Dạy con bằng chính đời mình

21/07/2013
Nhìn lại bức ảnh cả nhà năm người, chụp cùng mẹ chồng khi bà từ Đà Nẵng vào thăm cháu nội, trước căn nhà xiêu vẹo ở số 93 Trần Văn Bính, khóm 4, P.5, TP. Cà Mau, bà Lâm Thị Kim Phối nói, cuộc đời bà cứ như một giấc mơ.

Cuộc tình hai người lính

Năm 1973, bà Kim Phối được đồng đội mai mối với ông Trần Quốc Anh - thương binh bậc 4/4 đang tham gia kháng chiến ở quê bà (Khánh Lâm, U Minh). Lúc đó, bà là giáo viên đứng lớp xóa mù cho các chiến sĩ đóng quân ở đơn vị này. Lễ tuyên bố chưa được một tuần, ông Quốc Anh phải theo đơn vị nhận nhiệm vụ mới ở Sài Gòn. Bà Phối một mình ở quê, vừa tiếp tục tham gia kháng chiến, vừa chăm sóc cái thai cậu con trai đầu lòng Trần Thanh Phong.

Giải phóng, khi Phong gần một tuổi, ông Quốc Anh mới biết mặt con. Nghĩ chồng đâu vợ đó, bà Kim Phối khăn gói theo chồng lên Q.3, TP.HCM sống. Thời đó, ông làm chủ tịch phường Hiền Vương, lương đúng nghĩa “ba cọc, ba đồng”. Bà Phối cấn bầu Thanh Vũ và Thanh Thủy liên tiếp hai năm 1977, 1979, cơm trắng không có ăn, sữa không đủ cho con bú… Năm 1980, bà Phối và chồng quyết định “chia xa”, ông ở lại công tác, bà quay về Cà Mau làm lúa nuôi con. Lúc đó, Phong sáu tuổi, Vũ ba tuổi, Thủy thì chưa đầy một tuổi. Thiếu dinh dưỡng, các con đau ốm liên miên. Thương vợ tảo tần, ông Quốc Anh xin chuyển công tác về Bạc Liêu cho gần gũi gia đình. Theo chồng, bà Phối lại rời Cà Mau lên Bạc Liêu nhưng chưa được một năm, ông bà đã phải cùng xin chuyển về Cà Mau. Bà làm công tác thiếu nhi ở địa phương, ông về Văn phòng Tỉnh ủy Minh Hải. Công việc mới “chạy” chưa êm thì bà Phối có thai ngoài kế hoạch… Phong mới 11 tuổi, đã phải phụ mẹ đi vớt lục bình bằm cho heo ăn, vớt rau muống cho ba cột ra chợ bán, kiếm thêm tiền.

Khắt khe để con nên người

Cơ cực, nghèo khó nhưng luôn giữ sạch lành là nguyên tắc sống của ông Quốc Anh. Là một cán bộ gương mẫu, thanh liêm, ông nói: “Quan niệm sống của tôi rất đơn giản. Làm người khó, làm người tốt khó hơn nhiều nên các con phải được rèn từ nhỏ. Với các con, tôi là người cha nghiêm khắc”. Bà Kim Phối kể, năm Phong 10 tuổi, chồng bà mang về nhà một nhánh roi trúc. Chiếc roi theo tay nhịp của ông cả chục năm trời nhưng không một đứa con nào bị quất vào mông. Ông hay nói với vợ: “Dạy con phải bằng cuộc đời, bằng cách sống của chính mình, dùng roi vọt làm sao gọi là dạy dỗ!”.

Thạc sĩ Trần Thị Xuân Mai, chuyên viên đầu tư tài chính của Eximbank, con gái út của ông bà kể lại: “Căn nhà vách lá, mái tôn ngày ấy vẫn còn trong ký ức của tôi. Kia là góc anh Hai Phong ôm mớ lục bình, rau muống, rau mương mà anh lội bưng vớt về để anh Ba Vũ bằm cho heo ăn. Đây là góc mẹ đặt chiếc máy may cũ kỹ may gia công kiếm thêm tiền, chế Tư Thanh Thủy phụ cắt chỉ. Chỗ đầu giường, ba che bạt xanh, trắng đủ màu chống mưa dột, nơi chái nhà là chỗ hứng nước mưa để dùng quanh năm… Là út sướng nhất nhà, tôi chỉ biết học và mang về cho ba mẹ những tấm giấy khen, coi như hoàn thành nhiệm vụ.

