Gánh nặng cuộc đời

31/12/2010
Cuộc sống khó khăn khiến những người phụ nữ này phải mưu sinh bằng nghề quét rác. Đằng sau giọt mồ hôi nhọc nhằn của họ là những câu chuyện đầy nỗi niềm.

NHỌC NHẰN NGHỀ QUÉT RÁC

Những buổi chiều đầu tháng 12, trời mưa lạnh nhưng các chị trong tổ thu gom rác ở thôn Liên Trì 1 (xã Bình Kiến, TP Tuy Hòa) vẫn cần mẫn quét rác bên lề đường, rồi hốt rác đổ lên chiếc xe đẩy bên cạnh mình, cứ thế rong ruổi khắp các con hẻm, ngõ ngách của thôn Liên Trì 1. Họ thu gom rác thải, sau đó đưa đến bãi tập kết để chờ xe của công trình đô thị đến mang rác đi xử lý. Bà Nguyễn Thị Bích Lang, 56 tuổi, một thành viên trong tổ thu gom rác chia sẻ: “Vì kinh tế gia đình khó khăn, tôi mới đi làm công việc này để kiếm sống. Có không ít người tiện đâu vứt, đổ rác không đúng nơi, đúng thời gian quy định, thậm chí còn coi công việc của chúng tôi không ra gì”.

 

Ngoài sự cực nhọc, những người quét rác còn thường xuyên tiếp xúc với bụi, rác bẩn và cả những chất độc hại lẫn trong rác rất nguy hiểm. Bà Nguyễn Thị Thu Sương, một thành viên khác trong tổ thu gom rác, thổ lộ: “Cực nhất là thời điểm thu gom rác thải sau những ngày mưa lũ. Bởi lúc ấy không chỉ có rác bẩn mà còn có xác những động vật đã chết, thối rữa, rất nặng mùi. Nhiều khi xong việc, về nhà bưng chén cơm, tôi nuốt không trôi”. 

 

Công việc vất vả nhưng thu nhập của họ lại thấp. Bà Sương cho biết, trước đây bà nhận 150.000 đồng/tháng, sau đó tăng lên 170.000 đồng và bây giờ là 300.000 đồng. Khoản thu nhập này quả quá ít ỏi so với mức sống hiện nay của một cư dân đô thị. “Nhưng chúng tôi đâu có nghề nào khác để mưu sinh”, bà Sương bảo. Hơn 3 năm nay, bà gắn bó với nghề đầy nhọc nhằn này với không ít nỗi niềm. Bà Sương thuộc diện hộ nghèo ở Liên Trì 1. Trong ba người con của bà, người con gái đầu mắc bệnh Down. Đã 20 tuổi, nhưng cô con gái Đỗ Thị Thu Sang ngây ngô như một đứa trẻ. 20 năm nay, người mẹ nghèo này lúc nào trong lòng cũng trĩu nặng nỗi âu lo khi nghĩ đến tương lai ngày sau của con mình. Bà Sương ứa nước mắt: “Số kiếp con mình không may, mình phải ráng chịu chứ biết làm gì?”. Điều mà bà Sương luôn cảm thấy day dứt là không lo được cho các con tiếp tục đi học. “Thấy gia đình người ta có điều kiện lo cho con cái học hành đến nơi đến chốn, tui tủi cho phận mình quá. Cái ăn còn lo chưa xuể thì làm sao có tiền để lo tụi nhỏ học hành”, bà Sương xót xa.

 

MỞ CỬA TƯƠNG LAI CHO CON

 

Gia đình bà Lang cũng thuộc diện hộ nghèo, chồng bà đau bệnh liên miên. Hơn 5 năm nay, một mình bà lo liệu tất cả các khoản chi phí trong gia đình. Trong bốn người con gái của bà, hai người con lớn đã kết hôn, hiện tại vẫn ở chung với ba mẹ, hai người con nhỏ còn đang đi học. “Khoản học phí cho con hàng tháng với người khác là không nhiều, nhưng với gia đình tôi là rất lớn”, bà Lang thổ lộ. Dù thu nhập quá ít ỏi, chẳng đáng bao nhiêu so với các khoản chi phí sinh hoạt cho cả nhà nhưng bà Lang vẫn quyết tâm cho con học hành đến nơi, đến chốn. “Đời mình đã quá cực nhọc, không thể để các con sau này có cuộc sống như mình được”, bà Lang bộc bạch. Nhờ địa phương hỗ trợ xây nhà đại đoàn kết, một năm nay gia đình bà đã thoát khỏi cảnh sống mưa tạt gió lùa trong những ngày mùa đông.

 

 Hoàn cảnh của bà Đỗ Thị Sáng, một thành viên khác của tổ thu gom rác cũng cơ cực không kém. Nhà có 5 sào ruộng khoán nhưng mấy năm nay, bà Sáng đã chuyển nhượng cho người khác để mua gạo ăn hàng tháng. Chồng bà Sáng làm thợ hồ, thu nhập lúc có lúc không, trong khi ấy, mỗi tháng bà Sáng chỉ kiếm được 300.000 đồng. Hai vợ chồng phải chạy đôn chạy đáo khắp nơi để lo cho các con ăn học. Người con đầu đang học năm thứ nhất Trường Cao đẳng công nghiệp Tuy Hòa, hai người con còn lại đang học cấp ba và cấp hai. Mới đây, bà Sáng vay được 5,6 triệu đồng/năm (vay vốn học sinh sinh viên) có tiền nộp học phí cho con. Niềm vui lớn nhất bà nhìn thấy con ngày một khôn lớn, chăm lo học hành. Bà Sáng bảo: “Dù nghèo nhưng vợ chồng tui luôn động viên nhau là cố gắng tích góp dành dụm để lo cho tụi nhỏ ăn học”.

Theo baophuyen online

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video