Dinh dưỡng cho trẻ : Không chỉ là ăn no

13/11/2011
Chuyên gia dinh dưỡng Hoàng Thị Kim Thanh lưu ý, khi chăm sóc trẻ nhỏ, các bà mẹ cần có kiến thức nuôi dưỡng đúng cách, cho trẻ ăn đầy đủ dinh dưỡng với bốn nhóm: chất đạm, chất béo, chất bột và chất xơ.

Cho trẻ ăn: Cần đúng và đủ chất

Báo cáo về tình hình suy dinh dưỡng của trẻ em Việt Nam dưới năm tuổi của Viện Dinh dưỡng quốc gia năm 2010 cho thấy, tỷ lệ suy dinh dưỡng theo cân nặng ở nước ta hiện còn 17,5 %, còn suy dinh dưỡng thể thấp còi là 29,3%.

Ngay tại Tiên Lữ, một huyện nghèo của tỉnh Hưng Yên, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng (SDD) thể thấp còi và nhẹ cân lên tới 28,9%, cao hơn so với mức chung của tỉnh Hưng Yên (16,8%), và cũng cao hơn tỷ lệ chung của cả nước. Còn trong một điều tra khác thực hiện vào tháng 3 năm nay về tình trạng dinh dưỡng của trẻ em dưới năm tuổi tại địa bàn, kết quả của tổ chức World Vision cho thấy, tỷ lệ SDD thể thấp còi, nhẹ cân và gày còm của trẻ em dưới năm tuổi tại huyện Tiên Lữ lần lượt là 31,8%, 18,5% và 9,8%. Đây cũng là một trong những lý do để tổ chức này hợp tác với Viện Dinh dưỡng quốc gia chọn địa bàn này thực hiện chương trình phát triển vùng trên địa bàn bốn xã Cương Chính, Tân Phượng, Hoàng Hanh, Tân Hưng từ năm 2009.

Bà Bùi Thị Thanh Hằng, điều phối viên dự án của World Vision tại Hưng Yên cho biết: “Trong quá trình khảo sát bước đầu, chúng tôi nhận thấy tỷ lệ SDD thấp còi cao nhất là trẻ từ hai - ba tuổi, lên tới 46%. Tiếp đến là nhóm trẻ từ một - hai tuổi: 36,6%. Tỷ lệ trẻ SDD thể nhẹ cân tại bốn xã nằm trong khoảng từ 14% đến 22%”.

Giải thích về nguyên nhân của tình trạng tỷ lệ trẻ em SDD vẫn còn ở mức cao tại địa phương này, bà Hằng nhận xét, lý do cơ bản nhất vẫn là điều kiện kinh tế khó khăn và nhận thức của người dân về vấn đề dinh dưỡng với trẻ còn nhiều hạn chế. Hầu hết các gia đình chủ yếu sản xuất nông nghiệp. Nhiều gia đình trong địa bàn, do bố mẹ phải đi làm ăn xa, trẻ phải tách mẹ từ lúc ba tháng tuổi, để lại ở nhà cho ông bà hoặc người nhà chăm sóc. “Ông bà nhiều khi chỉ trông trẻ chứ còn thiếu kiến thức dinh dưỡng, chưa biết cách chăm trẻ đúng cách. Vì vậy, chỉ có 50% số trẻ được theo dõi cân nặng thường xuyên, tỷ lệ trẻ được bú sữa mẹ hoàn toàn đến sáu tháng tuổi chỉ đạt khoảng 18,4% và tất cả các em bị cai sữa trước 24 tháng. Nhiều gia đình vẫn còn quan niệm chỉ ăn đủ bữa, đủ no là được, bữa ăn của trẻ còn chưa được đầy đủ nhóm thực phẩm dinh dưỡng cần thiết theo yêu cầu ”, bà Hằng chia sẻ.

An ninh dinh dưỡng: Tận dụng “của nhà”

Với chủ đề “Đẩy mạnh phát triển nguồn lương thực - thực phẩm tại địa phương góp phần đảm bảo an ninh dinh dưỡng và bình ổn giá cả”, hướng tới mục tiêu bảo đảm an ninh dinh dưỡng trong bão giá, đặc biệt với đối tượng người nghèo, tuần lễ Dinh dưỡng và phát triển diễn ra từ ngày 16 đến 23 tháng 10 là hoạt động thường niên được Bộ Y tế phát động hưởng ứng chủ đề của ngày Lương thực thế giới từ Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO).

Tiến sĩ Hoàng Kim Thanh, Giám đốc Trung tâm truyền thông giáo dục dinh dưỡng (Viện Dinh dưỡng quốc gia) nhấn mạnh, để nâng cao mức sống, đặc biệt đối với người nghèo, tạo nguồn thực phẩm tại chỗ với từng gia đình, địa phương là thiết thực nhấ, bảo đảm an ninh dinh dưỡng với tiêu chí: đủ no, đủ dinh dưỡng, sử dụng thực phẩm tại gia đình vừa sạch, tươi, tiện lợi. Nếu phát triển tốt nguồn lương thực thực phẩm tại chỗ, người nghèo ở nông thôn, ngoài cung cấp bữa ăn gia đình, còn có thể bán đi để tăng thêm thu nhập.

Còn với hoạt động truyền thông trong cộng đồng, tiến sĩ Hoàng Thị Kim Thanh mong muốn đưa trực tiếp những kiến thức chăm sóc trẻ đúng cách tới bố, mẹ, người nuôi dưỡng trẻ để họ biết cách lựa chọn, sử dụng thực phẩm đơn giản phù hợp với trẻ, nhất là trẻ em ở nông thôn, mà vẫn đáp ứng tiêu chí “ngon, bổ, rẻ”. Nhiều gia đình ở nông thôn có thói quen không cho trẻ ăn rau hay dầu, mỡ vì sợ bé bị đầy bụng, khó tiêu. Do đó, cung cấp thông tin về dinh dưỡng tốt nhất với đối tượng này cần có sự hướng dẫn của cán bộ y tế, cộng tác viên và thực hành ngay.

