Dạy trẻ em cách tự bảo vệ mình

08/10/2007
Buôn bán trẻ em hiện nay là một vấn đề nhức nhối không chỉ ở Việt Nam mà còn tại nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á. Đã có nhiều chính sách và chương trình hoạt động phòng chống buôn bán trẻ em được thực hiện, nhưng tiếng nói, khuyến nghị của trẻ em vẫn chưa được quan tâm nhiều.

Nhức nhối nạn buôn bán và xâm hại trẻ em

Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2007, cả nước phát hiện 192 vụ, với 360 đối tượng lừa bán 459 phụ nữ và trẻ em, tăng 25 vụ so với cùng kỳ năm trước. Các đường dây buôn bán người ra nước ngoài hoạt động với quy mô lớn và ngày càng tinh vi. Đối tượng của bọn chúng thường là trẻ em nông thôn nghèo, trình độ học vấn thấp, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, ít hiểu biết về pháp luật, thiếu việc làm. Tại diễn đàn "Chúng em nói về phòng chống buôn bán trẻ em và bảo vệ trẻ em" vừa diễn ra ở Hà Nội, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng cho rằng: “Vấn đề trẻ em bị buôn bán và xâm hại về thể xác, tinh thần đang là một vấn nạn toàn cầu và có chiều hướng gia tăng, bất chấp những nỗ lực quốc tế và quốc gia đang được tiến hành. Tại Việt Nam, tình hình buôn bán trẻ em diễn ra rất phức tạp, nảy sinh nhiều nguy cơ mới do nhiều trẻ em bị lừa bán ra nước ngoài, bị xúc phạm thân thể và nhân phẩm. Trước thực trạng trên, Đảng và Nhà nước đã thể hiện sự kiên quyết trong việc đấu tranh chống các tệ nạn xã hội, các hành vi bạo lực, xâm hại và xúc phạm nhân phẩm phụ nữ, trẻ em... Ngày 27/6/2007, Thủ tướng Chính phủ đã khẩn trương ban hành chỉ thị về việc tăng cường thực hiện Chương trình hành động phòng, chống tội phạm buôn bán phụ nữ và trẻ em".

Trẻ em mong muốn gì?

“Chúng em mong muốn được học những nội dung thiết thực và phù hợp nhất và cần được giáo dục kỹ năng sống nhiều hơn trong nhà trường để chúng em có thể tự bảo vệ mình”; “Chúng em mong muốn pháp luật nghiêm trị và đưa ra ánh sáng những kẻ buôn bán trẻ em, lạm dụng lao động trẻ em, xâm hại tình dục trẻ em bằng cách tăng hình phạt tù, phạt tiền và các hình phạt khác”; “chúng em cần có các tổ chức để bảo vệ và hỗ trợ trẻ em lao động xa nhà, trẻ em lang thang”... là những thông điệp, khuyến nghị mà các em nêu ra tại diễn đàn này. Em Nguyễn Hồng Cúc, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang, băn khoăn: “Hiện nay, ở địa phương, các bạn bị xâm hại về tình dục và tinh thần rất cần được tư vấn và tố giác tội phạm, nhưng vẫn phải đảm bảo bí mật của bản thân để tránh mặc cảm với cộng đồng. Vì vậy, chúng em mong muốn có những tổ chức tư vấn xuống tới tận cấp huyện, xã để có thể giúp đỡ chúng em một cách có hiệu quả và kịp thời". Em Trần Thị Hường, Bắc Giang cho biết: "Trong khi nạn buôn bán trẻ em diễn ra khá phổ biến, với nhiều thủ đoạn tinh vi, thì hầu hết các em lại có rất ít thông tin và những kỹ năng cần thiết để tự bảo vệ mình. Thực tế, ở địa phương em mới đây, có một số bạn bị lừa bán sang Trung Quốc, rất may, cơ quan công an kịp thời giải cứu các bạn này tại cửa khẩu Móng Cái, Quảng Ninh". Trước những băn khoăn thắc mắc của các em, bà Tạ Thị Ngọc Thịnh, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban DS-GĐ&TE cho biết: “Hiện nay, mới chỉ có đường dây tư vấn tại Hà Nội là có thể hướng dẫn các em trong từng trường hợp cụ thể, với số điện thoại 18001567. Còn ở cấp chính quyền địa phương, các em có thể tìm gặp cán bộ làm công tác dân số, gia đình và trẻ em, các cơ quan công an, hội phụ nữ, đoàn thanh niên... để nhờ tư vấn và bảo vệ khi bị xâm hại". Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng cho rằng: "Bên cạnh việc tăng cường hơn nữa vai trò và sự tham gia của các bộ, ngành, các tổ chức đoàn thể, thì Nhà nước và các ban, ngành cần có các chính sách, quy định, tiêu chuẩn về việc chăm sóc các trẻ cần được quan tâm đặc biệt tại cộng đồng, như: trẻ bị lạm dụng, xâm hại, trẻ bị buôn bán... Cần xây dựng quy trình rõ ràng và phân bổ kinh phí, phân công trách nhiệm cho các cơ quan chịu trách nhiệm hỗ trợ trẻ là nạn nhân của những hành vi xâm hại, lạm dụng... để các em có thể phục hồi và tái hoà nhập cộng đồng. Đặc biệt, về lâu dài, cần phải xây dựng một hệ thống bảo vệ trẻ em hoạt động có hiệu quả để giải quyết các vấn đề phát sinh liên quan đến trẻ trong quá trình đất nước hội nhập và phát triển, trong đó có vấn đề buôn bán trẻ em"

Theo Thu Hằng
VOV

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video