiến độc giả đôi lúc gần như ngạt thở vì những tình tiết éo le. Tác phẩm được sử dụng thủ pháp tả thực, qua đó khắc họa thành công và ấn tượng những diễn biến tâm lý phức tạp, có chiều sâu của nhân vật. Đồng thời, tác phẩm cũng đã phản ánh tổng quan, chân thực nhiều vấn đề cuộc sống xã hội nổi bật như tình cảm gia đình, giáo dục, chính trị, kinh tế.

Tiểu thuyết được đánh giá là “truyền đi một cách ẩn ý chân dung những ngục tù trong xã hội và trong chính bản thân mỗi chúng ta”.

 

Goncourt là giải thưởng văn học thường niên của Pháp được sáng lập theo di chúc của nhà văn Pháp Edmond de Goncourt vào năm 1896 nhằm vinh danh các tác phẩm văn xuôi xuất sắc nhất trong năm. Trị giá giải thưởng mang ý nghĩa tượng trưng với 10 euro nhưng đây vẫn là giải thưởng mà mọi nhà văn khao khát. Goncourt là phần thưởng có ý nghĩa lớn với tác phẩm, sự nghiệp của người thắng giải.


Sau giải Goncourt, giải thưởng văn học Renaudot đã về tay Yasmina Reza (57 tuổi) - nhà văn người Pháp gốc Iran, nhờ tác phẩm nói về thành cổ “Babylone”. Yasmina là một cây bút nữ đã thành danh trên văn đàn quốc tế, là tác giả của nhiều cuốn tiểu thuyết, kịch bản cho điện ảnh và nhất là những vở kịch nổi tiếng như “Art” (Nghệ thuật), “Conversations après l’enterrement” (Mẩu thoại sau đám tang)... Những tác phẩm của Yasmina đã được dịch sang 35 thứ tiếng. Bà cũng đã đoạt nhiều giải thưởng văn học và sân khấu.

 Ảnh minh họa

Giải thưởng văn học Renaudot đã về tay nhà văn Yasmina Reza

Trong cuốn tiểu thuyết này, tác giả đã dựng nên một vở kịch đầy kịch tính về tội ác của một người đàn ông giết vợ chỉ vì những hiểu nhầm từ câu chuyện thêu dệt của cô hàng xóm Elisabeth. Chính Yasmina đã chia sẻ rằng “Babylone” là biểu tượng của “một thế giới không còn nữa, nơi mà con người đã mất hết những cảm xúc và tính nhân văn đã thuộc về quá khứ”. Còn nhà báo Olivier Mony đã bình phẩm trong buổi ra mắt sách của nhà xuất bản Livres Hebdo rằng “Babylone” đôi lúc khắc nghiệt điên loạn, có khi lại cực kỳ hài hước, thỉnh thoảng lại pha chút dịu dàng trong hình tượng nhân vật chếnh choáng sai lầm bản thân, cuộc sống.

PNVN

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video