Dự thảo Luật Dân số: Lo ngại gia tăng phá thai không an toàn

30/09/2015
Tổng cục Dân số- Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) vừa phối hợp với Trung tâm Sáng kiến, Sức khỏe và Dân số tổ chức Tọa đàm với thanh niên về Dự thảo Luật Dân số. Trong các nội dung của Dự thảo Luật, quy định hạn chế phá thai khiến nhiều người quan tâm. Có ý kiến cho rằng, điều này có thể dẫn tới gia tăng phá thai không an toàn, nhất là với vị thành niên, thanh niên(TN).

Sẽ cấm phá thai trên 12 tuần tuổi?

Tại Điều 19, điều kiện và quyền, nghĩa vụ về phá thai an toàn nhằm hạn chế phá thai và chăm sóc sức khỏe TN trong Dự thảo Luật Dân số (18/5/2015), có nêu: Phá thai không phải là biện pháp thực hiện KHHGĐ; tuổi thai dưới 12 tuần tuổi được phá thai trừ các trường hợp: Phá thai vì lựa chọn giới tính thai nhi; phá thai gây hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe của người được phá thai. Còn tuổi thai từ 12 tuần tuổi trở lên thì cấm phá thai trừ các trường hợp: Mang thai gây nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng của thai phụ và thai nhi; do thất bại trong sử dụng các biện pháp tránh thai có tác dụng lâu dài; do loạn luân; do bị hiếp dâm; người chưa thành niên, người chưa kết hôn; có bằng chứng về nguy cơ sinh ra đứa trẻ có dị tật hoặc nguy cơ phát triển không bình thường.

Theo ông Nguyễn Đình Bách, Vụ trưởng Vụ Pháp chế-Thanh tra, Tổng cục DS-KHHGĐ, mỗi năm có khoảng 70.000 ca phá thai ở lứa tuổi TN chưa lập gia đình. Các điều tra cũng cho thấy, khi có thai, TN thường không biết cách sử lý phù hợp và chỉ đến bệnh việnkhi tuổi thai đã quá lớn, khiến việc phá thai dễ gây biến chứng nguy hiểm. Mặt khác, tuổi dậy thì có xu hướng sớm hơn, dẫn đến nhu cầu tình dục sớm. Điều này dễ dẫn đến nguy cơ lây nhiễm các bệnh qua đường tình dục. Thêm nữa, nhận thức về giới tính, tình dục, sức khỏe sinh sản của thanh niên, thiếu niên còn nhiều hạn chế. Đặc biệt, một bộ phận thanh, thiếu niên do nhiều lý do đã không tiếp cận được với các dịch vụ KHHGĐ và cung cấp phương tiện tránh thai.

Từ những thực trạng này, Dự thảo Luật Dân số đã xây dựng các quy định điều kiện phá thai, với mong muốn hạn chế tình trạng phá thai quá dễ dãi, góp phần làm tăng trách nhiệm phòng, tránh mang thai ngoài ý muốn. Ngoài ra, đây cũng là giải pháp hạn chế sự lợi dụng phá thai để lựa chọn giới tính thai nhi.

Tuy nhiên, việc siết chặt các điều kiện về phá thai, cũng có tác động tiêu cực: Hạn chế quyền sinh sản của cá nhân, cặp vợ chồng, nhất là trường hợp mang thai ngoài ý muốn của các nhóm cần ưu tiên cho học tập sự nghiệp, nâng cao chất lượng sống…Không bình đẳng giữa nhóm người có thai dưới 12 tuần tuổi và trên 12 tuần tuổi đến 22 tuần tuổi; có thể làm gia tăng tình trạng phá thai không an toàn tại cơ sở phá thai “chui”…

Vì vậy, Dự thảo cũng đưa ra “phương án 2”: Phụ nữ có quyền được phá thai theo nguyện vọng, trừ trường hợp phá thai vì lý do lựa chọn giới tính thai nhi. Theo một số ý kiến, phương án này, có ưu điểm là đảm bảo quyền sinh sản, song do “phá thai theo nguyện vọng” nên người được phá thai, người làm dịch vụ phá thai cũng có thể dễ dãi, dẫn đến tình trạng phá thai không kiểm soát. Điều này sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, tinh thần của số đông người được phá thai, nhất là những người phá thai ở lứa tuổi TN. Vì thế, cần cân nhắc và có thêm quy định, chế tài về vấn đề này, khi đưa vào Luật.

Tăng cường truyền thông cho thanh niên

Góp ý cho dự thảo, Nguyễn Thu Trang, một thành viên của nhóm thanh niên hoạt động về sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục, cho rằng, thay vì việc cấm phá thai sau 12 tuần tuổi, Luật Dân số nếu được thông qua thì nên tập trung hơn đến việc đẩy mạnh giáo dục sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục một cách toàn diện cho thanh, thiếu niên. Việc xóa bỏ những định kiến về tình dục với TN và khuyến khích trao đổi giữa thanh, thiếu niên với gia đình, nhà trường sẽ giúp nâng cao và duy trì sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục của thanh, thiếu niên bền vững hơn.

Theo thạc sĩ Hoàng Thị Bằng, chuyên gia của Tổ chức y tế giới tại Việt Nam, các quy định nghiêm ngặt sẽ dẫn đến nhiều phụ nữ tìm kiếm các dịch vụ ở các nước khác, từ những người cung cấp dịch vụ kém chất lượng hoặc tự gây sảy thai bằng các phương pháp kém an toàn.

Do đó, để hạn chế phá thai, nhất là với TN, cách tốt hơn là tăng cường cung cấp các biện pháp dự phòng liên quan đến thông tin giáo dục sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục và tiếp cận biện pháp tránh thai. Thực tế cho thấy, các quốc gia cung cấp dịch vụ phá thai (an toàn) hoàn toàn theo nguyện vọng (hợp lý) thì có tỷ lệ tử vong mẹ thấp.

Theo: Hải Minh, Báo PNVN (KK)

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video