Gia đình với nữ nhà báo: Vừa hậu phương, vừa… tiền phương

21/06/2017
Với các nữ nhà báo, gia đình không chỉ là hậu phương vững chắc mà còn là tiền phương giúp họ giữ vững lòng yêu nghề...

Với đặc thù nghề nghiệp "săn tin ngoài, tác nghiệp trong", các nữ nhà báo rất khó hoàn thành vai trò, nghĩa vụ của một người phụ nữ trong gia đình nếu như không được người thân hỗ trợ.

Chuyện các nữ nhà báo phải chấp nhận cuộc sống nay đây mai đó, chấp nhận khó khăn với không biết bao nhiêu rủi ro, hiểm nguy rình rập để tác nghiệp không còn xa lạ. Họ âm thầm chịu đựng và âm thầm hi sinh những đam mê khác của đời thường để làm tròn sứ mệnh “người đưa tin trước thiên hạ”. Nhiều nữ nhà báo tâm sự, đôi khi đến “ăn với chồng nửa bữa” cũng còn rất khó nếu như phải thực hiện các đợt công tác cao điểm. Như vậy, muốn yên tâm thực thi công việc của mình một cách toàn tâm toàn ý, họ phải có một hậu phương vô cùng vững chắc.

Chị Nguyệt Vy, phóng viên ảnh của một toà báo ở TP Hồ Chí Minh trong một lần ra Hà Nội đã nhận lời tới dự buổi liên hoan của nhóm chúng tôi. Khi đại tiệc chuẩn bị bắt đầu, đột nhiên chị nhận được điện thoại của đồng nghiệp gọi: “Đến phố X gấp, có một phi vụ cần đến cậu, mang máy loại nhỏ gọn thôi. Cậu đừng đi taxi, chậm lắm, thuê xe ôm mà chạy cho nhanh”. Thế là, Nguyệt Vy vớ quàng ba lô, máy ảnh, tất tả chuẩn bị đi. Bấy giờ đã đến bữa, lại phải nhịn chờ "đại tiệc" cả buổi nên Vy đói quá nhưng nhiệm vụ thì không thể bỏ. Vậy là nàng phóng viên ảnh vớ ngay một bịch nylon, đổ nháo nhào mấy thứ đồ ăn vào, nào nem rán, cá chiên, bánh mỳ, rau bí xào... vừa ngồi xe ôm, cô nàng vừa tranh thủ ăn nom rất tội nghiệp.

Như thế cũng chưa thấm gì, một cô phóng viên của báo Tuổi Trẻ còn lặn lội mai phục bên góc bụi cây dọc đường gần Dầu Giây (Đồng Nai) giữa đêm khuya khoắt, với máy ảnh hồng ngoại, nhằm chụp “quả tang” những đối tượng chặn xe ăn tiền mãi lộ. Khi bị phát hiện, cô bị đối phương rượt đuổi chạy suýt chết, may mà kịp gọi đồng nghiệp đến giải cứu. Lại có nữ phóng viên vào vùng sâu lấy tin, khi vào bản đột nhiên gặp lũ lớn phải bám vào cây, mãi mới tìm được đường về…

"Cả nhà đều lo cho tôi, xa thì nhớ gần nhau cùng làm!" -Đó là lời một nữ nhà báo có hạng, dám lặn lội sang cả mặt trận Iraq nóng bỏng năm nào để đưa tin khi nói về vai trò hậu phương của gia đình. Nhiều nữ nhà báo đi lấy tin về có tin nhưng chưa kịp có bài để hoàn thiện sản phẩm. Vì với laptop ngoài hiện trường, họ mới chỉ “nháp” được các dữ liệu thô, còn viết bài cho ra tấm ra món thì phải có thời gian, không gian và cộng sự. Cộng sự của họ là ai? Là chồng, là con, là những người thân trong gia đình.

Một nữ nhà báo kể trong đợt thực hiện tin nóng, thời sự, cả nhà gần như vào cuộc hỗ trợ cho cô. Chồng giỏi lĩnh vực công nghệ thông tin thì giúp vợ xử lý các phần số liệu, chỉnh sửa lại hình ảnh. Trong khi mẹ tranh thủ tắm rửa, ăn uống một chút thì con gái giúp mẹ sạc pin máy ảnh, máy điện thoại, những tài liệu nào cần đánh máy lại thì đã có "nhân viên" đánh máy tạm thời là con trai hỗ trợ ngay lập tức. Lại có những ông chồng lúc nào cũng túc trực sẵn sàng phương tiện di chuyển cho vợ. Người thì lúc nào cũng kiểm tra tình trạng xe máy, nếu có hỏng hóc gì thì lập tức sửa để bà xã có phương tiện đi ngay. Có người thì tình nguyện trở thành "xe ôm" đưa vợ đi tác nghiệp. Ở nhà, mẹ chồng thì hí húi nấu cơm, bố chồng phụ dọn dẹp nhà cửa, đưa đón cháu đi học.

Nữ nhà báo luôn phải đi công tác xa, gia đình không chỉ thông cảm cho nghề nghiệp của họ mà còn động viên rất nhiều. Có những năm có lịch đi công tác đúng ngày nhà báo Việt Nam (21/6), cả nhà tổ chức tiệc chúc mừng vợ, mẹ trước. Cả tháng trời lặn lội “đi gió đi sương”, các nữ nhà báo mới có một bữa cơm gia đình đầm ấm vui vẻ. Nhưng ngay trong lúc vui, họ vẫn không quên nhiệm vụ. Bài viết in ra, họ vội đọc cho cả nhà cùng nghe. Mọi người cùng xúm vào góp ý với tư cách “độc giả có chọn lọc” cô có cơ hội điều chỉnh, sửa chữa sao cho nghe hay, nghe lọt tai.

Cảnh các nhà báo nữ nhận góp ý từ độc giả đầu tiên là gia đình như: “Chỗ này, con viết nghe chưa ổn lắm. Ở nông thôn các cụ không nói thế đâu!”. “Này, em xem thêm số liệu này đi. Theo thống kê mới nhất thì GDP năm nay ở ta đã khác rồi!”. Đôi khi các nữ nhà báo còn biến bữa cơm chiều thành một buổi họp góp ý về bài viết cho mình. Ấy thế nhưng mà vui, mà thân ái, bổ ích biết bao, gia đình trở thành “tiền phương” tác nghiệp thật tuyệt vời trong lòng các nhà báo nữ…

Còn bao nhiêu chuyện vui buồn có ở trong nghiệp báo, các nữ nhà báo vẫn ngày ngày rong ruổi trên mọi nẻo đường đất nước. Đằng sau họ, bao nhiêu gương mặt thân yêu của gia đình luôn hiện lên và dõi theo trìu mến. Một nhà Hải dương học thế giới từng nói: “Những con tàu vượt biển lên Bắc Cực rất sợ những tảng băng. Nom xa người ta chỉ thấy nó nhấp nhô một phần không đáng kể trên mặt nước nhưng tàu va vào là chìm ngay. Sở dĩ tảng băng nguy hiểm đến thế vì nó tiềm ẩn sức mạnh trong toàn bộ phần chìm sâu dưới biển. Đó là chiều sâu của triết lí biển cả đấy! ”.

Gia đình với mỗi người chúng ta cũng cần được hiểu như “tảng băng chìm” kia vậy. Sức mạnh của mỗi căn nhà ấm êm, hạnh phúc sẽ giúp cho các nhà báo yên tâm, vững vàng vượt qua khi tác nghiệp trong rất nhiều hoàn cảnh khó khăn.

PNTĐ

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video