Như tại huyện Tiên Lữ, trong một năm triển khai dự án tại bốn xã thuộc huyện Tiên Lữ, các cán bộ dự án của World Vision đã tiến hành xây dựng mạng lưới tuyên truyền cơ sở, câu lạc bộ dinh dưỡng tại địa bàn, tiến hành nhiều chương trình trao đổi về dinh dưỡng. Bên cạnh việc đầu tư cơ sở vật chất cho các trường mầm non, World Vision còn tổ chức nhiều buổi thực hành nấu ăn cho các giáo viên mầm non có sự tham gia của phụ huynh học sinh.

Sau một thời gian ngắn triển khai, chương trình chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ em đã có nhiều thay đổi đáng kể. Các gia đình đã quan tâm tới chế độ dinh dưỡng đầy đủ cho trẻ. Đồng thời, họ cũng biết tận dụng thực phẩm địa phương như tôm, cua, cá, trứng, rau xanh… trong vườn nhà để cho trẻ ăn.

Chị Phan Thị Mận, xã Cương Chính, Tiên Lữ, tâm sự: “Ngày trước, tôi không để ý đến chế độ dinh dưỡng cho con nhỏ của mình. Có khi cả tuần ba, bốn bữa ăn trứng. Có bữa không rau xanh, nhà có chuối chín thì cho ăn hai, ba quả một ngày, tiện gì cho cháu ăn nấy. Nhưng giờ, tôi đã biết cần nấu thêm tôm, cua, đậu phụ đổi bữa cho con”.

Với trường mầm mon trên địa bàn, mặc dù điều kiện của nhà trường và phụ huynh còn khó khăn, thức ăn bổ sung của trẻ còn nghèo nàn nhưng nhà trường luôn cố gắng cho trẻ ăn đủ bốn nhóm thức ăn mỗi bữa. Cô Nguyễn Thị Ngoan, hiệu trưởng trường mầm non thôn Đặng Xá, xã Cương Chính, chia sẻ: “Nhà trường có tổ chức những bữa thực hành dinh dưỡng, nhiều phụ huynh còn mang tôm, cua cá bắt được đến để các cô nấu cho các con ăn nên dù mỗi bữa ăn cho trẻ em chỉ 5.000 đồng nhưng vẫn bảo đảm đủ dinh dưỡng”.

Chị Nguyễn Thị Phúc, chủ nhiệm câu lạc bộ dinh dưỡng thôn Đặng Xá cho biết hằng tháng, câu lạc bộ sinh hoạt đều đặn, thu hút sự quan tâm không chỉ của các mẹ, mà còn cả ông, bà, người chăm sóc trẻ.

Tiến sĩ Thanh cũng nhấn mạnh, các bà mẹ cần có chế độ chăm sóc trẻ hợp lý sau khi bị ốm. Khi trẻ mắc các bệnh nhiễm khuẩn như viêm phổi, viêm đường hô hấp trên, tiêu chảy… chăm sóc trẻ bị bệnh không đúng cách cũng dẫn tới tình trạng suy dinh dưỡng. Nếu trẻ ốm, không nên bắt trẻ ăn kiêng, mà chia thành nhiều bữa nhỏ, cho trẻ ăn theo ý thích và có thể bù bữa ăn hồi phục đủ chất cho trẻ sau ốm.

Theo bà Thanh, điều kiện kinh tế phát triển nên nhận thức của người lớn trong chăm sóc trẻ nhỏ cũng được cải thiện. Ở nông thôn vùng đồng bằng sông Hồng nhiều năm trước, bát bột của trẻ vẫn còn mầu trắng do chỉ nấu với thịt, không được “tô màu” bằng các loại rau, củ, quả hay dầu mỡ. Giờ đây, quan niệm về dinh dưỡng đã thay đổi nhiều. Trong một chuyến đi mới đây tới huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên, bà Thanh cũng chứng kiến các bà mẹ người dân tộc thiểu số cũng được học cách cho trẻ em ăn đủ dinh dưỡng.

Tiến sĩ Thanh cũng đưa ra những lời khuyên đơn giản về dinh dưỡng cho trẻ nhỏ. Các bà mẹ nên cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong sáu tháng đầu và tới khi trẻ được hai tuổi. Sau sáu tháng tuổi, nên cho trẻ ăn dặm với thực đơn đa dạng, đầy đủ bốn nhóm thực phẩm gồm chất đạm, chất béo, chất bột và chất xơ, trong đó nên dành 60% đạm động vật như tôm, cá, thịt… Nếu có điều kiện, cho bé uống thêm mỗi ngày một cốc sữa. Ngoài ra còn cần bổ sung thêm nhóm chất béo như dầu mỡ, có thể cân bằng theo tỷ lệ hai mỡ một dầu.

Trẻ cũng cần bổ sung vitamin bằng các loại rau xanh và hoa quả chín, chất xơ, giúp dễ tiêu hoá, tránh táo bón. Nên cho trẻ ăn đa dạng nhiều loại rau xanh và hoa quả đúng mùa, không nên sử dụng những loại trái mùa. Ngoài ra, các bà mẹ cũng nên chú ý rửa đúng cách để loại bỏ được các hoá chất, thuốc bảo vệ thực vật tồn dư trong thực phẩm.

Theo Ngân Anh - Hiếu Hạnh, NDĐT

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video