Dinh dưỡng không hợp lý: Báo động!

21/08/2012
Theo đánh giá của Tổ chức y tế Thế giới, Việt Nam là nước có tỷ lệ suy dinh dưỡng (SDD) thể thấp còi cao chiếm trên 30%, tập trung chủ yếu ở phụ nữ và trẻ em. Hơn 60% bệnh nhân mắc bệnh phải điều trị bị SDD.

Người già và trẻ nhỏ đều… suy dinh dưỡng

Bữa ăn bán trú của một lớp tiểu học Khương Thượng, hơn 50 học sinh chia làm 2 nhóm: chiếm hơn nửa sĩ số lớp là các em bị suy dinh dưỡng dạng thấp còi; số còn lại rơi vào tình trạng thừa cân béo phì. Nguyên nhân của tình trạng này là do dinh dưỡng không hợp lý từ bữa ăn gia đình của người Hà Nội hiện nay. Bữa ăn quá nhiều đạm, chất béo, bơ sữa… nhưng lại thiếu vitamin, khoáng chất và rau xanh, khiến trẻ SDD thì ngại… ăn, còn trẻ béo phì lại tăng cân không kiểm soát. Điều tra dinh dưỡng của Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội, có tới 19% trẻ dưới 5 tuổi ở Thủ đô bị suy dinh dưỡng, ảnh hưởng đến chiều cao của trẻ sau này; 24% trẻ em thiếu máu dinh dưỡng; 11% trẻ ở độ tuổi đến trường lại thừa cân béo phì…

Còn TS Nguyễn Gia Bình - Trưởng khoa Hồi sức tích cực (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, có đến 63% bệnh nhân bị suy dinh dưỡng và tỷ lệ này gia tăng nhanh theo thời gian. Qua điều tra trên bệnh nhân đang điều trị tại khoa Hồi sức tích cực (BV Bạch Mai), khoa phẫu thuật tiêu hóa, phẫu thuật gan mật (Bệnh viện Chợ Rẫy) và bệnh nhân ở một bệnh viện thuộc TP Cần Thơ về các chỉ số cân nặng, albumin máu... đã cho thấy, có tới 40-60% bệnh nhân bị suy dinh dưỡng do chế độ ăn chưa phù hợp. “Nếu được hỗ trợ dinh dưỡng tốt thì tỷ lệ tử vong ở nhóm đối tượng bệnh nhân bị phẫu thuật đường tiêu hóa sẽ giảm từ 60% xuống chỉ còn 15%”, BS. Nguyễn Thị Kim Hưng, Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM khẳng định.

Nguyên nhân chính được chỉ ra là chế độ ăn của bệnh nhân ở VN hiện nay không đủ calo, thành phần dinh dưỡng không đáp ứng được các dạng bệnh tật khác nhau. Trong khi đó, nhiều bệnh viện không có khoa dinh dưỡng cho bệnh nhân, hiểu biết của bác sĩ và điều dưỡng về dinh dưỡng còn thấp.

Đầu tư cho dinh dưỡng tiết chế

Có một nghịch lý là sự bất hợp lý về dinh dưỡng đã đẩy thể trạng người Việt “đi” về hai thái cực khác hẳn nhau. Bà Lê Thị Hợp – Viện trưởng viện Dinh dưỡng cho biết trong vòng 10 năm (giai đoạn 2001-2010) tỷ lệ trẻ em bị suy dinh dưỡng, trẻ thấp còi có chiều hướng giảm nhưng trong một vài năm gần đây tỷ lệ này bắt đầu tăng trở lại. Hiện Việt Nam có khoảng 2,1 triệu trẻ SDD thấp còi (1/3 trẻ dưới 5 tuổi bị thấp còi) và 520 nghìn trẻ SDD gầy còm; gần 1,3 triệu trẻ em dưới 5 tuổi SDD nhẹ cân. Trong khi đó, Việt Nam cũng đang phải nỗ lực để hạn chế tình trạng thừa cân, béo phì ở cả trẻ em lẫn người trưởng thành. Theo kết quả điều tra dinh dưỡng quốc giai đoạn 2001-2010, Việt Nam có tới 6,6% người lớn bị thừa cân, béo phì. Tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi thừa cân, béo phì là 4,8%, trong đó khu vực thành phố 5,7%, nông thôn 4,2%. Đáng lưu ý, tỷ lệ này lên tới 12% tại Hà Nội, 15% tại TP Hồ Chí Minh.

Theo bà Hợp thì dinh dưỡng tiết chế là một trong 2 nội dung ưu tiên trong việc thực hiện chiến lược quốc gia về dinh dưỡng cho giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Ngoài việc giải quyết gánh nặng kép về SDD và thừa cân, béo phì thì việc thực hiện khám tư vấn dinh dưỡng cho người lớn, đặc biệt dinh dưỡng cho bệnh nhân đang điều trị cũng là mục tiêu trọng tâm. Nhiều gia đình ở Việt Nam vẫn đang nuôi con theo hiểu biết cá nhân mà chưa có tính toán về khẩu phần ăn một cách khoa học. Do đó trẻ trong gia đình có điều kiện thì được ăn “tối đa, theo nhu cầu” và ngược lại.  “10 năm qua, nhờ triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nên tình trạng dinh dưỡng của người dân Việt Nam, nhất là phụ nữ và trẻ em dưới 5 tuổi, đã được cải thiện với khẩu phần ăn có lượng protid, lipid cân đối hơn rất nhiều. Riêng khẩu phần ăn trẻ em từ 2 đến 5 tuổi có mức năng lượng trung bình đáp ứng được 97% nhu cầu khuyến nghị của Viện Dinh dưỡng”, bà Hợp nói.

“Để làm tốt hơn công tác chăm sóc dinh dưỡng cho người dân, Viện Dinh dưỡng đã thành lập khoa khám dinh dưỡng cho người lớn, đồng thời phối hợp với Vụ Khoa học & Đào tạo (Bộ Y tế) đào tạo y tá chuyên sâu về tiết chế dinh dưỡng nhằm đảm bảo nhu cầu chăm sóc dinh dưỡng cho các bệnh nhân nội trú và ngoại trú”- bà Lê Thị Hợp khẳng định.

Theo Đời sống gia đình (PHD)

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video