Tôi nhớ ngày xưa, ba mẹ không can thiệp vào chuyện học của con cái nhiều, nhưng ba tôi luôn nói: “Ba mẹ sinh trong thời chiến, không có điều kiện học. Giờ các con học thay ba mẹ…”. Chúng tôi đều ý thức, chỉ có học thì mới có thể bớt khổ. Ba mẹ rất chú trọng dạy chúng tôi về cách đối nhân xử thế, “đói cho sạch, rách cho thơm”. Cái gì của mình dù là xấu xí hay cũ kỹ thì cũng phải trân quý. Đừng thấy của người đẹp hơn, tốt hơn mà chê khinh những gì mình có. Chúng tôi sai quấy gì, ba mẹ cũng chỉ la mắng chứ không đánh đòn. Ba mẹ dạy mỗi đứa sống tự lập, không phụ thuộc, dựa dẫm vào người khác…”.

 

 Ảnh minh họa

 Ông bà Trần Quốc Anh cùng con cháu, dâu, rể!

Dạy con biết yêu thương, chia sẻ

Một điều nữa mà ông bà luôn nhắc các con là phải biết yêu thương, chăm sóc và đoàn kết với nhau. Khi Phong đi làm, ông Quốc Anh yêu cầu con phải dành khoản lương nhỏ nhoi của mình góp vào gia đình để chăm lo cho các em. Ông nói: “Con đừng tủi thân, hờn giận khi phải góp sức vào nuôi các em mà hãy lấy đó làm niềm tự hào vì trọng trách anh Hai của mình”. Tự hào về những cây thước, bút mực, quyển vở mà anh Hai (người đầu tiên trong nhà có tấm bằng đại học ngành cơ yếu, ĐH Bách khoa Hà Nội) chăm lo cho, những người em Vũ, Thủy, Mai như có đà, học hành tốt hơn.

Khi Xuân Mai vào đại học, gia đình đã đỡ hơn vì cả Phong và Vũ đều tốt nghiệp và có việc làm. Sợ con gái lao vào kiếm tiền giống các anh, khi đó nhà chưa có điện thoại, thỉnh thoảng bà Phối lại chạy sang hàng xóm gọi nhờ, nhắn con: “Đừng đi làm thêm vì con sinh non, yếu ớt lắm, sẽ ảnh hưởng đến việc học nghe con!”. Nghe mẹ, Mai kiếm tiền bằng cách tham gia các cuộc thi học thuật ở trường, vừa để trau dồi kiến thức, vừa để có những khoản tiền thưởng học các khóa ngắn hạn như Anh văn, vi tính...

Nước mắt, mồ hôi của ba mẹ đã tưới tắm cho cuộc đời của bốn anh em Phong, Vũ, Thủy, Mai. Năm 2009, Vũ nhận bằng thạc sĩ; năm 2012, Mai bảo vệ luận văn cao học. Ngày con nhận bằng tốt nghiệp, ông bà Kim Phối từ Cà Mau đón xe lên trường mừng con. Người con đầu Thanh Phong hiện là Trưởng phòng Văn thư Văn phòng Tỉnh ủy Cà Mau. Thủy là tổ phó tổ Anh văn của Trường THPT Nguyễn Việt Khái, Cà Mau. Vũ là Hiệu phó Trường ĐH Kinh tế kỹ thuật Bình Dương, đang học tiếp tiến sĩ.

Mới đây, ông bà vừa kỷ niệm 40 năm ngày cưới. Cô út Xuân Mai tâm sự: “Tôi rất hạnh phúc và tự hào vì được sinh ra và lớn lên trong một gia đình như vậy, dù không giàu tiền giàu bạc nhưng chan chứa tình yêu thương. Tôi tin ba mẹ tôi cũng rất tự hào về các con”.

Theo Phunuonline.com.vn

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video